Chuyện người Gia Lai viết tâm thư gửi Thủ tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở hữu 17 ngàn ha cà phê với lực lượng lao động 30 ngàn người nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đang rất bết bát; tiến trình cổ phần hóa giẫm chân tại chỗ… Bức tâm thư đầy nhiệt huyết gửi Thủ tướng sau khi đăng báo đã được nhiều cán bộ, công nhân trong ngành bày tỏ sự đồng tình; Tổng Giám đốc Vinacafe, Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) lên tiếng… Người dũng cảm nói lên sự thật này là ông Lê Đình Hoàng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai).

Những sự thật chưa ai nói thật…

Mở đầu tâm thư, ông Lê Đình Hoàng khẳng định vai trò của Tổng Công ty (TCT) Cà phê Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển ngành cà phê Việt Nam, đưa cà phê Việt Nam từ không tên tuổi trở thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và cuộc sống cho hàng triệu người ở Tây Nguyên…

 

Ông Lê Đình Hoàng (bên phải) trao đổi với công nhân về mô hình trồng bơ xen cà phê. Ảnh: N.T
Ông Lê Đình Hoàng (bên phải) trao đổi với công nhân về mô hình trồng bơ xen cà phê. Ảnh: N.T

Tuy nhiên theo ông, thành tựu đó nay đã là quá khứ. “Ngày nay TCT Cà phê Việt Nam không làm tròn sứ mệnh mà ngành cà phê mong đợi; cơ chế chính sách, hệ thống quản trị điều hành không theo kịp xu thế, bộ máy cồng kềnh, chi phí lớn, hiệu quả thấp đang là gánh nặng, thậm chí trở ngại cho tiến trình đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hóa”. Ông Lê Đình Hoàng chứng minh: Diện tích cà phê của TCT đang nắm giữ chỉ chiếm 2,83%-một con số nhỏ bé, không thể là đòn bẩy, đầu tàu trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều đáng nói ở đây là năng suất, chất lượng cà phê ngày càng kém đi-dao động từ 2 tấn đến 2,5 tấn nhân/ha, chỉ bằng 60% năng suất cà phê của nông dân. Hiện mỗi héc-ta đất nông nghiệp nông dân thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng không còn là cá biệt thì mỗi héc-ta đất trong TCT Cà phê Việt Nam bình quân chỉ lãi trên dưới 40 triệu đồng. Điều này đã khiến đời sống công nhân vô cùng khốn khó, tái canh không vay được vốn ngân hàng, phải vay nặng lãi để cùng đầu tư với doanh nghiệp…

Về cơ chế chính sách đối với ngành cà phê, ông Lê Đình Hoàng chỉ rõ những điều bất hợp lý: Tổng Công ty Cà phê Việt Nam hiện có 30 ngàn lao động, trong đó 12 ngàn công nhân tham gia bảo hiểm xã hội; còn lại là hợp đồng lao động ngắn hạn nhận khoán theo Nghị định 135-CP/2005 của Chính phủ. Phương án khoán hiện nay có thể gọi là khoán trắng (điều này vi phạm pháp luật về lao động). Có thể nói đây là phương án phát canh thu tô mà báo chí nhiều lần lên án hoặc điểm mặt chỉ tên.

