Còn "2K" thì khẩu trang vẫn rất quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dạo này, trong câu chuyện hàng ngày, nhiều chị em trong xóm tôi thường nói với nhau: Từ khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, mỗi gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí cho việc mua khẩu trang. 
Cũng bởi, một số người không đeo khẩu trang thường xuyên mỗi khi ra khỏi nhà, thậm chí, một chiếc khẩu trang y tế có thể dùng lại nhiều lần. Có người cho rằng, bản thân đã tiêm 3-4 mũi vắc xin phòng Covid-19 nên khả năng miễn dịch tốt. Có người còn bảo: “Đã mắc Covid rồi thì sợ gì”. Người lớn chủ quan dẫn đến con trẻ cũng lơ là. Mà có lẽ không riêng xóm tôi vì theo quan sát, tại nhiều điểm công cộng như: bến xe, rạp chiếu phim, siêu thị, phòng chờ sân bay... vẫn có nhiều người không đeo khẩu trang hoặc có đeo nhưng kéo xuống dưới cằm cho dễ thở, dễ nói chuyện.
Nhân nói về chiếc khẩu trang, chị bạn đồng nghiệp có con đang học lớp 3 kể: Từ đầu tuần đến nay, 1/3 phụ huynh học sinh trong lớp gọi điện, nhắn tin xin phép cô giáo chủ nhiệm cho con nghỉ học vì bị sốt siêu vi. Qua trao đổi, giáo viên chủ nhiệm cho hay, phần lớn những em này không đeo khẩu trang thường xuyên. Ngoài dịch Covid-19 thì trong giai đoạn giao mùa này vẫn thường xuất hiện những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Và khẩu trang, theo khuyến cáo của Bộ Y tế vẫn là giải pháp hữu hiệu, giúp ngăn chặn, loại bỏ nhiều nguy cơ lây lan vi rút trong không khí.
Hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, mỗi ngày trên cả nước, hệ thống quản lý quốc gia vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có trường hợp tử vong. Điều đó cho thấy, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp và mỗi người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức tự giác trong công tác phòng bệnh để dịch không bùng phát, lây lan trở lại.
Để giúp người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp mới từ 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) xuống còn 2K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác. 2K gồm: khẩu trang, khử khuẩn. Theo đó, khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người và quy định rõ về một số đối tượng, địa điểm bắt buộc đeo khẩu trang; khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh môi trường xung quanh. Ngày 12-9, Bộ Y tế cũng đã phát động Chiến dịch truyền thông phòng-chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã kêu gọi các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương và người dân tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Điều đó một lần nữa khẳng định rằng, phòng dịch là vô cùng quan trọng và khẩu trang vẫn là biện pháp góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân mỗi người, gia đình, cộng đồng trong tình hình hiện nay. Chúng ta không thể chủ quan, đối phó với các biện pháp phòng-chống dịch khi điều đó mang lại lợi ích thiết thân! 
AN NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.