Chuyện về 3 anh em ruột học giỏi có tiếng ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), có chung niềm đam mê với Toán học nhưng cả 3 anh em Trần Võ Đại Nhân, Trần Trung Đức, Trần Minh Trí lại thành công với những môn học khác trên “đấu trường” học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia.
“Anh truyền em nối”
Tôi tìm đến gia đình ông bà Trần Đại Nghĩa và Võ Thị Kim Liên (226 Trường Chinh, TP. Pleiku) vào một buổi chiều đầu năm Tân Sửu. Niềm vui và tự hào về cậu con trai út Trần Minh Trí dường như vẫn lan tỏa khắp tổ ấm nhỏ của ông bà. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020-2021, Trí xuất sắc đạt giải nhì môn Sinh học và là học sinh duy nhất của tỉnh lọt vào vòng thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế.
Em Trần Minh Trí (bìa trái) cùng anh trai ôn tập để chuẩn bị cho vòng thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3-2020. Ảnh: Hồng Thi
Em Trần Minh Trí (bìa trái) cùng anh trai ôn tập để chuẩn bị cho vòng thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3-2021. Ảnh: Hồng Thi
Hiện Trí là học sinh lớp 12C3A (chuyên Toán) của Trường THPT chuyên Hùng Vương. Dù tình yêu dành cho Toán học chưa bao giờ vơi, song bước vào năm lớp 11, em đã quyết định thử sức với môn Sinh học.
“Trên hành trình chinh phục niềm đam mê mới, em gặp phải không ít khó khăn khi không theo kịp các bạn về mặt kiến thức, nhất là chương trình nâng cao, chuyên sâu. Để khắc phục vấn đề đó, em buộc phải học theo kiểu “nhảy cóc” trong 3-4 tháng; đồng thời, đặt ra mục tiêu cho bản thân tương ứng với từng mốc thời gian nhất định. May mắn cho em là có sự hỗ trợ, định hướng từ 2 anh trai nên việc học tập cũng dần thuận lợi hơn”-Trí chia sẻ.
Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương: “Nhà trường rất tự hào khi có những học sinh tiêu biểu là anh chị em trong một gia đình. Cả Nhân, Đức và Trí đều có ý thức học tập tốt, kiên định theo đuổi mục tiêu của mình để rồi đạt được thứ hạng cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Chúng tôi cũng đánh giá cao về truyền thống hiếu học của gia đình các em. Đây là điển hình tiêu biểu để chúng tôi nêu gương và lan tỏa rộng rãi trong toàn trường”.

Sự nỗ lực bền bỉ của cậu học trò cuối cùng cũng thu được “quả ngọt”. Năm lớp 11, lần đầu tiên Trí khẳng định sự lựa chọn của mình với giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia môn Sinh học.

Lên lớp 12, em xuất sắc giành giải nhì ở cả 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia, lọt vào tốp 14/32 thí sinh tham gia vòng thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Đáng chú ý, số điểm Trí đạt được tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020-2021 chỉ kém thí sinh đạt giải nhất 0,15 điểm.

“Với em, bên cạnh nền tảng kiến thức thì yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Vì thế, em không tạo cho bản thân quá nhiều áp lực nhưng sẽ cố gắng làm bài thật tốt trong kỳ thi quan trọng sắp tới”-Trí bày tỏ.

