Đak Đoa nâng cao hiệu quả công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Bà Lưu Thị Kim Liên-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đak Đoa-cho hay: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 100 mô hình “Dân vận khéo” và nhiều tấm gương điển hình, trong đó, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng như: trồng cà phê tập thể để gây quỹ, “Giúp đỡ gia đình thanh niên tại ngũ”, “Bạn giúp bạn”, “Móc khóa an ninh”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, tổ hợp tác may mặc gia công...

Đoàn Thanh niên xã Hnol thường xuyên gặp gỡ gia đình có thanh niên tại ngũ để nắm bắt tình hình, giúp đỡ khi cần. Ảnh: Anh Huy
Đoàn Thanh niên xã Hnol thường xuyên gặp gỡ gia đình có thanh niên tại ngũ để nắm bắt tình hình, giúp đỡ khi cần. Ảnh: Anh Huy


Thành lập năm 2020, Tổ hợp tác may gia công xã Ia Băng đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 hội viên phụ nữ của xã với thu nhập ổn định. Chị Trần Thị Hoài-Chủ nhiệm Tổ hợp tác-cho hay: “Ngoài nhận hàng từ TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi còn nhận đặt may theo yêu cầu. Vì vậy, chị em có việc làm đều đặn, thậm chí còn thường xuyên tăng ca để kịp giao sản phẩm. Hiện tại, mỗi ngày có 12 chị làm việc tại xưởng và hơn 20 chị nhận sản phẩm về may gia công tại nhà. Thu nhập của chị em dao động ở mức 5-7 triệu đồng/người/tháng; còn thời điểm hàng nhiều phải tăng ca liên tục thì đạt 8-11 triệu đồng/người/tháng”. Cũng theo chị Hoài, Tổ vẫn đang nhận thêm người. Những chị chưa biết may sẽ được thợ lành nghề của Tổ hướng dẫn tận tình theo hình thức vừa làm vừa học.

Để thanh niên yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhiều năm nay, Đoàn xã Hnol đã duy trì có hiệu quả mô hình “Giúp đỡ gia đình thanh niên tại ngũ” bằng những phần việc thiết thực. Ông Nguyễn Duy Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Hnol-thông tin: “Toàn xã có 23 thanh niên đang tại ngũ. Hàng năm, Đoàn Thanh niên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình và xây dựng kế hoạch giúp đỡ kịp thời”. Theo đó, năm 2021, đoàn viên, thanh niên trong xã đã tham gia 136 ngày công giúp đỡ 11 gia đình có thanh niên tại ngũ làm cỏ, gặt lúa, hái cà phê. Qua nắm bắt nhu cầu thực tế của các gia đình, năm 2022, Đoàn Thanh niên xã đã vận động khoảng 150 ngày công để giúp đỡ các hộ khó khăn.

Cùng với xây dựng, phát huy có hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”, cấp ủy, chính quyền, MTTQ cùng các đoàn thể địa phương cũng đổi mới nội dung, phương thức dân vận; thường xuyên sâu sát cơ sở, đối thoại và lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, kêu gọi, vận động nguồn lực để xây dựng, sửa chữa các công trình, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho hay: “Năm 2021, được sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, xã đã xây dựng 2 phòng học ở phân hiệu làng O Yố thuộc Trường Mầm non xã Ia Băng. Cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm, xã đã xây dựng 2 căn nhà cho hộ nghèo”.

Trao đổi với P.V về hiệu quả công tác dân vận, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo triển khai thực hiện công tác dân vận trên địa bàn. Công tác dân vận đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, hệ thống chính trị và lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay. Đặc biệt, nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận đã có chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính ngày càng hiệu quả, việc giải quyết thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo kịp thời. Hoạt động phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và đoàn thể các cấp ngày càng chặt chẽ trong thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận trong giai đoạn mới, đặc biệt là quyết tâm đưa huyện Đak Đoa trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và tạo những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII đã ban hành Đề án số 01-ĐA/HU ngày 7-10-2021 về “Nâng cao chất lượng công tác dân vận, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng bộ huyện với Nhân dân theo 4 nội dung trọng tâm “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; nhiệm vụ, giải pháp từ huyện đến cơ sở và đến tận khu dân cư.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thọ, một trong những mục tiêu mà đề án đặt ra đó là đến năm 2025, 100% cấp ủy, tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở và từng chi bộ phải tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo một cách thiết thực, thường xuyên, có mô hình về công tác dân vận; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước theo tinh thần kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp; lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể các cấp tăng cường đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động bằng những giải pháp cụ thể, hợp lòng dân.
 

 ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.