Ðêm trắng mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Về khuya, khi thành phố chìm trong giấc ngủ, thì tại những con đường, khu chợ,... với không ít người, ngày mới sớm bắt đầu. Họ là những người lao động nghèo, lựa chọn cuộc sống "lấy đêm làm ngày" với những công việc vất vả, nặng nhọc để mưu sinh.
 
Lao động thức trắng đêm tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MỘC LAN
0 giờ. Phố xá tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu vắng vẻ. Tôi mở ứng dụng xe ôm công nghệ để đặt xe. Chưa đầy vài phút, một thanh niên tầm 19 đến 20 tuổi lái xe trờ tới đón khách. Ðể ý chỗ móc trước yên xe còn có cái túi đựng chiếc bánh mì ăn dở đang treo lủng lẳng, tôi hỏi: "Sao không ăn xong đã rồi đi?". Cậu lái xe mỉm cười: "Tụi em chạy đêm, khách ít cho nên cứ thấy khách đặt xe là chạy ngay. Cái bánh này, gần một tiếng rồi mà em ăn chưa xong". Ðợi cậu thanh niên ăn hết chiếc bánh đã nguội ngắt, tôi tranh thủ hỏi chuyện. Cậu tên Thảo, quê ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, đang là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Học buổi chiều, cho nên Thảo chạy xe khoảng từ 23 giờ đêm hôm trước đến rạng sáng hôm sau, lúc nào mệt thì về ngủ để chiều kịp lên lớp. Trung bình mỗi đêm, Thảo kiếm được trên dưới 200 nghìn đồng. Mỗi tháng trừ hết các chi phí, Thảo có khoảng bốn triệu đồng, gọi là tạm đủ để trang trải tiền học và chi phí sinh hoạt.
Xe chạy. Biết tôi muốn tìm hiểu công việc của những người lao động thức trắng đêm để mưu sinh, Thảo cười nói: "Anh tìm đúng "cú đêm" rồi đó. Gần hai năm chạy xe, chẳng ngõ ngách nào ở thành phố mà em không biết cả". Thảo kể, bố mẹ chỉ lo được cho Thảo chi phí năm học đầu tiên. Sau đó đứa em thứ hai cũng đi học, thu nhập từ đồng lương công nhân của bố và mảnh ruộng của mẹ không đủ trang trải. Thảo vay tiền, mua lại chiếc xe cũ của người chị họ với giá bảy triệu đồng. Chạy xe ôm một năm thì trả xong nợ. Chạy xe đêm ít khách hơn, được cái đường vắng, không tắc đường, tiết kiệm được tiền xăng xe nhưng cũng đối mặt không ít nguy hiểm. Có những lần khách đặt xe vào sâu trong các hẻm nhỏ, chở khách vào mà tim đập chân run vì sợ nhỡ gặp phải người xấu, bị cướp tiền, cướp xe. Chạy xe lâu rồi mà với Thảo, cảm giác lo sợ vẫn không thay đổi. "Lao động về đêm vất vả, mỗi cuốc xe kiếm mấy chục nghìn không dễ chút nào, cho nên em quý đồng tiền lắm, tiết kiệm từng chút một. Từ khi có xe, em về quê ba lần, đều đi bằng chiếc xe máy này vì nhẩm đi tính lại, nếu đi xe máy sẽ tiết kiệm được khoảng 300 nghìn đồng, đủ để mua chút quà cho đứa em út và bố mẹ", Thảo kể. Nhìn chiếc xe cũ mỗi khi tăng giảm ga, sang số lại phát ra những tiếng lạch cạch được Thảo dùng để đi chặng đường hơn 700 km về quê mà tôi không khỏi ái ngại.
