Coi chừng "bảo bối" ngừa đột quỵ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

An cung ngưu hoàn hoàn toàn không phải là “thần dược” để phòng chống, ngăn ngừa đột quỵ, mà nhiều khi nó còn khiến cho không ít người bị tiền mất tật mang, thậm chí là thiệt mạng.

Không nên sử dụng An cung ngưu hoàn nếu không có hướng dẫn của thầy thuốc
Không nên sử dụng An cung ngưu hoàn nếu không có hướng dẫn của thầy thuốc



Trước sự đe dọa của tai biến mạch máu não (đột quỵ) đối với sức khỏe và tính mạng, lâu nay, viên An cung ngưu hoàn được rất nhiều người, nhất là những người cao tuổi, xem như là “bảo bối” để phòng ngừa và ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, An cung ngưu hoàn hoàn toàn không phải là “thần dược” để phòng chống, ngăn ngừa đột quỵ, mà nhiều khi nó còn khiến cho không ít người bị tiền mất tật mang, thậm chí là thiệt mạng.

Đừng ảo tưởng

Là một người cao tuổi, lại có tiền sử bệnh tiểu đường và cao huyết áp, ông L.V.H. (66 tuổi, ở Vĩnh Phúc) luôn lo sợ bị tai biến mạch máu não. Vì thế khi được một số người bạn mách cho việc sử dụng An cung ngưu hoàn rất hiệu quả phòng ngừa tai biến, ông H. đã không ngần ngại bỏ ra hơn 3 triệu đồng mua liền một liều “thần dược” này về uống. Tuy nhiên, chưa đầy 3 ngày sau khi uống An cung ngưu hoàn, ông H. đã phải vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng rất nguy kịch. Tại đây, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân H. đã bị giảm khả năng đông máu, tình trạng xuất huyết dưới da ngày càng nặng, có chảy máu dạ dày, chảy máu gan kèm theo các biểu hiện của suy gan. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, ông H. là một trong những trường hợp bị phản ứng phụ của An cung ngưu hoàn gây chảy máu nghiêm trọng, khiến việc điều trị rất phức tạp.

Khoa Hồi sức tích cực - BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp là nạn nhân của An cung ngưu hoàn; trong đó không ít người đã ngậm ngùi vì người thân không qua khỏi, hoặc phải sống đời thực vật. Theo TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, lâu nay, trước sự nguy hiểm của căn bệnh đột quỵ, không ít người đã xem An cung ngưu hoàn như là “thần dược” để sử dụng khi chẳng may bản thân, hay người thân, bị tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, do tự ý sử dụng, bất kể triệu chứng bệnh như thế nào, đã khiến cho không ít người phải gánh chịu hậu quả khôn lường, vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. Nhiều trường hợp khi được đưa đến viện, máu đã chảy tràn hết trong não, các bác sĩ cũng không thể cứu được, mà nếu có cứu sống được thì di chứng để lại rất nặng nề.

Phải trị bệnh từ căn nguyên

Theo nhiều chuyên gia, tai biến mạch máu não là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh, như: hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt bị sặc. Đây là căn bệnh thường gặp ở những người già và trung niên, nhưng gần đây tại nhiều BV đã ghi nhận không ít trường hợp còn trẻ tuổi cũng bị tai biến mạch máu não. Theo thống kê của cơ quan y tế, số người bị tai biến mạch máu não đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Ước tính, mỗi năm cả nước có trên 200.000 người mắc bệnh lý tai biến mạch máu não và tái phát đột quỵ; gần một nửa trong số đó tử vong. Qua nghiên cứu, có tới 80% bệnh nhân bị đột quỵ là do tăng huyết áp và khoảng 15% là do xơ vữa động mạch, còn lại là các nguyên nhân khác.

Các bác sĩ cảnh báo, mặc dù đột quỵ rất nguy hiểm nhưng người dân không nên tự ý sử dụng An cung ngưu hoàn, mà thay vào đó, muốn phòng chống tai biến mạch máu não thì phải trị từ căn nguyên. Chẳng hạn, nếu tăng huyết áp thì phải điều trị huyết áp để giảm nguy cơ vỡ mạch máu, bị xơ vữa động mạch tăng mỡ máu nhiều phải dùng thuốc chống mỡ máu. Hơn nữa, việc dự phòng tai biến mạch máu não bằng uống An cung ngưu hoàn là không có cơ sở; việc sử dụng khi tai biến sẽ càng nguy hiểm nếu chưa xác định được tai biến do nhồi máu hay xuất huyết não. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, việc bệnh nhân cao huyết áp uống An cung ngưu hoàn để dự phòng đột quỵ là hoang đường. Bởi lẽ đây là thuốc, phải có chỉ định sử dụng trong từng trường hợp bị tai biến cụ thể, không thể uống bừa bãi. Về lý thuyết, trường hợp bệnh nhân bị tai biến nhồi máu não có thể cải thiện lâm sàng do thuốc làm giảm yếu tố đông máu. Tuy nhiên, ngược lại, nếu bị tai biến xuất huyết não, uống An cung ngưu hoàn càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu. Ngay cả trường hợp tai biến nhồi máu não, nếu có đông tắc mạch, việc tùy tiện dùng “bảo bối” trên có thể gây nguy cơ chảy máu bên trong, khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Trong khi đó, Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, An cung ngưu hoàn là một loại thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc có nguồn gốc hàng trăm năm nay, được dùng để chữa trị, phòng các bệnh về tai biến mạch máu não, tim mạch, huyết áp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều loại sản phẩm được lấy tên là An cung ngưu hoàn, có xuất xứ và nguồn gốc rất đa dạng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam...) nên chất lượng khó đảm bảo. Hơn nữa, trong An cung ngưu hoàn có nhiều vị thuốc đông dược khác nhau, như sừng tê giác, sỏi mật bò, xạ hương... Tuy nhiên, hiện nay, sừng tê giác đã thay bằng sừng trâu. Sỏi mật bò tự nhiên hầu như không có nên thay bằng sỏi nhân tạo; xạ hương cũng có nhiều loại - tự nhiên hoặc tổng hợp. Cùng với đó, trong loại thuốc này cũng gồm có cả các thành phần như hùng hoàng, chu sa, xạ hương, thủy ngân..., là các chất có độc tính cao, khi dùng phải có sự kiểm soát chặt chẽ về liều dùng, đường dùng, người dùng và phải có sự tư vấn của bác sĩ đông y

Minh Khang (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.