Đảo tuần lộc: Mấy ai còn nhớ điệu joik

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa đêm Soroya mênh mang hoang vắng, Nils Sara hát cho chúng tôi nghe điệu joik huyền hoặc. Người đàn ông Sami này nói anh thuộc đến 200 bài joik.  
Một nhóm người Sami chăn tuần lộc trên núi cao với phương tiện di chuyển hiện đại
Một nhóm người Sami chăn tuần lộc trên núi cao với phương tiện di chuyển hiện đại
Joik hay yoik là một thể loại âm nhạc dân gian, là phần hồn của khoảng 90.000 người Sami sống ở miền bắc Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và bán đảo Kola của Nga trên vùng đất có tên gọi truyền thống là Sápmi. Các bài joik có thể có lời hoặc đơn giản chỉ là những âm lu-la-lu-lớ hát lên thành giai điệu man mác nỗi niềm, đôi khi lại nghe ra cảnh đài nguyên bát ngát, những đàn tuần lộc tung tăng.
“Mỗi bài joik nói về một người, một con vật hoặc một nơi chốn. Joik có thể ngắn, dài khác nhau, có bài hát một hai câu là xong, có bài kéo dài cả tiếng đồng hồ”, anh Harri Hakala, một người chăn tuần lộc gốc Phần Lan đã sống gần 20 năm cùng cộng đồng người Sami ở miền bắc Na Uy, giải thích.
Linh hồn của người Sami
“Tôi thuộc khoảng 200 bài joik. Chúng tôi hát joik trong nhiều dịp khác nhau. Tôi có những bài joik về vợ, con, về cha, mẹ, cô chú và bạn bè. Thậm chí tôi còn có bài joik về một con tuần lộc”, anh chủ nhà Niilas Sara (gọi thân mật là Nils) giải thích, đoạn gợi ý: “Ngay bây giờ, tôi có thể hát một bài joik về anh”.
Người đàn ông 41 tuổi này rất nặng lòng với văn hóa Sami. Ở ngôi nhà mùa hè trên đảo Soroya, anh dựng một cái lavvu phía sau chân đồi để tiếp khách. Anh sốt sắng nấu món ăn hằng ngày của người Sami để đãi khách và cùng anh bạn Harri giải thích cho chúng tôi về văn hóa đặc sắc của xứ sở này. Người Sami dành mỗi góc trong lavvu cho những vị thần khác nhau, như thần mặt trời Beiwe sưởi ấm miền đất lạnh, thần mùa xuân Rana Neida gọi cây cối đâm chồi nảy lộc, rồi còn có cả thần bảo vệ tài sản, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Một dịp nọ, tôi vô tình tính bước vòng qua bếp lửa ở phía đối diện với cửa ra vào, Harri đã ngăn lại: “Người Sami không bao giờ đi ngang qua đây. Ở nơi này có một vị thần canh giữ”. Để hát những bài joik cho chúng tôi nghe, Nils đã mặc một bộ gákti truyền thống, gồm áo quần có nhiều dải hoa văn trắng - đỏ và mũ lông; thắt lưng làm bằng da tuần lộc; một bao đựng dao găm và ống nhòm đeo bên hông. “Đây là một gã đàn ông Sami chân chính”, Nils cười và bắt đầu hát những bản joik rất dài. Tôi băn khoăn làm sao một người có thể học được 200 bài và với giai điệu hao hao nhau như thế. Nils trả lời theo cách của anh: “Joik không phải là những bài hát mà anh tập một vài lần rồi thuộc và hát. Nó là một phần cuộc sống của người Sami. Những người già hát và nó thấm dần vào chúng tôi”.
Điệu joik huyền hoặc là một trong những thứ lạ lùng mà chúng tôi có dịp chạm phải khi đến vùng đất của người Sami. Cuộc sống du mục cùng đàn tuần lộc giữa mênh mông đất trời đã giúp hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc. Ý niệm của họ về trời đất, về mùa vụ không giống phần còn lại của châu Âu và khác xa với phương Đông chúng ta. Mỗi năm, người Sami có những “tháng” với các tên gọi như tháng tuần lộc con (Miessemánnu là tháng 5, mùa tuần lộc sinh sản), “tháng đêm đen” (Skábmamánnu là tháng 11, mùa của đêm trường miền Bắc cực). Họ có hàng trăm tên gọi để chỉ các loại băng tuyết, loại rêu khác nhau. Mùa xuân-hạ-thu-đông của họ được tính theo chu kỳ di cư, sinh sản của tuần lộc hoặc sự biến thiên của thời tiết, chứ không phải cứ đến tháng này, tháng nọ là mùa xuân, mùa hạ.
Nils Sara luôn sốt sắng giới thiệu văn hóa Sami cho khách ghé thăm nhà anh
Nils Sara luôn sốt sắng giới thiệu văn hóa Sami cho khách ghé thăm nhà anh
“Cùng với joik, chăn tuần lộc là một phần khác của văn hóa Sami. Nếu như thịt tuần lộc nuôi sống thể xác thì công việc chăn tuần lộc nuôi sống phần hồn chúng tôi”. Đôi lúc lời Harri nói khiến tôi hình dung anh là một nhà nghiên cứu văn hóa hơn là một gã trai lực lưỡng chăn tuần lộc.