Các doanh nghiệp hầu như không đầu tư gì, cuối năm chỉ thu khoán. Ngoài các khoản phải nộp ngân sách còn lại hầu như chi trả lương và hoạt động cho bộ máy gián tiếp khổng lồ trên 200 tỷ đồng mỗi năm (mỗi héc-ta cà phê người nhận khoán phải đóng 13 triệu đồng chi phí quản lý mỗi năm là vô cùng phi lý)… Và ông vạch rõ những ẩn khuất tại TCT Cà phê: “Nếu Thủ tướng nhìn vào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT Cà phê Việt Nam thì kết quả sẽ đi ngược với những gì tôi viết. Vì thực tế không đầu tư thì làm sao có thua lỗ, sao lại không có lãi, thậm chí lãi lớn khi giá cà phê lên cao nhất trong vòng 6 năm qua trong năm 2016. Nếu những năm qua, TCT không bán hết cổ phần tại Vina café Biên Hòa thu về hàng trăm tỷ đồng để bù lỗ, cân đối tài chính thì tôi chắc rằng TCT đã phá sản. Vì những lẽ trên Thủ tướng nên cân nhắc khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc lãnh đạo TCT mà hãy lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hơn 30.000 người lao động…”. Và ông Lê Đình Hoàng đặt câu hỏi: “Một doanh nghiệp nhà nước mà chỉ ngồi phát canh thu tô, không đầu tư, không chi phí; giá thành cao gấp 1,5 lần, năng suất bằng 70% nông dân; hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị canh tác bằng 50% của nông dân, thu nhập đại bộ phận công nhân thấp hơn mức tối thiểu thì có nên tồn tại nữa không, thưa Thủ tướng?”.

Trước thực trạng yếu kém của TCT Cà phê Việt Nam, Chính phủ đã có chủ trương cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống người lao động. Đây là chủ trương đúng đắn kịp thời. Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Hoàng, với đặc thù của ngành cà phê sẽ gặp khó khăn vì đa số người lao động hiện nay không có khả năng tài chính để mua cổ phần. Hơn nữa nếu Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối thì sẽ khó có nhà đầu tư chiến lược nào tham gia vì bộ máy điều hành doanh nghiệp hiện nay chỉ là “bình mới rượu cũ”…

Và, ông mạnh dạn đề xuất “Nguyện vọng tha thiết của người lao động là Nhà nước thoái vốn bằng cách bán lại vườn cây cho họ với giá thị trường (đối với những hộ khó khăn sẽ cho trả góp từ 3 năm đến 5 năm). Tài sản khác còn lại của doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa cho lực lượng gián tiếp để làm dịch vụ cung ứng và bao tiêu sản phẩm cho công nhân. Chế độ bảo hiểm xã hội sẽ chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện… Nếu Thủ tướng đồng ý với phương án trên, Nhà nước sẽ thu về ít nhất 5.000 tỷ đồng (1.700 ha x 300 triệu đồng/ha-mức tối thiểu) đủ để TCT Cà phê Việt Nam tập trung nguồn lực đầu tư chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cà phê. Người lao động được tự do đầu tư, lựa chọn xen canh những cây trồng thích hợp như hàng triệu nông dân đang làm cà phê trên cả nước. Được như thế tôi tin chắc sau 3 đến 5 năm đời sống của người lao động sẽ thoát nghèo, vươn lên giàu có, góp phần ổn định an ninh chính trị cho khu vực Tây Nguyên…”.

Việc làm từ “tâm”

Tôi gặp ông Lê Đình Hoàng để tìm hiểu thêm những gì ông viết qua bức tâm thư. Quê ở Triệu Giang (Quảng Trị), vào công nhân từ năm 1985, đi bộ đội 3 năm rồi trở về Công ty, qua các vị trí kế toán đội, Đội trưởng rồi Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, ông thấu hiểu cái giá mà người công nhân đánh đổi để có cuộc sống hôm nay từ buổi khởi nguồn. Thế nên ông Hoàng luôn tâm niệm: Làm cán bộ Công đoàn mà không dám đấu tranh vì lẽ phải, vì quyền lợi chính đáng của người lao động thì chẳng thà đừng làm… Còn nhớ năm 2008, lãnh đạo Công ty bỗng đơn phương thay đổi phương án khoán. Nguyên do là trước đó dù đã giao kết công nhân sẽ trả sản phẩm khoán bằng tiền nhưng khi thấy giá cà phê tăng giá mạnh, Công ty thấy thiệt nên quay sang đòi trả bằng sản phẩm.

