Đến Plei Ơi ngẫm về Vua Lửa, kiếm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đã đôi lần đến Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) nhưng tôi vẫn cứ thấy ngôi làng này hấp dẫn lạ. Plei Ơi theo tiếng Jrai có nghĩa là “Làng Ông”. Đó là ngôi làng nhỏ bé thanh bình, vẫn mang đậm dáng dấp Tây Nguyên. Làng tọa lạc trên một thung lũng bằng phẳng, phía Bắc là đèo Chư Sê với rừng khộp cỗi cằn khoe thân già nua xen trong những dãy đá trọc đầu lô nhô trăm hình vạn trạng, phía Nam là cánh đồng Ayun Hạ ngút ngát hàng ngàn héc ta. Đó là vùng đất đắc địa, đẹp hiếm có. Đất ấy còn thêm sức hấp dẫn bởi núi Tao Yang, huyền tích Vua Lửa và kiếm thần.
Không như những ông vua của những vương triều đầy quyền lực, Vua Lửa (Pơtao Apui) là một tín ngưỡng mang tính “thần quyền”. Vua Lửa có quyền năng như pháp sư, cúng cầu mưa cho dân làng và cả vùng, làm nghi lễ, lễ bái của dân làng, của vòng đời con người... Vua Lửa không có thành quách, không có quân đội, không có hình luật tòa án, không ngai vàng, không hoàng bào, không vương miện...
Vua không có đặc quyền đặc lợi. Vua vẫn sống ở làng, cũng lên rừng làm nương rẫy. Vua cũng ăn mặc như thường dân. Duy có chút khác là quần áo Vua Lửa được những người phụ nữ sạch sẽ, đã hết tuổi sinh sản dệt may.
Một thời Nghiêu Thuấn như thánh nhân mà đi cày ruộng với dân là thế. Nghiêu Thuấn truyền hiền không truyền tử; Vua Lửa cũng gần như là truyền hiền. 14 đời Vua Lửa, ông vua đầu tiên không mang họ Siu, những vua về sau mang họ Siu (vì người làng Plei Ơi đa phần mang họ Siu) nhưng có thể không trực hệ và phải được cả làng, cả dòng họ suy tôn chọn lựa. Có vị còn từ chối không chịu làm “Vua” khi được dân làng tin cẩn giao phó. Vị Vua Lửa cuối cùng là Siu Luynh đã qua đời năm 1999. Một việc khác nữa là Vua Lửa khi chết thì những ngôi mộ là vĩnh viễn, không theo tục bỏ mả của người Jrai.
Tại Plei Ơi có một hòn núi rất đẹp, đầy vẻ kỳ bí, đó là núi Tao Yang. Hòn núi mọc lên giữa vùng đồng bằng, kích cỡ không quá lớn, nhưng dáng vẻ thì rất quyến rũ. Chư Tao Yang cấu tạo từ những hòn đá granite trọc trơ chồng lên nhau xen trong mạch đất, với những hang ngách đá rêu phong, những cây cổ thụ khoe cành khoe rễ cổ kính, phong sương. Điều kỳ thú nữa là trên ngọn núi này, Vua Lửa cất thanh kiếm thần u u mê mê như cổ tích.
Thanh kiếm của Vua Lửa được cho là tạo tác tại núi Hàm Rồng, một ngọn núi lửa huyền diệu ở ngoại ô Pleiku. Theo truyền thuyết, kiếm thần được tôi bằng máu người. Đến nay, thanh kiếm này vẫn còn, nhưng ngoài Vua Lửa và phụ tá, chẳng ai được phép nhìn thấy. Nghe nói thời Pháp thuộc, có một ông Tây tìm cách để trực tiếp nhìn thấy kiếm thần để thỏa trí tò mò đã lập tức bị dân làng giết chết. Có lẽ vì thế ngày nay chẳng còn ai dám lục lọi tìm kiếm kiếm thần của Vua Lửa nữa. Điều đó cứ tạo ra những suy đoán hư thực xung quanh một thanh kiếm.
Ông Rơ Lan Hieo-thế thân của Vua Lửa thứ 14-di dời gươm thần về nhà mới. Ảnh: Trần Đức
Ông Rơ Lan Hieo-thế thân của Vua Lửa thứ 14-di dời gươm thần về nhà mới. Ảnh: Trần Đức
Thời xưa, thanh kiếm tượng trưng cho uy quyền, vương tước. Người được trao ấn kiếm đồng nghĩa với việc trao cho quyền lực. Ai cầm Thượng Phương bảo kiếm thì có quyền “tiền trảm hậu tấu” (chém trước báo sau). Mọi con dân đứng trước Thượng Phương bảo kiếm đều phải quỳ lạy như đứng trước mặt vua.
Kiếm là khí cụ quan trọng nhất trong 18 ban võ nghệ thời cổ đại. Cũng chính vì vậy, trong lịch sử có rất nhiều thanh kiếm gắn với những thần tích kỳ bí. Thanh kiếm của Thái tổ Lê Lợi diệt giặc Minh được rùa thần ban cho, dẹp xong giặc thì trả về cho rùa mà làm nên Hồ Hoàn Kiếm huyền thoại. Kiếm Kris của người Chăm là báu vật truyền đời, thể hiện tước hiệu đẳng cấp của người được ban kiếm, nay là công cụ của môn thể thao Pencak Silat rất phổ biến ở Đông Nam Á.
Ngô Vương Hạp Lư có kiếm báu là Chúc Lâu, sau trao lại cho Phù Sai. Thanh kiếm này giết chết 2 mưu thần danh tiếng là Ngũ Tử Tư và Văn Chủng. Thanh kiếm Long Tuyền của Tần Thủy Hoàng phải rèn trên núi Tần Khê và tôi bằng mạch nước Long Tuyền, đoạt hết thiên hạ. Quan Vũ có Long đao (Thanh Long Yển Nguyệt đao) hạ sát gần 2.000 địch quân.
Đặc biệt, Câu Tiễn Việt Vương có thanh kiếm quý, lấy lại giang sơn nước Việt từ tay Ngô Vương Phù Sai cách nay gần 2.500 năm. Năm 1965, những người dân đào mương gần hồ Chương Hà (TP. Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã phát hiện ra thanh kiếm cổ, toàn thân kiếm vẫn sáng loáng, chuôi kiếm có 8 cổ tự: “Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm”. Chính xác là thanh kiếm quý của Việt Vương Câu Tiễn!
Đồng thời, người ta cũng lý giải được lý do kiếm Câu Tiễn không bị rỉ sét suốt hàng ngàn năm trong lòng đất, đó là nó được tạo tác bằng hợp kim đồng pha thiếc. Ngay sau đó, ngành văn hóa Hồ Bắc công bố kế hoạch sản xuất 1.000 thanh kiếm Câu Tiễn để bán cho khách du lịch với giá 2.500 USD/thanh.
Dông dài như vậy để thấy kiếm thần của Vua Lửa xứng đáng là một thanh kiếm lạ và quý, nó có một huyền thoại gắn liền vừa hư ảo, vừa chân thực. Điều đó càng kích thích trí tò mò của con người, càng khêu gợi trí tưởng tượng, những thăng hoa ước ao tìm tòi.
Trong tôi, Plei Ơi, Chư Tao Yang, Vua Lửa, kiếm thần, tất cả vẫn hiển hiện mà như mơ như thực, như đang ở mấy ngàn năm trước!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.