Công ty Cao su Mang Yang 40 năm vượt khó vươn lên phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 40 năm là khoảng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của một vùng đất nhưng với Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực đầy cam go, thử thách của biết bao thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động.

Để đến hôm nay, Công ty từng bước phát triển và khẳng định vị thế trên bản đồ ngành cao su Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, ngày 29-10-1983, Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) chỉ đạo Công ty Cao su Phước Hòa thành lập bộ khung cán bộ và công nhân do ông Lê Khả Thinh-Phó Giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa làm trưởng đoàn lên huyện Mang Yang (nay là huyện Đak Đoa) để phát triển cao su. Đây chính là bước khởi đầu, dấu mốc quan trọng cho việc hình thành Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang.

Những ngày “nếm mật nằm gai”

Những ngày đầu mới thành lập, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn chồng chất do hậu quả của chiến tranh để lại. Hệ thống giao thông lúc đó chủ yếu là đường mòn, đời sống của người dân hết sức khó khăn. Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, bọn phản động FULRO liên tục chống phá. Cán bộ, công nhân, người lao động Công ty lúc bấy giờ vừa phải tháo gỡ bom mìn, vừa cải tạo đất để bắt đầu ươm những mầm xanh.

Giai đoạn 1984-2001 là thời kỳ đất nước bước vào công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế quản lý kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài khó khăn trong quá trình chuyển đổi cơ chế mới, Công ty còn gặp không ít trở ngại khi việc phát triển cao su trên địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp.

Cây cao su của đơn vị lúc bấy giờ đang ở thời kỳ chăm sóc nên nguồn tiền phục vụ cho sản xuất quá thiếu thốn, phải “giật gấu vá vai”. Không những thế, đời sống của người lao động hết sức khó khăn, bệnh tật hoành hành, nhiều người không trụ được đã phải bỏ vườn cây.

Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tổ chức lễ mừng công hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2023. Ảnh: Đ.Y

Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tổ chức lễ mừng công hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2023. Ảnh: Đ.Y

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân, người lao động, đến tháng 6-2001, Công ty đã phát triển được trên 5.700 ha cao su tại huyện Đak Đoa. Tổng diện tích đưa vào khai thác là 3.500 ha.

Trải qua quá trình 40 năm xây dựng, đến nay, Công ty đã hình thành một vùng cao su rộng lớn với trên 7.500 ha, trong đó, cao su khai thác hơn 4.600 ha, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động, trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 55%.

Là công nhân trẻ, chị Rơ Ma Hrun (Nông trường Bờ Ngoong) chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến cuộc sống của nhiều gia đình công nhân cao su nơi tôi sinh sống. Họ đã phải trải qua những lúc gian khó khi giá cao su xuống thấp. Cuộc sống cơ cực nhưng họ đã vượt lên nhờ vào sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể trong Công ty. Đây là điều giúp tôi gắn bó với cây cao su dù là công nhân mới”.

Ổn định và phát triển

Sau 40 năm hoạt động, Công ty đã đạt được những kết quả khả quan trong lĩnh vực trồng, chăm sóc và quản lý vườn cây. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Công ty có những bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trên mọi lĩnh vực.

Công nhân tiến hành cạo mủ cao su. Ảnh: Đinh Yến

Công nhân tiến hành cạo mủ cao su. Ảnh: Đinh Yến

Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã được trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều cờ, bằng khen của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc đầu tư mở rộng diện tích cao su ở nước ngoài, Đảng bộ, Ban Giám đốc Công ty đã tập trung chỉ đạo đầu tư vào Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Ratanakiri trồng 7.750 ha cao su tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) và Công ty TNHH một thành viên Cao su Chưmomray (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) trồng 5.200 ha.

Hiện tổng diện tích cao su Công ty đang quản lý trong và ngoài nước lên đến gần 21.000 ha, chất lượng vườn cây tốt.

Tổng sản lượng cao su khai thác trong giai đoạn 2019-2023 đạt 28.503 tấn. Tính đến cuối năm 2023, năng suất vườn cây bình quân toàn Công ty đạt 1,62 tấn/ha. Điển hình có Nông trường Đoàn Kết đạt 1,86 tấn/ha, có 3 tổ đạt trên 2,2 tấn/ha, 7 tổ đạt 1,8-2 tấn/ha.

Công ty duy trì 5 năm liên tiếp (từ năm 2019 đến nay) về đích trước kế hoạch sản lượng do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao. Năm 2023, sản lượng cao su chế biến 38.840 tấn bao gồm cả chế biến thuê. Sản lượng cao su tiêu thụ 51.263 tấn (trong đó, tiêu thụ cao su tự khai thác 26.923 tấn), đạt 100% kế hoạch Tập đoàn giao. Tổng doanh thu 2.069,78 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận 252,27 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 127,77 tỷ đồng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp 113,15 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất, Công ty còn thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc địa phương với phương châm “Công ty gắn với xã, đội sản xuất gắn với thôn, làng”.

Ngoài ra, Công ty còn thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Vào các ngày lễ, Tết, Công ty tổ chức thăm hỏi, tặng quà các tổ chức đoàn thể, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; thăm hỏi các gia đình công nhân, người lao động, đặc biệt là công nhân người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn…

Duy trì thực hiện tốt công tác khuyến tài, khuyến học, chăm lo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng toàn Công ty và các thôn, làng kết nghĩa. Tính từ năm 1999 đến nay, Công ty đã chi hơn 20 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.

Để liên tục phát triển và ổn định lâu dài, Công ty tiếp tục kiện toàn bộ máy; tập trung nhiều giải pháp phù hợp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, quản lý tốt vườn cây. Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.

Những kết quả đạt được trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển sẽ là động lực để Công ty ngày càng vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục khẳng định vị thế.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.