Cựu Phó Cục trưởng Cục QLTT không thừa nhận hành vi nhận hối lộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình xét hỏi, 35/36 bị cáo trong vụ án đã thừa nhận hành vi phạm tội, xin giảm nhẹ hình phạt. Duy nhất có bị cáo Trần Hùng không thừa nhận hành vi.
Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trần Hùng. (Nguồn: Thanh Niên)

Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trần Hùng. (Nguồn: Thanh Niên)

Sau hai ngày xét xử vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả đối với 36 bị cáo, ngày 21/7, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, nhóm bị cáo "Sản xuất, buôn bán hàng giả", trong đó Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) bị đề nghị từ 11-12 năm tù; 31 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 8 năm tù.

Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị 1 năm 11 tháng tù về tội "Môi giới hối lộ."

Mức án đề nghị của Hải trùng với thời gian đã tạm giam nên Viện Kiểm sát đề nghị trả tự do tại tòa.

Bản luận tội nêu rõ để phát triển nền kinh tế, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách mở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có môi trường hoạt động lành mạnh, bình đẳng vì mục tiêu chung.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thông thoáng về cơ chế, chính sách, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Một trong những hành vi đó là hành vi gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả. Vụ án này là một ví dụ cho việc thực hiện hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả là sách giáo khoa-mặt hàng đặc biệt phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường học phổ thông.

Trong vụ án này, với phương thức thực hiện hành vi sản xuất sách giáo khoa được chia thành các công đoạn từ mua vật tư in, làm phôi in, đặt in, gia công sách, mua tem giả, đến khâu bán, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm, mỗi bị cáo ở một khâu khác nhau đã thực hiện hành vi giúp Cao Thị Minh Thuận sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng hàng triệu cuốn sách.

Để xảy ra vụ án này, ngoài trách nhiệm chính thuộc về bị cáo Cao Thị Minh Thuận và các đồng phạm bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả,” còn có trách nhiệm của một số cán bộ trong lực lượng tuyến đầu đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả ở trong nước thuộc Đội Quản lý Thị trường số 17 - Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội, Tổ Công tác về Quản lý Thị trường - Tổng cục Quản lý Thị trường đã vì động cơ cá nhân hoặc vụ lợi thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến sân chơi lành mạnh của các doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Quản lý Thị trường.

Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý Thị trường) mức án từ 9-10 năm tù về tội “Nhận hối lộ.”

Ba cựu cán bộ Đội Quản lý Thị trường 17 bị xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm Lê Việt Phương (Đội phó) bị đề nghị từ 30-36 tháng tù, Phạm Ngọc Hải 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Thành Thị Đông Phương 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Trong quá trình xét hỏi, 35/36 bị cáo trong vụ án đã thừa nhận hành vi phạm tội, xin giảm nhẹ hình phạt. Duy nhất có bị cáo Trần Hùng không thừa nhận hành vi.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, mặc dù bị cáo Trần Hùng không nhận tội nhưng căn cứ vào các lời khai, kết quả thực nghiệm, sơ đồ do người đưa tiền vẽ và các chứng cứ thu thập được, có đủ căn cứ xác định bị cáo Hùng đã nhận hối lộ 300 triệu đồng.

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý Thị trường số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát là Cao Thị Minh Thuận biết bị cáo Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để chỉ xử lý nhẹ.

Bị cáo Hùng "đồng ý tha" nhưng yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Vẫn lo sợ sẽ bị xử lý, Thuận kết nối với Nguyễn Duy Hải để được gặp trực tiếp bị cáo Hùng và đặt vấn đề Thuận gửi Trần Hùng và Tổ công tác 304 số tiền 400 triệu đồng, xin Trần Hùng bỏ qua vụ việc vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát. Trần Hùng đã hướng dẫn Hải bảo với Thuận phải thay đổi lại lời khai về nguồn gốc số sách do Thuận mua bị thu giữ, thành sách do người khác mang đến ký gửi.

Tiếp nhận ý kiến của Trần Hùng, Nguyễn Duy Hải báo lại cho Nguyễn Mạnh Hà (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) để trao đổi lại với Cao Thị Minh Thuận. Thuận đưa Hà 300 triệu đồng để đưa cho Hải mang đến phòng làm việc của Trần Hùng.

Tại đây, Hải gọi điện thoại cho Thuận để nói chuyện trực tiếp với bị cáo Hùng, nghe cụ thể hướng dẫn. Do trong phòng có mấy người khác, Hải cầm túi tiền ra về. Chiều hôm sau, Hải cầm 300 triệu đồng quay lại phòng làm việc đưa cho Hùng.

Ngoài việc hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương, Đội phó Quản lý Thị trường 17 "tạo điều kiện giúp đỡ Thuận" theo hướng xử lý hành chính.

Quá trình điều tra, Trần Hùng phủ nhận việc cáo buộc của cơ quan chức năng. Song, Viện Kiểm sát xác định căn cứ kết quả thực nghiệm, nội dung dữ liệu trích xuất từ điện thoại đã "đủ cơ sở chứng minh bị cáo Hùng đã nhận 300 triệu đồng" của bị cáo Thuận, thông qua Hải.

Ngoài hành vi trên, Viện Kiểm sát xác định, Thuận còn nhiều lần đưa tiền cho Lê Việt Phương và Đội Quản lý Thị trường 17 với tổng số tiền 330 triệu đồng sau khi sự việc ở Công ty Phú Hưng Phát chỉ bị xử phạt hành chính.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Cao Thị Minh Thuận đã cùng đồng phạm đã tổ chức sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và nhà xuất bản khác với tổng trị giá theo giá in trên bìa là hơn 260 tỷ đồng.

Nhóm của Thuận đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn hơn 3 triệu quyển chưa kịp bán đã bị Công an thu giữ. Tổng số thu lời bất chính là hơn 30 tỷ đồng.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các bị cáo và luật sư bào chữa đã đưa ra các luận điểm, luận cứ nhằm phân tích mức độ hành vi, hoàn cảnh phạm tội để đề nghị giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo.

Có thể bạn quan tâm

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Công văn số 101/UBND-NC về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) và pháo đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán 2025.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm hỏi một trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Ảnh: N.N

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

(GLO)- Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.