Cơn lốc ly hương vào Sài Gòn: Tết không về quê nhưng... tiền thì vẫn về!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tết đầu tiên ly hương, bạn tôi không về nhưng… tiền về. Hơn ba chục triệu dành dụm cả năm. Vợ nó sửa lại chái bếp, sắm quần áo cho con, mua hoa quả chưng bàn thờ tết... Ly hương đâu phải là buồn?
 
Đi xa kiếm được tiền lo cho gia đình, ly hương đâu phải là buồn?. ẢNH MINH HỌA: LÊ THANH HẢI
Với những người xa quê, hai tiếng “ly hương” hay gợi lên những nỗi buồn canh cánh, riết rồi nỗi buồn có hình hài, có góc cạnh và được gọi thành tên: Buồn ly hương, sầu xa xứ…
Cũng phải! Quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, mái nhà thân thuộc… vậy mà dứt áo ra đi. Phận người dạt trôi như đám lục bình, hỏi sao không buồn?
Nhưng bám riết quê hương với ruộng khô, cỏ cháy, người đông, đồng hẹp… mãi có được không? Được chứ! Không chết nhưng lay lắt, đói nghèo. Nói cho “sang” là… kiếp cơ hàn.
Ly hương – chuyện không riêng của thời bây giờ. Nghìn năm trước ông cha mình từng rồng rắn tiến về Nam mở cõi. Cây mắm, cây tràm tới đâu, con người tới đó. Trải cả đời kham khổ đợi phù sa mềm bủn thành đất thuần thục để xây làng dựng xóm, cắm lên đó xoài, mít, dừa, cau.
 
Những cuộc mưu sinh vất vả nơi xứ người có thể giúp nhiều gia đình đổi đời. ẢNH MINH HỌA: LÊ THANH HẢI
5 miệng ăn và 1 đám ruộng muối
Chiều nọ ghé uống với bạn ly rượu trắng với mồi nhắm là mấy trái ổi chua teo tóp. Vợ nó ngồi bên kêu khổ, nó cười như mếu: “Đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Tôi nói, mày nhét câu ca dao ấy vào lại cuốn sách đi. Mệt quá! Mày ngồi im đó cho tới thiên thu coi lông và chồi có mọc không? Đừng có hy vọng hão.
Hai vợ chồng, ba đứa con nhỏ, hai cái giỗ một năm mà chỉ với một đám ruộng muối thì lấy gì trang trải? Mà muối thì rẻ như cho.
“Mỗi nghìn một ký, có bán thì mua”, thương lái vừa trả giá vừa dửng dưng đi qua đống muối to bà cố. Vợ chồng phải tất tả chạy theo níu lại. Con cái nheo nhóc, xin ba má tí tiền tiêu vặt không phải lúc nào cũng có. Hai vợ chồng gắng sức làm thêm. Vợ gánh cá thuê, chồng “thợ đụng” cũng chỉ đắp đổi qua ngày.
 
Với nhiều người, ly hương không hẳn là buồn vì cuộc mưu sinh ở đất khách giúp họ và gia đình cải thiện cuộc sống. ẢNH MINH HỌA: LÊ THANH HẢI
Làng tôi trước giờ số người ly hương không phải là ít. Rời quê, có kẻ ăn nên làm ra, có người vẫn cứ xác xơ trên “quê mới”, có kẻ trở về bặm trợn sau khi đánh mất thiện lương, có người xa tít mù tăm một đi không trở lại…
Biết vậy nhưng phải kiếm ăn cái đã. Và người ta vẫn khăn gói ra đi. Thà đánh cược với số phận với “tỉ lệ” năm ăn năm thua, coi như vẫn còn hy vọng. Chứ ở lại, mình cũng đói dài, nói gì đến chuyện “xây dựng quê hương”.
Cuộc phiêu lưu của anh 'thợ đụng'
“Mái ấm không còn ấm nữa, mày thử phiêu một chuyến coi sao!”. Đây là lời tôi tiễn bạn ngày nó lên đường vô Sài Gòn. 
Một chiều tháng giêng, nó nắm nhẹ tay tôi rồi lên xe. Tôi buồn nhưng ráng với theo một câu hài vừa rẻ tiền, vừa dại miệng: “Mày đi mạnh giỏi! Không thành công cũng thành… ma”.
Tết đầu tiên xa quê nó không về nhưng… tiền về (trong tài khoản của tôi, nó nhờ chuyển dùm cho vợ con). Hơn ba chục triệu dành dụm cả năm. Vợ nó sửa lại chái bếp, sắm quần áo cho con, mua hoa quả chưng bàn thờ tết. Mừng nhất là trả được món nợ mười triệu vay để chữa bệnh cho con trai út hồi giữa tháng chạp.
“Ảnh nói không về ăn tết vì vé tàu xe đắt quá, để tiền đó gởi cho mấy nhỏ ăn học có lợi hơn. Ảnh ở lại làm bảo vệ công trình trong mấy ngày tết, chắc được năm triệu”, vợ nó kể, gương mặt đượm buồn. Tôi nói, xíu nữa lạc giọng: “Kệ đi em! Đi kiếm cơm mà. Người ta nghỉ tết, mình tết không nghỉ mới có tiền”.
 
Trong rất nhiều câu chuyện ly hương, chắc chắn có câu chuyện đất lành chim đậu, đất xấu chim bay. ẢNH MINH HỌA: LÊ THANH HẢI
Tưởng giỗ nó về, té ra không. Tài khoản của tôi cộng thêm bốn triệu. Tôi mang tiền tới, vừa lúc nghe nó điện dặn vợ làm cái giỗ ba mâm và nhờ em trai đứng ra cúng thay mình.
Tôi tò mò điện hỏi mày làm gì trong đó? Nó nói thì cũng “thợ đụng” như ở ngoài mình thôi. Khuân vác, dọn nhà, bưng bê, phụ hồ… làm tuốt. Nhưng trong này, nó kiếm ngày được 3 trăm ngàn, có khi hơn còn ở quê, một trăm chưa chắc có. Rồi giọng nó sáng lên, khoe được thằng bạn “rủ” làm nghề sửa chữa điện lạnh. Bạn sai đâu nó làm đó. Được cầm tay chỉ việc, mới sáu tháng nó đã thạo nghề. "Tao có lương rồi mày ơi! Bạn trả cho tao “đẹp” lắm", nó hân hoan.
Dẫn vợ nó tới ngân hàng làm cái thẻ, từ đó tới nay gần một năm rồi, tôi không biết anh chàng rót về cho vợ bao nhiêu tiền. Mỗi lần đi công chuyện ghé nhà nó, tôi thấy mấy đứa nhỏ lanh lẹ, khỏe khoắn, hồng hào. Vợ nó thôi gánh cá thuê nhưng vẫn làm muối vì bỏ ruộng hoang thì uổng quá.
Nó hay gọi giữa khuya. Lần gần nhất nó nói tao cảm ơn “quân sư”. Không có mày… xúi giục “ly hương” chắc giờ nhà tao vẫn giật gấu vá vai. Ly hương không hẳn là buồn. Sao tao không nghĩ ra cái này sớm hơn nhỉ? Một cái tết xa quê rồi. Tết này nó sẽ về. "Mình nhậu với món mồi “kỷ niệm” là mấy trái ổi tóp teo trước khi uống bia hoành tráng nghen", nó nói. Hỏi mày giàu chưa? Nó cười giòn tan: "Chưa! Nhưng chắc như cái nắp là tao đã thoát nghèo".
Trần Cao Duyên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.