Đang bán sang Trung Quốc hàng triệu tấn nông sản này, tại sao doanh nghiệp lại kêu cứu Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 21/3/2022, đồng loạt các doanh nghiệp trong Hiệp hội Sắn Việt Nam ký đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài chính sau một công văn của Tổng cục Thuế.

Đang bán sang Trung Quốc cả triệu tấn, doanh nghiệp xuất khẩu sắn như ngồi trên lửa

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 21/3/2022, đồng loạt các doanh nghiệp trong Hiệp hội Sắn Việt Nam đã ký đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài chính sau một công văn của Tổng cục Thuế.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp ngày 21/3/2021 của Hiệp hội Sắn Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị dừng thực hiện Công văn số 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế, đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, ngành sắn đang phải đối diện với khó khăn rất lớn và có thể sụp đổ hoàn toàn khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT về việc "hoàn thuế giá trị gia tăng với mặt hàng tinh bột sắn".

Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

Theo nội dung công văn này, thể hiện kết quả xác minh các doanh nghiệp, đối tác của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn tại Việt Nam do Cơ quan thuế Trung Quốc cung cấp, trong đó nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không hoạt động, không nhập khẩu các sản phẩm từ sắn của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương dừng hoàn thuế và truy thu thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.


 

 Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, việc không hoàn và truy thu thuế giá trị gia tăng sẽ khiến các doanh nghiệp sắn có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến 1,2 triệu nông dân trồng sắn. Ảnh: Báo Gia Lai.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, việc không hoàn và truy thu thuế giá trị gia tăng sẽ khiến các doanh nghiệp sắn có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến 1,2 triệu nông dân trồng sắn. Ảnh: Báo Gia Lai.


Trong đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 21/3, Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu sắn đang hoạt động theo hình thức giao hàng tại biên giới (DAF), nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ theo điều kiện được Tổng cục Hải quan xác nhận thông quan.

Doanh nghiệp Trung Quốc chịu trách nhiệm nhận hàng và chịu trách nhiệm làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của nước sở tại. Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm các hoạt động theo pháp luật trong lãnh thổ Việt Nam.

"Việc xác minh tư cách pháp lý của người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của doanh nghiệp. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam cũng không quy định bắt buộc xác minh khách hàng trước khi ký hợp đồng" - đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam nêu trong đơn.

Hơn thế nữa, bản thân pháp luật Việt Nam hiện hành đối với hoàn thuế giá trị gia tăng không có quy định nào về việc hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn thuế.

Trong khi đó, việc không hoàn và truy thu thuế giá trị gia tăng sẽ khiến các doanh nghiệp sắn có nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp không dám xuất khẩu, không dám thu mua sắn của bà con nông dân, nhà máy không hoạt động.

Điều này còn khiến 1,2 triệu nông dân trồng sắn rơi vào tình trạng vỡ nợ khi sắn trồng ra không ai mua.

Từ thực tế đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dừng thực hiện Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022, thực hiện hoàn thuế theo pháp luật Việt Nam và hồ sơ thực tế của doanh nghiệp, đảm bảo khách quan, công bằng trong thực thi pháp luật về thuế với các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

 

Trung Quốc vẫn có nhu cầu mua lượng lớn sắn của Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,87 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và tăng 16,5% về trị giá so với năm 2020.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2021 ở mức 409,8 USD/tấn, tăng 13,8% so với năm 2020.

Năm 2021, sắn và sản phẩm từ sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá tăng trưởng so với năm 2020.

Năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 93,6% về lượng và chiếm 92,9% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 2,69 triệu tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 18,5% về trị giá so với năm 2020.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 ở mức 409 USD/tấn, tăng 13,9% so với năm 2020.

Các chuyên gia trong ngành dự báo rằng Trung Quốc sẽ còn nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, sắn là một trong ba cây trồng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và được đưa vào danh sách cây chủ lực quốc gia.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt tới 1,35 tỷ USD/năm.

Sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 93% tổng sản lượng.

Tuy nhiên, trong số này, hơn 65% sản lượng sắn xuất khẩu theo hình thức giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu khu vực ở tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.


Trước đó, làm việc với Hiệp hội Sắn Việt Nam ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đồng tình với các kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng của Tổng cục Thuế theo Công văn số 2495/TCT-TTKT ngày 8/7/2021 và Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 và sẽ phối hợp, hỗ trợ với Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành sắn để kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, doanh nghiệp phải xuất trình được căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng của Bộ để làm việc với các cơ quan của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường, nhất là trong bối cảnh tới đây thực hiện đề án xuất khẩu chính ngạch.




https://danviet.vn/dang-ban-sang-trung-quoc-hang-trieu-tan-nong-san-nay-tai-sao-doanh-nghiep-lai-keu-cuu-thu-tuong-pham-minh-chinh-20220322103210846.htm

 

Theo K.Nguyên  (Dân Việt)
 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.