(GLO)- Hầu hết hội viên cựu chiến binh (CCB) ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đều không ngại khó, ngại khổ để từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển. Đến nay, thành phố chỉ còn 2 hội viên nghèo (chiếm 0,04%), 8 hội viên cận nghèo (0,18%), trong khi có đến 2.452 hộ khá và giàu (chiếm 57,1%).
Sau khi rời quân ngũ, CCB Nguyễn Đình Kiệm (tổ 3, phường Trà Bá) quyết định rời quê hương Nam Định để vào Gia Lai lập nghiệp. Năm 2001, sau khi tích góp được hơn 8 triệu đồng, ông mở cơ sở xay xát lúa gạo. Nhờ làm ăn uy tín, có thời điểm, cơ sở này đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, năm 2014, ông tiếp tục kinh doanh thêm mâm lốp ô tô và phân phối dầu nhớt. Hiện các cơ sở này đã mang về thu nhập 2 tỷ đồng/năm cho gia đình, tạo việc làm cho gần 30 lao động với mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Kiệm bộc bạch: “Chính sự thiếu thốn, khó khăn của buổi đầu lập nghiệp đã hun đúc trong tôi ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu. Song điều quan trọng nhất là làm gì tôi cũng cân nhắc kỹ càng và có kế hoạch rõ ràng để tránh rủi ro cũng như đem lại hiệu quả cao nhất”.
Cựu chiến binh Dương Hồng Khoan (phường Yên Thế, TP. Pleiku) bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Nhật Hào |
Hơn 25 năm lập nghiệp tại TP. Pleiku, CCB Dương Hồng Khoan (tổ 10, phường Yên Thế) lại chọn hướng đi khác. Hiện tại, gia đình ông có hơn 2 ha cà phê. Nhờ chăm chỉ học tập và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất đạt cao, thu nhập 180-200 triệu đồng/năm.
Nói về kinh nghiệm chăm sóc cà phê, ông Khoan cho biết, quan trọng nhất là chọn giống, chủ động về nguồn nước tưới, cắt bỏ chồi, tỉa cành già để cây có sức nuôi cây. Ngoài ra, việc bón phân đúng thời điểm và có sự cân đối giữa phân hữu cơ và vô cơ sẽ giúp cây trồng phát triển tốt.
“Để có được cuộc sống như hôm nay, ngoài ý chí phấn đấu của cả gia đình, tôi còn có sự động viên và hỗ trợ của Hội CCB TP. Pleiku và đặc biệt là sự hỗ trợ, chia sẻ của các hội viên về kỹ thuật, cây, con giống”-ông Khoan tâm sự.
Với ước mơ làm giàu, CCB Nguyễn Thị Kim Loan (tổ 11, phường Hoa Lư) vẫn không nản chí mỗi lần gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Khởi đầu khó khăn về nguồn vốn nên bà chọn chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cà phê. Sau này, bà góp vốn mua lại Công ty cổ phần Hon da Nam Long để kinh doanh thêm xe máy tại 2 cửa hàng ở TP. Pleiku và thị xã Ayun Pa. Có thời điểm, doanh thu của Công ty đạt trên dưới 50 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, bà mở thêm cơ sở mầm non và phòng tập gym để tăng thu nhập. Từ các cơ sở này, bà thường xuyên tạo việc làm cho trên 30 lao động.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Kim Loan (thứ 3 từ trái qua) được UBND TP. Pleiku và UBND phường Hoa Lư nhiều lần khen thưởng vì có đóng góp tích cực vào xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư văn hóa. Ảnh: Nhật Hào |
Đặc biệt, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 11, từ năm 2009 đến nay, bà Loan vận động các Mạnh Thường Quân đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng làm 6 đoạn đường hẻm (bà đóng góp 25 triệu đồng) và mắc 24 bóng điện chiếu sáng, 15 loa phóng thanh tại các cụm dân cư, 12 bộ bàn ghế và 140 triệu đồng xây, sửa hội trường. Ngoài ra, bà còn đóng góp 18,5 triệu đồng xóa nhà dột nát cho CCB nghèo, hỗ trợ tặng quà cho phụ nữ nghèo hơn 20 triệu đồng và hàng năm tự bỏ tiền cho hoạt động văn hóa-văn nghệ của Hội CCB thành phố 30-40 triệu đồng.
Mới đây, bà hỗ trợ 5 triệu đồng cho ông Trần Văn Thắng (cùng tổ 11) và kêu gọi Mạnh Thường Quân đóng góp để xây dựng căn nhà rộng 40 m2. Ông Thắng xúc động chia sẻ: “Nhờ được cô Loan hỗ trợ và kêu gọi mọi người đóng góp, gia đình tôi đã xây được nhà kiên cố. Gia đình biết ơn cô Loan nhiều lắm”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quân-Phó Chủ tịch Hội CCB TP. Pleiku-cho biết: “Tới đây, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vận động hội viên giúp nhau mua phân bón trả chậm, hỗ trợ nhau cây-con giống, khoa học-kỹ thuật để cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu”.
NHẬT HÀO