Xe chạy đến một tuyến đường thuộc quận Tân Phú. Ở đó có một tiệm rửa xe khá lớn, hoạt động nhộn nhịp đến sáng. Chân đi ủng, mặc chiếc áo sơ-mi đã lấm tấm nước, tay cầm vòi xịt, Tuấn, 24 tuổi, người thợ quê ở Hoài Ðức, Hà Nội cho biết, tiệm rửa xe này chủ yếu phục vụ xe khách chạy vào sáng sớm, phải rửa xe trước khi xuất phát. Công việc rửa xe ban ngày đã vất vả, làm ban đêm lại càng cơ cực, nhất là những hôm trời lạnh, trời mưa. Cảm giác ướt át, chân tay nhăn nheo lại vì ngâm nước không dễ mà quen được. Xong việc, nhiều hôm mệt quá vẫn mặc nguyên cả bộ quần áo lao động còn ướt đi ngủ. "Mới đầu còn chưa quen, em ốm lên ốm xuống. Mất vài tháng cơ thể mới bắt đầu thích nghi được với công việc mới. Làm ở đây, mỗi tháng em được khoảng bảy triệu đồng. Buổi chiều và tối em phụ việc cho quán cà-phê của một người quen được thêm ba triệu nữa. Chưa vợ con gì, mức thu nhập đó cũng đủ cho em trang trải cuộc sống. Nhưng chắc một thời gian nữa em phải kiếm việc gì khác để làm, chứ thế này xuống sức nhanh quá!", Tuấn chia sẻ.
Hơn 1 giờ sáng, đường phố khá vắng vẻ, chỉ còn tiếng của vài chiếc xe phóng trong ánh đèn vàng vọt và tiếng trò chuyện trong các quán ăn đêm tại một vài tuyến đường ở quận 10. Ðây cũng là giờ làm việc của một nhóm người bán vé số, già có, trẻ có, tay cầm xấp vé, thoăn thoắt vào từng bàn chào hàng. Có người vui vẻ mua vé số, có người đã ngà ngà say, buông lời gắt gỏng. Nhưng dường như đã thành quen, với khách nào, người bán vé số vẫn vui vẻ, niềm nở. Mời hết một lượt khách trong quán, họ lại ra vỉa hè ngồi chờ khách mới. Quán này vắng dần, họ lại lang thang trên đường, tìm đến quán ăn khác.
Chị Nguyễn Thị Lan, quê ở Hà Tĩnh kể, chị năm nay 30 tuổi, trước làm ruộng ở quê, nhưng chồng đau yếu luôn, một mình chị không gánh vác hết được việc đồng áng. Có người quen rủ chị vào nam bán vé số, thu nhập cao hơn nhiều. Thế là chị để lại đứa con gái mới vào lớp 1 ở quê rồi vào đây kiếm sống. Gần ba năm trôi qua, ban ngày, chị Lan bươn chải ở chợ bán rau, ban đêm lại lang thang trên các nẻo đường bán vé số. Thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, chị cũng để dành được một ít gửi về quê cho gia đình. Mở chiếc điện thoại cũ, màn hình vỡ ngang vỡ dọc, chị Lan khoe ảnh đứa con gái kháu khỉnh. Rồi theo câu chuyện, nước mắt chị ứa ra, chạy dọc hai gò má gầy gò, đen sạm: "Hứa với con Tết mẹ về, vậy mà Tết vừa rồi em không về được, nghĩ đến chuyện đi lại tốn kém quá. Ngày nào gọi điện về, hai mẹ con cũng khóc, nhớ con đến đứt ruột đứt gan anh ạ! Nhưng phải cố thôi. Hy vọng từ giờ đến Tết, dành ra được một khoản để về với con", chị chia sẻ.
Ngồi bên cạnh chị Lan là một phụ nữ tuổi quãng ngoài 60 tuổi, đang bóp chân cho đỡ mỏi. Bà bảo, thời tiết ban ngày ở thành phố thường nắng mưa thất thường, sức khỏe bà không được tốt cho nên phải đi bán vé số vào ban đêm. Hai vợ chồng dắt díu nhau từ miền tây lên TP Hồ Chí Minh sống đã hơn 20 năm. Chồng bà, ban ngày bán bánh mì dạo, tối về nhà nghỉ ngơi. Ba đứa con đã lớn, chưa có công việc ổn định cho nên chẳng đỡ đần gì được cho bố mẹ. Tuổi đã cao, đi bộ rạc cả chân, lâu dần, hai đầu gối đau nhức, nhất là những hôm trái gió trở trời. Nhưng còn sức thì phải cố, bà vẫn phải lao động để kiếm tiền dành dụm phòng sau này sức yếu không lao động được còn có một khoản tiền nhỏ để trang trải cuộc sống.
