Chuyện về cặp vợ chồng ở Chư Pưh mở thư viện miễn phí phục vụ trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tinh thần hướng về cộng đồng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng thư viện miễn phí dành cho các em nhỏ.
Chung tay gầy dựng thư viện 
Bà Minh cho biết, thư viện được xây dựng xuất phát từ ý tưởng của chồng bà-ông Lê Hoài An. Hơn 5 năm qua, ông An đã tham gia nhiều chuyến thiện nguyện về vùng sâu, vùng xa. Trong những chuyến đi ấy, ông chứng kiến cảnh các cháu nhỏ thiếu thốn nhiều thứ, nhất là sách báo để đọc. Vì thế, ngoài việc tiếp tục kêu gọi tặng quần áo, giày dép, cặp sách, ông An cũng chú tâm gom góp sách báo từ mọi người hỗ trợ để xây dựng thư viện miễn phí cho các em.
“Anh ấy từng nhiều lần nhắc đến ước mơ xây dựng được nhiều thư viện miễn phí. Đây là ý tưởng tốt nên tôi rất ủng hộ. Song vì bận rộn với công việc nương rẫy nên cứ lần lữa mãi”-bà Minh kể.
Cuối năm 2019, khi số sách báo chuẩn bị đã tương đối nhiều, vợ chồng bà Minh mới bắt tay vào cải tạo căn nhà cũ thành thư viện. Ông An tận dụng tre, nứa, gỗ làm bàn ghế và giá sách. Còn bà Minh dọn sạch sân vườn và căn nhà. Rồi ông bà tận dụng các chậu cây cảnh bài trí xung quanh thư viện nhằm tạo không gian xanh mát. Ông bà cũng không quên đặt một bình nước uống để phục vụ các em nhỏ.
“Ngày trước, vợ chồng tôi và các con cũng rất thích đọc sách. Mỗi năm mua vài cuốn, đến lúc xây dựng thư viện, chỉ riêng số sách của gia đình đã có hơn 200 cuốn bao gồm truyện, sách văn học, khoa học, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, vợ chồng tôi đã dùng số sách này để phục vụ cho việc đọc sách của các cháu, rồi đi quyên góp thêm”-bà Minh cho hay.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh sắp xếp phân loại các đầu sách tại thư viện. Ảnh: Hồng Thương
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh sắp xếp phân loại các đầu sách tại thư viện. Ảnh: Hồng Thương
Vì sự an toàn của trẻ 
Dồn hết tâm sức cho “đứa con tinh thần” nhưng thời gian đầu thấy các em nhỏ tới thư viện còn thưa thớt, bà Minh rất băn khoăn. Khi biết các em chưa có thói quen đọc sách, nhiều em còn mê chơi game và sử dụng điện thoại, bà quyết tâm phải thay đổi thói quen này.
Ròng rã mấy tháng trời, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà đến tận từng nhà để vận động các em tới thư viện đọc sách. Nhiều hôm gặp bọn trẻ đi ngang qua trước nhà, bà cũng gọi vào để giới thiệu về thư viện. Mưa dầm thấm lâu, số lượng các em biết và đến thư viện nhiều hơn. Có ngày thư viện đón gần 20 em, nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật.
Bà Nguyễn Thị Thùy Ngân-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Phang: “Chị Nguyễn Thị Minh là hội viên tiêu biểu trong phong trào “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Nhờ có chị tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phong trào và đặc biệt là mở thư viện miễn phí mà các em nhỏ có thêm sân chơi bổ ích. Tới đây, chúng tôi sẽ hỗ trợ gia đình chị làm bảng tên để chỉ dẫn, giúp nhiều em nhỏ biết đến thư viện hữu ích này”.

Cứ vài tuần, bà Minh lại dọn vệ sinh thư viện một lần để tránh bụi bẩn bám vào sách. Sau mỗi đợt trời mưa kéo dài, bà kiểm tra từng cuốn sách rồi đem phơi nắng để tránh bị ẩm mốc gây hư hỏng và ảnh hưởng tới sức khỏe của các em nhỏ. Rồi bà bàn với chồng lên mạng xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ thêm sách, đặc biệt là các truyện tranh, truyện ngắn phục vụ cho thiếu nhi và sách nuôi dạy con, sách đối nhân xử thế, kinh nghiệm để thành công... Đến thời điểm này, thư viện đã có hơn 1.000 cuốn sách được sắp xếp bài bản theo từng chủ đề, chủ điểm rất tiện cho việc tìm kiếm. 

Tranh thủ thời gian buổi tối, nhiều em nhỏ ghé thư viện để đọc sách. Ảnh: Hồng Thương
Tranh thủ thời gian buổi tối, nhiều em nhỏ ghé thư viện để đọc sách. Ảnh: Hồng Thương
Ông An bộc bạch: “Sau khi xây dựng thư viện miễn phí tại nhà, tôi cũng đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 500 đầu sách phối hợp với giáo xứ Đa Minh (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) xây dựng thư viện miễn phí phục vụ cho các em nhỏ bị bệnh phong được nuôi dạy tại đây. Hiện tại, tôi cũng đã lên kế hoạch mở thêm các thư viện tại xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh) và thị xã Ayun Pa. Hy vọng, những thư viện này sẽ giúp các em học sinh được tiếp cận thêm kiến thức để mở mang sự hiểu biết”.
Là bạn đọc thường xuyên của thư viện, em Nguyễn Đỗ Mỹ Tâm (lớp 10A9, Trường THPT Nguyễn Thái Học) phấn khởi: “Từ khi có thư viện, em có thêm nhiều nguồn sách để đọc và tìm kiếm tài liệu. Em thích đọc truyện tranh, sách văn học, sách lịch sử vì chúng giúp em trau dồi ngôn ngữ, hiểu biết về lịch sử cũng như thư giãn tinh thần sau những buổi học căng thẳng. Em sẽ tiếp tục vận động các bạn tới đây đọc sách”.
Riêng với người lớn, thư viện trở thành nơi để họ gửi gắm niềm tin về sự an toàn của con trẻ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hải (thôn Hòa Sơn) cho biết: “Tôi thường xuyên động viên con cháu đến thư viện đọc sách để mở mang kiến thức. Hơn nữa, các cháu tới thư viện, chúng tôi thấy yên tâm hơn vì lũ trẻ sẽ tránh xa được những trò chơi vô bổ”.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

(GLO)- Ngày 10-1, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Tết ấm áp-Xuân Ất Tỵ 2025”, trao 190 suất quà Tết cho các hộ khó khăn và đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ 2025, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh phấn đấu hỗ trợ cho 50.000 lượt người nghèo, khó khăn với tổng giá trị đạt 22 tỷ đồng. Ảnh: N.N

Tết nhân ái

(GLO)- Với mục tiêu huy động sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để giúp người nghèo có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc, phong trào “Tết nhân ái” đã được triển khai và nhận sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.