Cách đây 6 năm, Trần Trung Đức (SN 1997) từng mang vinh quang về cho gia đình và nhà trường cũng với bộ môn Sinh học. Nhớ lại những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm ấy, chàng sinh viên năm cuối ngành Bác sĩ đa khoa (Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) trào dâng cảm xúc.
Ngày đó, Đức quyết tâm thi vào lớp chuyên Toán của Trường THPT chuyên Hùng Vương để chinh phục đam mê với hình học và các con số. Tuy nhiên, ước mơ trở thành bác sĩ đã thôi thúc cậu đánh liều rẽ hướng sang học thêm môn Sinh học. Ngoài những khó khăn tương tự em trai, Đức còn gặp bất lợi ở khả năng học thuộc lòng không tốt bằng các bạn.
“Năm lớp 10, em bị loại khỏi đội tuyển của trường dự thi Olympic truyền thống 30-4 tại TP. Hồ Chí Minh. Được sự động viên của gia đình và thầy cô, em tiếp tục nỗ lực chứng minh khả năng của mình với giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh ở cả bảng A và bảng B, giải ba cấp quốc gia và huy chương vàng Olympic trong năm học lớp 11. Tiếp nối thành tích đó, năm lớp 12, em vỡ òa hạnh phúc khi đạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh ở 2 bảng, giải nhì cấp quốc gia và là 1 trong 32 thí sinh tham dự vòng thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm ấy”-Đức bồi hồi kể.
Khác với 2 em trai của mình, Trần Võ Đại Nhân (SN 1993) khi đang là học sinh chuyên Toán của Trường THPT chuyên Hùng Vương lại lựa chọn môn Lịch sử để đồng hành. Tuy chỉ dừng lại ở giải ba tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và huy chương bạc Olympic truyền thống 30-4, nhưng với Nhân là thành tích ngoài mong đợi. Nhân cũng trở thành tấm gương sáng để Đức và Trí noi theo.
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), Nhân đang là nghiên cứu sinh Toán ứng dụng vi sinh vật học của Trường Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) bằng học bổng toàn phần do mình tự “săn” được.
Gia đình, thầy cô là động lực học tập
Với 3 anh em Nhân, Đức, Trí, gia đình và thầy cô chính là động lực và nguồn cảm hứng to lớn để họ nỗ lực học tập. Đức tâm sự: “Ba mẹ dù buôn bán vất vả vẫn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng em ăn học. Sự động viên kịp thời cùng những định hướng đúng đắn của ba mẹ đã giúp chúng em sớm xác định được cho mình lối đi phù hợp trên con đường học tập cũng như nghề nghiệp tương lai. Thêm vào đó, thành công của 3 anh em có lẽ còn nhờ sự thấu hiểu, yêu thương và noi gương lẫn nhau. Chúng em sẵn sàng giúp đỡ và luôn đồng hành cùng nhau trong quá trình học tập cũng như các cuộc thi quan trọng”.
Nghe con trai bày tỏ, bà Liên không giấu được xúc động. “Nhiều người trước kia hay ái ngại khi thấy vợ chồng tôi sinh 3 đứa con trai vì ông bà xưa có câu “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”. Nhưng rồi thấy các cháu chăm ngoan, hiếu học, họ quay sang chúc mừng. Đến thời điểm này, tôi thật sự rất hạnh phúc khi Nhân đã là giáo viên, còn Đức và Trí đang quyết tâm theo đuổi con đường trở thành bác sĩ mà ngày xưa tôi đành dang dở”-bà Liên bộc bạch.
Em Trần Trung Đức (thứ 2 từ trái sang) và Trần Minh Trí chia sẻ niềm vui cùng ba mẹ. Ảnh: Hồng Thi
Em Trần Trung Đức (thứ 2 từ trái sang) và Trần Minh Trí chia sẻ niềm vui cùng ba mẹ. Ảnh: Hồng Thi
Trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức của mình, cả 3 em đặc biệt ghi nhớ sự ủng hộ, tạo điều kiện rất nhiều từ phía nhà trường cũng như sự dìu dắt tận tình của các thầy-cô giáo. Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, Đức và Trí luôn nhắc đến cô Quảng Thị Kiệp-giáo viên Sinh học Trường THPT chuyên Hùng Vương.
Không chỉ là giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, cô Kiệp còn là người đã nuôi dưỡng ước mơ cho 2 anh em từ khi quyết định thử sức với môn Sinh học. Cô Kiệp chia sẻ: “Là học sinh chuyên Toán nên Đức và Trí có tố chất về tư duy logic khi học môn Sinh học. Tôi rất vui và tự hào khi các em rất nghiêm túc và trách nhiệm với lối rẽ của mình”.
Ngoài 3 bức tranh thư pháp với các chữ: Nhân-Đức-Trí treo trang trọng nơi phòng khách của gia đình bà Liên là rất nhiều giấy khen, bằng khen, huy chương, cúp lưu niệm... được giữ gìn cẩn thận, minh chứng cho thành tích học tập đáng tự hào của 3 cậu con trai. Có lẽ, với những bậc cha mẹ, sự trưởng thành của các con chính là món quà quý giá khó gì có thể thay thế được.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.