(GLO)- Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tự hào là chủ nhân của vùng đất được tổ tiên trao gửi các hệ thống lịch sử văn hóa quan trọng. Đó là quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo, hệ thống các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê và hậu kỳ Đá cũ Phú Thiện, phản ánh tiến trình lịch sử văn hóa của vùng đất này từ 80 vạn năm trước đến ngày nay. Các di sản này cần được bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa-xã hội của tỉnh nhà.
Từ sơ kỳ Đá cũ An Khê đến hậu kỳ Đá cũ Phú Thiện
Sau nhiều năm lăn lộn trên đất Tây Nguyên, các nhà khảo cổ học Việt-Nga đã phát hiện ở thị xã An Khê có 24 địa điểm cư trú hoặc vừa cư trú vừa chế tác công cụ của cư dân cổ. Trong đó, 4 địa điểm đã được khai quật, thu được hàng ngàn công cụ lao động, hàng trăm mảnh thiên thạch rơi từ ngoài hành tinh vào đây. Kết quả các cuộc khai quật này đã đem lại cho người dân và giới khoa học trong nước, quốc tế những tư liệu đặc sắc về lịch sử chiếm cư của các cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng 80 vạn năm.
Từ trái qua: Rìu tay, công cụ mũi nhọn. Ảnh: N.K.S |
Cư dân cổ An Khê cư trú trên các gò cao ven sông, tiến hành săn bắt, hái lượm và chế tác công cụ đá. Những con người ở đây đã thoát khỏi thế giới động vật dạng vượn người, bước vào xã hội loài người mà khoa học gọi là người đứng thẳng (Homo erectus) với một tâm thế mới. Họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chọn lựa nơi cao để dựng lều làm chỗ ở, chọn lựa nguồn đá thích hợp cho việc chế tác công cụ, tích lũy kinh nghiệm ghè đẽo công cụ đá bằng kỹ thuật ghè một hoặc hai mặt; tạo ra một tổ hợp công cụ đặc trưng mang tên kỹ nghệ An Khê với các loại công cụ: chặt thô (chopper-choping tool), mũi nhọn và mũi nhọn hình khối tam diện (triangle shaped cross-section pick), công cụ ghè hai mặt (biface), rìu tay (handaxe). Trong đó, chopper-choping tool là loại hình truyền thống nổi trội ở khu vực châu Á, còn biface-handaxe nổi trội cho phương Tây, riêng công cụ mũi nhọn tam diện lại mang đặc trưng cho kỹ nghệ đá của cư dân sơ kỳ Đá cũ vùng An Khê.
Tháng 3-2019, tại thị xã An Khê, Hội thảo khoa học quốc tế về “Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh kỹ nghệ ghè hai mặt châu Á” đã được UBND tỉnh Gia Lai, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đồng tổ chức. Hơn 20 bản tham luận khoa học của các học giả nước ngoài đã thống nhất cho rằng, các điều kiện địa lý cảnh quan vùng thung lũng sông Ba trong kỷ Đệ tứ là lý tưởng như nhiều nơi khác cùng thời, cho phép người nguyên thủy cư trú lâu dài ở đây và tạo dựng một kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ, kỹ nghệ An Khê, có một số đặc trưng thống nhất, ổn định về địa tầng, về di tích và di vật. Những tư liệu này có giá trị nghiên cứu lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới giai đoạn tối cổ của nhân loại. Cũng tại hội thảo này, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, sự tồn tại kỹ nghệ ghè hai mặt ở An Khê và một số nơi khác trên thế giới là sự phát triển đồng quy, cùng xuất hiện; hoàn toàn không phải là sự phát triển cao hay thấp, càng không phải là sự thiên di vay mượn hay sự phát triển thế thứ như luận điểm của một số học giả trước đây.