Thấy bản chất đây là một vụ “lật kèo”, ông Lê Đình Hoàng và Ban Chấp hành Công đoàn đã kiên quyết đấu tranh. Kết quả là việc giao nộp sản phẩm bằng tiền vẫn được thực hiện cho đến hết chu kỳ khoán. Việc này đã giúp mỗi công nhân và người lao động không bị thiệt 8 triệu đồng… Rồi chuyện ông và tập thể cán bộ Công đoàn đấu tranh đòi thực hiện tỷ lệ quy đổi từ 4,74 kg cà phê tươi bằng 1 kg cà phê nhân xuống còn 4,62 kg, giúp cho công nhân và người lao động không bị thiệt hàng trăm triệu đồng; chuyện tham gia phản biện phương án khoán, yêu cầu cắt giảm các chi phí gián tiếp bất hợp lý, làm lợi cho Công ty cả tỷ đồng… Sẵn sàng đấu tranh đến cùng cho quyền lợi chính đáng của công nhân, song ông Lê Đình Hoàng luôn đứng trên quan điểm hài hòa lợi ích giữa người lao động với Công ty. Hiểu rằng quyền lợi mà công nhân có được không nằm ngoài hiệu quả sản xuất kinh doanh, ông Lê Đình Hoàng và Ban Chấp hành Công đoàn luôn đóng vai trò đầu tàu trong việc tuyên truyền, dẫn dắt công nhân và người lao động nỗ lực sản xuất, cải tiến kỹ thuật canh tác. Chính ông là người đã làm thay đổi tập quán từ tưới nước chảy tràn sang tưới gốc. Số là từ năm 2005, thấy năng suất cà phê sụt giảm, dịch bệnh lan tràn, ông đã nghiên cứu và thấy nguyên do là bởi thói quen tưới nước chảy tràn. Đã lãng phí nước, kiểu tưới này lại làm rửa trôi trầm trọng lớp đất màu, phát tán dịch bệnh. Thấy nhiều người còn bán tin bán nghi, ông vận động đội 10 làm thí điểm trước. Kết quả là năng suất vườn cây được cải thiện rõ rệt. Từ 1 đội, phong trào lan rộng khắp Công ty. Công nhân tự bỏ vốn đào giếng, kéo điện để phục vụ cho việc bơm tưới. Không những từ bỏ một thói quen sản xuất có hại, sự thay đổi này đã giúp tiết kiệm rất đáng kể tài nguyên nước. Từ Công ty 706, phong trào bỏ tưới nước chảy tràn sang tưới gốc lan rộng đến khắp các nông hộ sản xuất cà phê trong vùng…

Về bức tâm thư, ông Lê Đình Hoàng kể rằng: Ngay sau lúc báo đăng, một vị lãnh đạo TCT đã từ TP. Hồ Chí Minh bay ra gặp ông, sau đó lên gặp cả UBND huyện Ia Grai để tìm hiểu… “Có lẽ ông ngờ tôi có điều gì mắc mứu với Công ty mà viết nên chăng. Thực ra thì những điều tôi viết trong tâm thư chỉ mới là một phần sự thật hiện nay của ngành cà phê. Và tại các hội nghị của TCT, tôi cũng đã nhiều lần nêu ra. Trả lời báo chí, tôi khẳng định mình có đủ tài liệu để chứng minh và sẵn sàng đối chất với lãnh đạo ngành. Viết tâm thư gửi lên Thủ tướng, tôi hoàn toàn vì cái tâm của mình trước cuộc sống của 30 ngàn công nhân chứ đâu phải vì một động cơ cá nhân nào…”.

Cho đến nay đã hơn 1 năm sau những gì ông Lê Đình Hoàng phản ánh trong tâm thư, tình hình tại các đơn vị thuộc TCT Cà phê vẫn chưa thực sự chuyển biến. Đặc biệt là tiến trình cổ phần hóa vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Thế nhưng “sự nghi ngờ về động cơ” thì vẫn còn trong một số người. Ngay cả bạn bè có người cũng cho ông “làm chuyện bao đồng”. Quả thật nếu cứ giữ cái “tôi”, hàng tháng lĩnh lương, gói trọn chức trách trong việc thăm nom, hiếu hỷ để trong mắt công nhân và người lao động, ông chỉ là một cán bộ bình thường. Làm một cán bộ bình thường thì có gì để nói…

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.