Đánh thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập qua Shopee, TikTok?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 17.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và đề nghị tiếp tục giảm 2% thuế VAT với một số mặt hàng đến hết năm 2024.

HÀNG TỈ USD HÀNG HÓA KHÔNG THU ĐƯỢC THUẾ

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội (QH) đề nghị Chính phủ cân nhắc bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) theo Quyết định số 78 năm 2010 của Chính phủ. Trong báo cáo tóm tắt trình bày trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn số liệu của Tổng công ty CP bưu chính viễn thông VN cho hay, tại thời điểm tháng 3.2023, hằng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về VN qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng. Với số lượng này, theo tính toán, hằng ngày, trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, 1 tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về VN qua các sàn thương mại điện tử nói trên, nhưng không thu được thuế.

Ông Mạnh cũng thông tin, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. "Đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay; đồng thời, giải trình cơ sở pháp lý của Quyết định số 78 năm 2010 đối với nội dung nêu trên", ông Mạnh nêu.

Thảo luận tại tổ, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cũng bày tỏ băn khoăn việc hàng hóa qua chuyển phát nhanh và có giá trị dưới 1 triệu đồng nằm ngoài quy định chịu thuế VAT. Theo ông, những giao dịch nhỏ lẻ dưới 1 triệu đồng và nằm trong diện được miễn thuế xuất nhập khẩu và miễn thuế VAT đang được giao dịch qua các sàn giao dịch điện tử với số lượng vô cùng lớn.

ĐB Hoàng Văn Cường thảo luận tại tổ

ĐB Hoàng Văn Cường thảo luận tại tổ

Ông Hùng dẫn chứng có 2 con trong lứa tuổi phổ thông trung học, mỗi ngày mua khoảng 7 - 10 gói nhỏ lẻ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. "Đó mới chỉ là trong phạm vi một gia đình. Nếu tính cả nước thì giao dịch lớn đến như thế nào", ông Hùng nêu và cho rằng, giá trị từng đơn hàng bé nhưng số lượng giao dịch thì lại vô cùng lớn, đặc biệt là những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hay một số nước xung quanh như Thái Lan. "Cần cân nhắc thu thuế với đối tượng này để có thêm nguồn thu nhất định", ông Hùng đề nghị.

Nêu ý kiến tại tổ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trước đây, khi thực hiện công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan mà VN ký kết, luật quy định giá trị nhỏ tối thiểu thì không thu thuế hải quan và thuế khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng thông tin, hiện một số quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) đã bỏ miễn thuế VAT với lô hàng dưới 22 euro, Anh bỏ quy định miễn thuế VAT nhập khẩu có giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ 1.1.2021. Thái Lan thu thuế VAT 7% với tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt giá trị.

CÓ NÊN ÁP THUẾ VAT VỚI PHÂN BÓN ?

Dự thảo luật chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Đây cũng là vấn đề các đại biểu (ĐB) còn ý kiến khác nhau.

Ông Lê Quang Mạnh cho hay, trong cơ quan thẩm tra hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến. Một luồng đồng tình với nội dung của dự thảo luật để giải quyết bất cập kéo dài của chính sách thuế VAT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này. Ngược lại, luồng không tán thành cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước. Từ đó, cơ quan thẩm tra của QH đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đến người nông dân.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn với quy định này. Theo ông, các lĩnh vực mà Chính phủ đề nghị áp thuế VAT 5% đều là những lĩnh vực hoàn toàn phục vụ nông thôn, từ không chịu thuế sang chịu thuế VAT 5%. "Chúng ta hô hào ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thế mà lần này cải cách thuế lại tăng thuế đầu vào sản xuất nông nghiệp, tăng giá vật tư nông nghiệp máy móc, thiết bị đầu vào, nghĩa là sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Vậy chính sách có đi ngược lại quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước?", ông Lâm nêu.

