Chuyện ít biết về năm 1946 lần đầu Võ Nguyên Giáp đến Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đầu năm 1946, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên đặt chân đến Gia Lai. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/2021) và cũng đúng 75 năm sự kiện này diễn ra, chúng tôi đã cố công tìm hiểu thời điểm cụ thể “lần đầu tiên” ấy là vào lúc nào.
Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) viết về sự kiện lịch sử này: “Đầu tháng 1-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kiểm tra tình hình (…) và truyền đạt chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ cho các chiến khu và các tỉnh. Ở Pleiku, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức nói chuyện với một số đơn vị vũ trang (…). Tiếp thu ý kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tỉnh ủy và chính quyền Gia Lai chủ trương lấy vùng Hà Bầu để xây dựng căn cứ…”.
Lúc này, Võ Nguyên Giáp chưa là Đại tướng mà đang là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Bác Hồ phái vào phía Nam với tư cách “đại biểu Chính phủ” như tư liệu đã viết.
Trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” (Tổng tập hồi ký, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2010), Đại tướng viết (lược trích): “Tôi rời Hà Nội ngày 18 tháng Giêng (…). Ngày 20 vô Huế (…). Ngày 23 tôi tiếp tục từ Quảng Ngãi đi vào (…). Tôi đi Ninh Hòa (…). Suốt ngày hôm đó địch tấn công. Những xe bọc thép của chúng đang định thọc qua Ma Đ’rắc tiến xuống Ninh Hòa (…). Hai ngày sau chúng tôi tới Khánh Hòa vào buổi chiều. Giặc Pháp đang tấn công phía Nha Trang (…). Các đồng chí chỉ huy về báo cáo tình hình, bàn kế hoạch tác chiến (…). Ở Khánh Hòa chúng tôi đã nhận được thêm nhiều tin tức về tình hình khẩn trương của mặt trận Nam Bộ (…). Tôi chỉ mới tới được Khánh Hòa thì có điện của Bác gọi quay ra. Trở lại Sông Cầu, tới Quy Nhơn, chúng tôi rẽ lên thăm mặt trận Tây Nguyên (…). Qua đèo Măng Giang, đến Pleiku (…). Chúng tôi dừng lại Pleiku nói chuyện với đồng bào và bộ đội (…). Buổi trưa đi tiếp lên Kon Tum (…). Chúng tôi nghỉ lại Kon Tum đêm hôm đó; sáng sau, quay ra sớm theo đường An Khê. Tối ba mươi Tết, xe đến chân đèo Hải Vân”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm xã Gào (TP. Pleiku) năm 1979. Ảnh: Đức Thanh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm xã Gào (TP. Pleiku) năm 1979. Ảnh: Đức Thanh
Lần theo ghi chép trên, có thể tính được thời điểm ông đặt chân đến Gia Lai như sau: Ngày 18-1-1946 ra đi từ Hà Nội. Ngày 20-1 đến Huế. Ngày 23-1 từ Quảng Ngãi đi vào (tức vào Bình Định, Phú Yên). Đến đây không thấy ghi thời điểm nữa, nhưng người đọc có thể đoán định tại 2 địa phương ấy cũng phải mất 3 đến 4 ngày, tức đến khoảng ngày 26 hoặc 27-1 mới đi tới Ninh Hòa. Tại Ninh Hòa, gặp chiến sự đang xảy ra ở M’Drak phải lưu lại 2 ngày để xử lý, tức là phải đến khoảng ngày 28 hoặc 29-1 mới rời Ninh Hòa vào Khánh Hòa. Tại đây, gặp lúc mặt trận đã cận kề và bề bộn, chắc chắn phải ở lại chỉ đạo và giải quyết công việc không thể trong 1 ngày. Nghĩa là thời gian lưu lại Khánh Hòa phải đến ngày 29 hoặc 30-1.
“Tôi chỉ mới tới được Khánh Hòa thì có điện của Bác gọi quay ra”! Có nghĩa là khoảng ngày 29 hoặc 30-1 thì rời Khánh Hòa quay ngược lại. Từ Khánh Hòa đến Quy Nhơn (khoảng trên 200 km), rồi theo quốc lộ 19 lên Pleiku (trên 160 km). Với quãng đường gần 400 cây số ấy thì phải đi trọn 1 ngày mới đến Pleiku và dĩ nhiên phải nghỉ đêm tại Pleiku để sáng hôm sau, tức khoảng ngày 30 hoặc 31-1 mới “nói chuyện với đồng bào và bộ đội” tỉnh Gia Lai đến trưa.
Đất và người Gia Lai cách đây 75 năm được hồi ký của Đại tướng ghi lại: “Tới An Khê, một vùng cao nguyên mênh mông hiện ra trước mắt. Nơi đây, xưa kia, Nguyễn Huệ đã dựng cờ khởi nghĩa. Qua đèo Măng Giang, đến Pleiku. Đồng bào phần lớn là người dân tộc Gia Rai. Tại tỉnh lỵ có nhiều người Kinh. Bộ đội đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đóng quân dã chiến ngoài thị xã (…). Các chiến sĩ sục sôi khi nghe kể những gương chiến đấu ở mặt trận và tỏ vẻ nóng lòng chờ đón giờ phút được tiêu diệt quân thù”.
Chi tiết “Tối ba mươi Tết xe đến chân đèo Hải Vân” trong hồi ký của Đại tướng đã khