Phiên đấu giá đặc biệt này là sự kiện nằm trong chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP, do UBND H.Chi Lăng (Lạng Sơn) tổ chức sáng 19.8.
Tại sự kiện, UBND H.Chi Lăng đã chọn 8 quả na to, đẹp nhất được trồng tại các nhà vườn trên địa bàn huyện để đưa ra bán đấu giá, lấy kinh phí xây dựng nhà cho người nghèo và giúp các địa phương xây cầu dân sinh.
Quả na dai được đấu giá cao nhất là 220 triệu đồng. Ảnh: V.T |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND H.Chi Lăng, cho biết chương trình đấu giá na thành công ngoài mong đợi khi thu hút rất đông khách du lịch, đại diện các doanh nghiệp tham gia.
Sau 3 phiên đấu giá sáng 19.8, 8 quả na đã được đặt mua với tổng số tiền 770 triệu đồng. Trong đó, quả na được chốt giá thấp nhất là 20 triệu đồng và giá cao nhất lên tới 220 triệu đồng.
Cũng theo ông Vi Nông Trường, H.Chi Lăng hiện có diện tích trồng na lên tới 2.500 ha, tập trung ở các xã Chi Lăng, Vạn Linh, Hòa Bình, Mai Sao, Y Tịch, Thượng Cường, TT.Đồng Mỏ và TT.Chi Lăng; sản lượng na thu hoạch hàng năm khoảng 22.000 tấn. Cây na đang giúp nông dân có nguồn thu từ 600 - 700 tỉ đồng/năm. Nhờ trồng na, nhiều gia đình tại H.Chi Lăng đã thoát nghèo và đang có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chương trình đấu giá na được tổ chức để lấy kinh phí xây cầu dân sinh và nhà tặng người nghèo ở H.Chi Lăng. Ảnh: V.T |
"Chương trình đấu giá na được tổ chức hàng năm để quảng bá thương hiệu na Chi Lăng, kết nối tiêu thụ na và các sản phẩm nông sản tại địa phương. Chúng tôi đang xây dựng và quyết tâm đưa na trở thành trái cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao nhất trong nhóm sản phẩm nông sản tại địa phương", ông Trường nói.
Theo UBND H.Chi Lăng, toàn bộ số tiền thu được từ chương trình bán đấu giá na sẽ được sử dụng để xây dựng 6 cây cầu dân sinh và 2 ngôi nhà cho 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.