ĐB đoàn TP.Hà Nội Hoàng Văn Cường cũng đề nghị xem xét tính hợp lý của đề xuất này. Ông nói, việc giải thích đưa mức thuế lên 5% giúp các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này được khấu trừ, từ đó giúp giảm chi phí đầu vào là không thuyết phục. Theo ông, các mặt hàng này đang được bán với mức giá không chịu thuế, sau này khi có thuế thì giá phân bón sẽ cao hơn chứ không thể thấp hơn. "Không có chuyện thu thuế giá lại giảm đi", ông Cường phân tích.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thảo luận tại tổ chiều 17.6

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thảo luận tại tổ chiều 17.6

Cạnh đó, phân bón sản xuất trong nước mới chiếm 70%, còn 30% phải nhập khẩu. Nếu thuế VAT là 5% thì giá phân bón nhập khẩu sẽ phải cao hơn giá bán hiện nay. Điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu và khuyến khích DN trong nước, lúc này DN trong nước thuận lợi hơn, được miễn giảm thuế. "Tôi cho rằng đây là tác động có lợi cho nhà đầu tư, nhưng về phía người nông dân đương nhiên phải chịu thuế 5%. Bởi nếu không chịu thuế 5% thì lấy đâu ra phần để DN được khấu trừ", ông Cường nêu và cho rằng việc này không thuyết phục, nhất là khi nước ta coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bệ đỡ. Từ đó, ông đề nghị sửa đổi để mặt hàng này chuyển thành thuế suất 0% và đưa vào diện được hoàn thuế. Theo đó, DN vừa được miễn giảm thuế, vừa tránh đưa phần thiệt về phía người nông dân.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, trước đây đã áp thuế VAT với phân bón, song do lo ngại làm nâng giá phân bón lên, nên sau đó đã bỏ. "Hiện giờ đứng trước 2 lựa chọn, nếu không đưa vào thì các DN sản xuất trong nước khó khăn vì họ không được hoàn thuế đầu vào. Nhưng nếu đánh thuế với mặt hàng này thì dù nhiều, dù ít sẽ khiến tăng giá. Việc này mong ĐBQH nghiên cứu và thống nhất việc quyết định đảm bảo lợi ích đất nước, nông nghiệp phát triển bền vững", Bộ trưởng Phớc nêu.

Tiếp tục giảm thuế VAT có còn hiệu quả ?

Với đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới hết năm 2024, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nói rất băn khoăn. Theo ông Lâm, đề xuất giảm thuế VAT "cứ lắt nhắt", đầu tiên giảm 1 năm rồi kéo dài thêm 6 tháng, đến nay lại xin thêm 6 tháng. "Tức là không theo một kế hoạch hay dự báo dài hạn, làm một cách chắp vá, hay còn gọi là chính sách giật cục, rất khó khăn cho các đơn vị dự toán như các địa phương", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, đến nay chúng ta vẫn sử dụng chính sách phát sinh để xử lý tình huống lúc đại dịch Covid-19 xảy ra cách đây 2 - 3 năm và đã 2 - 3 lần đề nghị QH cho kéo dài. "Covid-19 đã qua lâu rồi nhưng chính sách của chúng ta vẫn chưa trở về bình thường; vẫn cứ nêu DN khó khăn, kéo dài mãi như thế không biết đến bao giờ", ông Lâm nói thêm, và cho rằng bối cảnh năm 2022 khác bây giờ, khó khăn của DN có thể đã khác trong khi chính sách vẫn dập khuôn, cho thấy sự cứng nhắc trong xây dựng, ban hành chính sách.

Chưa kể, theo ông Lâm, hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế VAT cũng cần tính toán. "Nếu giảm thì 6 tháng cuối năm ngân sách hụt thu 24.000 tỉ đồng, cả năm là hơn 48.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế, qua báo cáo thẩm tra cho thấy tổng mức bán lẻ doanh thu dịch vụ tiêu dùng đang giảm, nghĩa là không thấy tác dụng kích cầu. Hiệu quả là không thực sự rõ ràng", ông Lâm phân tích. Từ đó, ĐB cho rằng phải tính toán khi việc thu ngân sách cao tuy gây khó khăn cho DN, người dân song sẽ có nguồn lực để chi, thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế.

"Phải xem cái gì là tối ưu, không phải lúc nào cũng bổn cũ soạn lại. Muốn tăng trưởng thì không chỉ có kích cầu, phải kích lĩnh vực khác, trong đó có đầu tư. Mà muốn đầu tư thì phải có tiền, không thể giảm thu quá mạnh, ngân sách không có nguồn thu bền vững. Đề nghị Chính phủ giải trình đầy đủ, thấu đáo, thuyết phục", ông Lâm nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.