2 giờ. Xe rẽ vào chợ hoa Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10. Ðây là chợ hoa đầu mối lớn nhất TP Hồ Chí Minh, hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng thời gian nhộn nhịp nhất từ 23 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Người dân thành phố quen gọi đây là "chợ hoa không ngủ". Tại đây, từng chiếc xe tải lớn có, nhỏ có chở đầy ắp hoa lần lượt chạy vào một bãi đất trống ngay sát chợ để nhập hoa. Từng tốp cửu vạn túa đến, hò hét, ý ới râm ran một góc. Xe đẩy có, xe máy có, từng thùng hoa lớn được chở vào trong các sạp hàng. Không khí lao động càng lúc càng khẩn trương. Người bán, người mua, cánh cửu vạn luôn chân, luôn tay làm việc cho đến sáng.
Vừa tranh thủ "thở" sau khi bốc xếp một kiện hàng lớn, Tuấn, 20 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang tâm sự: "Các thùng hoa không quá nặng, nhưng rất cồng kềnh. Khi vận chuyển, phải hết sức cẩn thận để hoa không bị giập nát vì thế phải di chuyển chậm. Chủ cửa hàng trả công 12.000 đồng mỗi thùng, mỗi đêm chuyển được tầm 20 thùng. Ngại nhất là những lúc bất cẩn, hoặc quá mệt, để thùng hàng rơi làm hỏng hoa lại phải bỏ tiền túi ra đền, coi như mất công cả đêm làm việc". Cũng vất vả không kém là chủ của những sạp hoa và nhân viên. Chị Liên, 40 tuổi, chủ một sạp hoa cho biết, ban đêm chủ yếu là nhận hàng, đổ buôn, ban ngày lại bán hàng cho khách lẻ cho nên những lúc vắng khách, chị tranh thủ chợp mắt. Tính ra mỗi ngày chỉ ngủ được khoảng ba đến bốn tiếng. "Công việc ban đêm là mệt nhất. Cả chủ và nhân viên phải nhận hoa rồi nhanh chóng tuyển lựa, tỉa tót để buộc thành bó, sáng còn giao cho khách. Cả đêm gần như ngồi một chỗ, công việc không nặng nhọc nhưng yêu cầu tập trung cao độ, vì vậy đến sáng, ai cũng mệt mỏi", chị Liên chia sẻ.
Hơn 4 giờ, trời đã lất phất mưa, tại chợ Lớn, chợ đầu mối hoa quả tại quận 5, khung cảnh vẫn huyên náo. Ánh đèn đường hắt xuống vàng vọt, chiếu lên những sạp hoa quả chín mọng. Anh Ngọc, 42 tuổi, một tiểu thương chỉnh lại chiếc ô để nước mưa khỏi rơi vào hoa quả, vào người rồi ngồi xuống chiếc giường xếp tranh thủ chợp mắt. Giấc ngủ chẳng mấy khi được trọn vẹn. Chốc chốc, anh lại giật mình nhỏm dậy vì có người hỏi mua hàng. Anh Ngọc bảo: "Hơn mười năm làm đêm, ngủ kiểu này rồi cũng quen, chẳng thấy thèm ngủ nữa. Ở đây ai cũng làm việc vào giờ này cả vì đây là thời điểm xe chuyển hàng từ miền tây đổ về". Tại chợ Lớn, đội ngũ cửu vạn bốc xếp hàng hóa chiếm số lượng đông đảo hơn cả. Công việc của họ là chuyển hàng từ xe tải đến các sạp bằng xe ba gác hoặc xe kéo. Cởi chiếc áo phông ướt nhẹp vì nước mưa và mồ hôi ra, vắt khô rồi mặc lại, một người cửu vạn chừng 50 tuổi cười đùa: "Phải giữ sức khỏe. Mặc ướt dễ bị cảm lắm!".
Khi mặt trời ló lên, các chuyến xe nối đuôi nhau rời chợ, công việc của những lao động tại chợ Lớn mới kết thúc. Họ ngồi xuống lề đường, góc chợ, từng nhóm túm năm, tụm bảy, người đưa mì hộp, người mang bánh mì, xôi... ra ăn sáng. Mọi người bỗng giật mình vì tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Là tiếng chuông báo thức của tôi. Ðã 6 giờ sáng. Tôi nhìn những người lao động vừa trải qua một đêm trắng để mưu sinh. Ngày mới đã bắt đầu, nhưng không phải với họ...
Hoàng Đức Nhã (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.