Đây là hoạt động nằm trong chuỗi thiện nguyện hơn 10 năm qua của nữ doanh nhân nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với những lao động nghèo, người kém may mắn.
Quán cơm chay 0 đồng mở cửa từ 11 giờ đến 12 giờ 30 phút hàng ngày (trừ các ngày 30, mùng 1, 14, 15 âm lịch). Trong tuần đầu khai trương quán, ngoài 3 đầu bếp chính được thuê với mức lương 12 triệu đồng/người/tháng, bà Trang còn bổ sung thêm 12 nhân viên của Công ty đến hỗ trợ. Hiện nay, quán phục vụ khoảng 500 suất cơm/ngày.
Quán cơm chay 0 đồng (số 41 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo. Ảnh: Đ.P |
Mới 7 giờ sáng, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đức-chị Phan Thị Lộc đã tất bật chế biến thực phẩm. Cạnh đó, bà Trần Thị Học (62 tuổi, bếp trưởng) cũng vừa làm vừa quán xuyến 5 tình nguyện viên sơ chế rau củ quả để chuẩn bị cho một bữa cơm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng.
Tỉ mẩn thái mỏng từng trái khổ qua cho vào chậu nước muối pha loãng, chị Trần Thị Dung tâm sự: “Tôi phải chạy thận 3 lần/tuần. Những hôm khỏe, tôi đến phụ việc, được bà Trang hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng và ăn trưa luôn tại đây”. Ngoài chị Dung còn có chị Hồ Thị Phúc cũng đến phụ việc.
Buổi trưa, người lao động nghèo, người khuyết tật đến đây ăn cơm hoặc nhận những suất cơm mang về. Tình nguyện viên Nguyễn Thị Kiều Vân chia sẻ: “Nhóm chúng tôi gồm 7 người thay nhau làm việc tại quán từ 8 giờ đến 16 giờ. Hôm nào, chúng tôi cũng ăn trưa sau cùng nhưng ai cũng rất vui”.
Nhìn thấy một phụ nữ chừng 45 tuổi với nét lam lũ rời bàn ăn và tay xách theo chiếc túi ni lông đựng khá nhiều suất cơm, tôi liền bắt chuyện. Chị là Huỳnh Ngọc Thảo làm nghề bán vé số dạo. Vợ chồng chị có 9 người con đang ở nhà thuê trên con hẻm đường Lê Lợi (TP. Pleiku). Chị nhận những suất cơm này là khẩu phần cho con và người chồng không còn sức lao động ở nhà.
Suất cơm 0 đồng tiếp thêm sức để bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật
Triển khai “Tủ bánh mì 0 đồng”cho trẻ em làng Đê Chơ Gang
Cầm hộp cơm trên tay, chị Nay H’Nga-Tiểu thương bán hàng rau trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi-vui vẻ trò chuyện: “Từ ngày quán mở cửa, tôi và một số chị em buôn bán nhỏ ở khu vực chợ Bà Định tới nhận cơm rồi mang ra chỗ bán hàng. Nhờ vậy nên tiết kiệm được thời gian, chúng tôi có thể bán hàng được nhiều hơn. Khi ăn cơm xong, chúng tôi gom khay, chén mang vào quán chứ không phải rửa dọn gì cả”.
Khẩu phần cơm chay 0 đồng cũng khá đầy đủ. Nếu ai có nhu cầu ăn thêm thì vẫn có thể nhận thêm suất cơm hay cơm canh và mắm cho đủ bữa.
Trò chuyện cùng tôi, Bếp trưởng Trần Thị Học cho hay: “Quán cơm chay 0 đồng không nhận tiền của bất cứ ai. Các nhà hảo tâm có thể ủng hộ gạo, nước tương, nước mắm rau, củ, quả. Sau 1 tuần đi vào hoạt động, quán đã có nhiều tình nguyện viên đăng ký hỗ trợ”.