Trong diễn đàn hội thảo quốc tế, có ý kiến đặt ra rằng, có khả năng phát hiện di tích Đá cũ khác ở dọc bờ sông Ba hay không? Để trả lời câu hỏi này, một đoàn khảo sát địa chất-khảo cổ học do TS. La Thế Phúc chủ trì đã tiến hành tìm kiếm dọc bờ sông Ba vùng Chư A Thai (huyện Phú Thiện). Cuộc khảo sát này nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì. Thật bất ngờ, có đến 14 di tích khảo cổ Đá cũ kiểu An Khê đã được phát hiện. Một sưu tập trên 150 hiện vật đá và gỗ hóa thạch (silic hóa) ở các di tích này đã được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Các sưu tập hiện vật này nằm ở vùng lòng chảo thung lũng sông Ba, mang tên thung lũng Chư A Thai, với độ cao trung bình từ 200 đến 250 m so với mực nước biển, thấp hơn nhiều so với thung lũng An Khê. Các di vật đá và gỗ hóa thạch ở Phú Thiện được thu thập trên bề mặt thung lũng Chư A Thai, có một số găm vào địa tầng, xuất lộ trên một số ta luy, nhưng độ gắn kết khá bở rời. Trừ 10 hiện vật được làm từ gỗ hóa thạch, số còn lại đều làm từ đá có nguồn gốc cuội sông suối. Kích thước công cụ nhìn chung là nhỏ, vừa tay cầm. Có một số là mũi nhọn tam diện, công cụ chặt lưỡi dọc (end chopper), lưỡi ngang (side chopper), công cụ ghè hai mặt (biface), bên cạnh đó còn có công cụ mảnh tước, chày, hòn ghè và một số hạch đá nhỏ, đa hướng; vắng mặt công cụ có vết mài và đồ gốm.
Bộ sưu tập hiện vật đá và gỗ hóa thạch ở Phú Thiện có sự ổn định cao về hình dáng và kỹ thuật giữa các di tích, cho thấy chúng là sản phẩm của một nhóm cộng đồng cư dân cổ đồng đại. So với kỹ nghệ An Khê, có thể nhận thấy cả hai đều mang đặc trưng ghè đẽo của cư dân Đá cũ. Tuy nhiên, công cụ đá Phú Thiện có kích thước nhỏ hơn, nhiều vết ghè hơn, tiến bộ hơn về kỹ thuật gia công chế tác. Như vậy, những cộng đồng cư dân cổ xưa ở Phú Thiện có niên đại muộn hơn và là bước phát triển kế tiếp của cư dân kỹ nghệ An Khê. Với phát hiện này, giới khoa học không chỉ biết đến sự phát triển liên tục từ sơ kỳ Đá cũ đến hậu kỳ Đá cũ ở thượng lưu sông Ba, mà cung cấp bằng chứng cho việc tìm hiểu diễn trình lịch sử văn hóa của nhân loại, một con đường phát triển văn hóa tiền sử trên miền đất Tây Nguyên.
Đánh thức tiềm năng
Để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, theo chúng tôi, việc đầu tiên là cần gắn kết, bảo tồn và phát huy hài hòa 3 loại hình di sản ở dọc sông Ba, đó là di sản Đá cũ An Khê, Phú Thiện với Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo và Công viên Địa chất Toàn cầu vùng này. Trước mắt, cần xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, tiến tới cấp quốc gia đặc biệt cho hệ thống các di tích Đá cũ An Khê và Tây Sơn Thượng đạo. Tham khảo, xây dựng mô hình “Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa nhân loại” ở An Khê như một số quốc gia trên thế giới đã làm.
Sông Ba-đoạn chảy qua huyện Kông Chro. Ảnh: ĐÌNH CHIẾN |
Xây dựng thêm các nhà mái che bảo vệ di tích sau khai quật, làm điểm tham quan, nghiên cứu, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về lịch sử tối cổ của nhân loại và cũng là chương mở đầu của lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu chuyển đổi canh tác thuần nông, trồng mía trong khu di sản khảo cổ sang nông nghiệp sạch, chất lượng cao ở Khu Di tích khảo cổ Đá cũ ở Xuân An. Để làm tốt việc này cần có sự vào cuộc của Nhà nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là sự đồng thuận của các cộng đồng cư dân địa phương, tạo ra việc làm mới cho người dân sở tại, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, để bảo tồn và phát huy di sản còn cần sự gắn kết giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, trong đó vai trò tự nguyện, đồng thuận của cộng đồng dân cư là rất quan trọng.
Bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ ở vùng đất này cần có một chủ trương nhất quán qua các nhiệm kỳ. Xây dựng một lộ trình thích hợp, kết hợp với đào tạo cán bộ quản lý khu trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa nhân loại có hiệu quả nhất.
NGUYỄN KHẮC SỬ - BÙI TẤN SĨ