(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ chứa nước trên địa bàn huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) khô cạn. Hàng trăm héc ta đất lúa của người dân nơi đây chưa thể xuống giống vì thiếu nước.
Nhiều diện tích chưa xuống giống
Vụ mùa năm nay, huyện Đak Pơ dự kiến gieo trồng 1.050 ha lúa. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện mới chỉ gieo sạ được hơn 541 ha, còn lại chưa xuống giống do thiếu nước sản xuất, tập trung ở các xã: Phú An, Tân An, Cư An, Hà Tam, An Thành, Yang Bắc và Ya Hội. Theo quan sát của P.V, hiện tại, các hồ chứa nước lớn trên địa bàn huyện như: Thôn Trang, Tờ Đo, Ta Ly I, Ta Ly II, Hà Tam và đập Bà Đa, Cây Gòn… mực nước xuống thấp hơn so với các năm trước, khiến việc sản xuất lúa vụ mùa của nông dân gặp nhiều khó khăn.
Do nguồn nước không đảm bảo cho sản xuất lúa, gia đình anh Đinh Hiu (làng Jro Dơng, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) chuyển sang trồng dưa leo. Ảnh: Ngọc Minh |
Gia đình anh Đinh Hiu (làng Jro Dơng, xã Yang Bắc) có hơn 2 sào đất ruộng cạnh hồ Thôn Trang. Cách đây 1 tuần, anh đã bơm nước gieo sạ được 1 sào lúa, trồng 0,5 sào dưa leo, còn lại bỏ đất trống. “Nước trong hồ còn rất ít. Nếu nắng nóng kéo dài sẽ không đảm bảo nước tưới cho cây trồng”-anh Hiu lo lắng. Trong khi đó, dù đã gần cuối vụ song 3 sào đất ruộng của ông Đinh Băng (làng Hway, xã Hà Tam) ở gần đập Cây Gòn hiện vẫn chưa được cày xới, cỏ dại mọc kín. Theo ông Băng, từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn không có trận mưa lớn nào, mực nước trong đập xuống thấp. Vì thế, gia đình ông cũng như nhiều hộ khác không thể làm đất, gieo sạ. “Tầm này năm ngoái, đồng lúa đã xanh tốt, trong khi giờ đây đất vẫn còn khô khốc. Nếu gieo sạ chậm thì nguy cơ mất mùa là khó tránh khỏi”-ông Băng buồn bã nói.
Ông Phạm Văn Chín (thôn Tân Định, xã Tân An) cũng chia sẻ: “Những năm trước, 2,5 sào lúa ở cánh đồng Tân Định của gia đình tôi không những đảm bảo gạo ăn mà còn dư lúa bán. Năm nay đợi mãi không thấy mưa, nước suối cạn dần. Cuối tháng 7, tôi cố vét lượng nước ít ỏi ở suối để làm đất xuống giống. Tôi phải bơm liên tục 1 ngày 1 đêm mới đủ nước cho 1,5 sào ruộng, diện tích còn lại đành chờ mưa hoặc chuyển sang trồng cây khác. Nếu gieo sạ muộn, cây lúa chậm phát triển, năng suất thấp và gặp mưa bão vào cuối vụ sẽ rủi ro cao”.
Chuyển sang trồng rau màu
Xã Phú An là địa phương có diện tích trồng lúa lớn của huyện Đak Pơ với 275 ha. Tính đến ngày 27-7, toàn xã đã gieo trồng được hơn 91 ha lúa 2 vụ và 19 ha lúa 1 vụ, còn gần 165 ha chưa đưa vào sản xuất. Trước thực trạng đó, xã đã đề ra giải pháp “gỡ khó” cho nông dân. Cụ thể, đối với hơn 41 ha đất lúa 2 vụ chưa xuống giống sẽ vận động bà con ưu tiên gieo sạ những giống lúa ngắn ngày nếu có mưa sớm; riêng 124 ha đất lúa 1 vụ chủ yếu phụ thuộc vào nước trời hoặc lâu nay phải tận dụng nước giếng, ao, hồ để sản xuất thì chuyển sang trồng rau màu.
Hiện nay, mực nước trong đập Cây Gòn (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) xuống thấp, không đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa. Ảnh: Ngọc Minh |
Còn tại xã Cư An, Chủ tịch UBND xã Văn Doãn Diệu thông tin, đến nay, xã còn hơn 60 ha chưa gieo sạ được, trong đó có khoảng 40 ha người dân được hỗ trợ giống lúa mới BDR57. “Trước mắt, chúng tôi vận động bà con bảo quản giống, chuẩn bị vật tư cần thiết và cày ải đất, khi có mưa thì xuống giống. Đối với 20 ha đất ruộng nằm xa các công trình hồ chứa, không đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa sẽ chuyển sang trồng rau, hoa màu”-ông Diệu cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Hiện nay, phần lớn bàu đập, hồ chứa trên địa bàn huyện đều không đủ lượng nước để tưới cho lúa vụ mùa. Phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn rà soát những diện tích đất lúa không đảm bảo nước sản xuất và tuyên truyền bà con chuyển sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện của địa phương; khuyến cáo người dân không xuống giống ở những chân đất thường xuyên bị hạn qua các năm nhằm hạn chế thiệt hại. Với những diện tích lúa đã gieo trồng thì khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước; vận động bà con tập trung thăm nom, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương kiểm tra, gia cố các hồ đập, tích nước, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới giữa các loại cây trồng, ưu tiên nước tưới cho cây lúa.
NGỌC MINH