Đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ngày 9-11, tại TP. Pleiku, đồng chí Nguyễn Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn 2026-2030.

1lay.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Đ.T

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 445 xã thuộc khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III với 3.243 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Địa bàn chủ yếu là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn. Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 có nhiều chính sách đa dạng và địa bàn triển khai rộng, trải dài trên cả nước.

2bg.jpg
Các đồng chí chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, chương trình đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2021-2024, Chính phủ đã phân bổ hơn 66 ngàn tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó, phân bổ cho các địa phương hơn 62.754 tỷ đồng. Riêng khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tổng số vốn được giao giai đoạn 2021-2024 là hơn 21.386 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,09% tổng vốn của cả chương trình. Đến tháng 9-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của chương trình đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước.

Cùng với việc thực hiện chính sách dân tộc và các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục-đào tạo có những chuyển biến tích cực. Với sự nỗ lực và tính chủ động của địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác, một số chỉ tiêu ước đã hoàn thành, vượt kế hoạch được giao.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, nhất là những hạn chế, tồn tại trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho biết: Từ năm 2022 đến nay, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự chủ động của người dân, chương trình đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn giải ngân của chương trình từ năm 2022 đến nay là hơn 1.200 tỷ đồng, đạt 54,5% tổng vốn đã phân bổ.

Một số chỉ tiêu đã hoàn thành sớm như: tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm hàng năm trên 3%; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng đầu tư; mạng lưới đường giao thông được kết nối từ trung tâm tỉnh đến các thôn, làng; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư nâng cấp, trang bị mới…

“Tuy nhiên, bên cạnh những đổi thay đó, vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện, đó là: kết quả thực hiện chương trình ở một số địa phương chưa như kỳ vọng; một số nội dung, tiểu dự án, dự án vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến triển khai chậm và tỷ lệ giải ngân đạt thấp”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu rõ.

3.jpg
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Từ những khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cho rằng: Trong giai đoạn II, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hướng dẫn hoặc có cơ chế ưu tiên cụ thể để huy động và phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho chương trình. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đặc thù để vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trọng điểm đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như đào tạo, sử dụng lao động là người DTTS…

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh thì thông tin: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, phát huy nội lực để đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, tích cực tham gia thi đua lao động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chú trọng giải pháp phát triển bền vững

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của người dân 16 tỉnh, thành phố trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.

“Qua thực hiện chương trình, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng DTTS, miền núi thay đổi đáng kể; nhiều chính sách nhân văn đến với người dân. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019”-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định.

z6017451675158-027cce73cca6f074e33e0a2d74d0a914.jpg
Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra một số nhóm chỉ tiêu và chỉ tiêu chưa đạt. Đồng thời, quá trình thực hiện cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong năm 2025 cũng như giai đoạn tiếp theo. Trong đó, nổi lên là một số cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, thiếu hợp lý, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan và địa phương có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, chặt chẽ; triển khai các dự án hạ tầng còn khó khăn…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng: Ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình của khu vực còn có một phần nguyên nhân do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ vô cảm, sợ sai, làm việc chưa đến nơi đến chốn của một bộ phận cán bộ; chất lượng nguồn nhân lực địa phương còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của chương trình đã triển khai ở giai đoạn I, tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II.

Trong đó, tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát, triển khai dự án, chủ động quyết định các chính sách cụ thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai, bảo đảm phù hợp mục tiêu chung của chương trình.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai và giải ngân vốn thực hiện chương trình; chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn.

Chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại cấp cơ sở; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai thực hiện và giám sát chương trình”.

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.