Những xung đột lớn dần
“Ở đảo Soroya, có những nhóm người từ miền nam Na Uy lên săn bắn. Họ bắn chim, thỏ và tiếng súng của họ khiến lũ tuần lộc chạy dáo dác”. Trên đồi cao buổi chiều gió buốt cả thịt da, một phụ nữ Sami trùm tấm bạt màu rêu phàn nàn với tôi. Đàn tuần lộc của chị, sau gần 3 tháng ở đảo đã trở nên hoang dã và nhút nhát hơn, đến mức chị phải trùm bạt màu rêu mỗi khi tiến gần để không khiến chúng hoảng sợ. Nhưng những người lạ mặt lại không hề để tâm. Họ đường đột xuất hiện và vô tư nổ súng. Câu chuyện của người phụ nữ này là một ví dụ rất nhỏ nhưng minh họa sống động cho sự xáo trộn mà các tác nhân bên ngoài mang đến cho người Sami.
Vùng đất Sápmi vốn bao trùm gần trọn bán đảo Scandinavia và một phần rộng lớn ở nước Nga. Ở đấy, người Sami sống cuộc sống du mục tự do khoáng đạt, phiêu bạt đó đây theo mùa và theo dấu chân tuần lộc. Họ hầu như không có khái niệm về lãnh thổ, sở hữu cá nhân hoặc tích lũy tài sản. Tới đâu mỏi chân, họ dừng lại và dựng lavvu lên, ở đấy là nhà. Thế rồi đến thời đại Viking, từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11, những toán cướp biển, những đoàn thương nhân xuất hiện mang theo văn hóa mới, cơ hội mới và cả những mối đe dọa mới. Tiếp đó, những nhà nước ở miền nam thiết lập sự cai trị lên vùng lãnh thổ này. Văn hóa, kinh tế phát triển nhưng đồng thời những điều xa lạ với người Sami cũng ùa tới, đặc biệt là thuế mà các vương triều áp đặt đối với người bản địa. Dân Sami dị ứng với điều mới lạ nhưng họ chỉ có một vài chọn lựa ít ỏi: tháo chạy tới vùng đất mới hoặc lùi dần lên miền bắc. Vùng đất của họ nhỏ dần và sau này pha trộn nhiều sắc dân.
Trong những câu chuyện mà Nils và Harri kể luôn bàng bạc nỗi niềm về viễn cảnh hư hao của nền văn hóa Sami. Hai anh sốt sắng hát những bài joik, hướng dẫn chúng tôi sử dụng dao găm, ống nhòm và cách quăng dây để bắt tuần lộc. Trong khi Nils chỉ cho tôi cách cài then cửa lavvu thì Harri giảng giải ý nghĩa của những vị thần trong mỗi túp lều. Nils bày tôi cách hun khói và nướng thịt tuần lộc, còn Harri nói về thân phận của những sắc tộc thiểu số, về những cuộc xâm lăng của tiện nghi, của hoạt động công nghiệp. “Hầm mỏ, đường sá, những công trình công nghiệp, tua bin điện gió được xây dựng đã khiến lãnh địa chăn tuần lộc bị thu hẹp. Những khái niệm xa lạ với người Sami như sở hữu đất trang trại cũng có ảnh hưởng rất lớn”, Harri nói. Cuộc xâm lăng văn hóa ở nơi này không tàn khốc như những gì đã xảy ra với người da đỏ ở châu Mỹ, thổ dân ở châu Đại Dương hoặc một số sắc dân ở châu Á, hay nói như Harri, “chúng tôi vẫn may mắn hơn nhiều tộc thiểu số khác”, nhưng dấu ấn của nó vẫn in hằn ngày một rõ hơn mà tiếng súng của đám thợ săn trên đảo Soroya chỉ là tiểu tiết. Người Sami không còn phải đi chăn tuần lộc với xe trượt tuyết, xe chó kéo hoặc tuần lộc kéo nữa, thay vào đó họ đi xe SUV đời mới hoặc những xe địa hình ATV rất tiện dụng, thì đổi lại, họ cũng đánh mất rất nhiều thứ vốn có của mình. Lãnh địa chăn tuần lộc ngày một thu hẹp. Người chăn tuần lộc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trẻ em Sami không thuộc hết kho từ vựng phong phú về tuần lộc, tên gọi các loài rêu, băng tuyết và những điệu joik. Nhiều đứa trẻ không biết đánh dấu tai tuần lộc, không biết sử dụng dao găm và không được trang bị đầy đủ kỹ năng sinh tồn trong hoang dã. Văn hóa truyền thống bị bào mòn qua từng thế hệ.
“Tất cả những gì tôi làm là để giữ cho truyền thống của người Sami có cơ may sinh tồn. Thật khó khăn nhưng tôi luôn nhìn về phía trước”, Nils nói. Đấy là lời tâm sự cuối cùng tôi nghe được từ anh trước khi trở lại bến phà Hasvik để về đất liền. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại câu nói ấy, tôi như nghe văng vẳng bên tai tiếng hát joik của gã Sami mập ú trong túp lều lavvu đầy khói nơi hòn đảo đầy gió và không một bóng cây.
Thu sắp qua và đông đang tiệm cận. Giờ này có lẽ Nils và Harri đang lùa lũ tuần lộc qua trùng điệp núi đồi để về nơi trú ẩn trong mùa tuyết trắng.
Đỗ Hùng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.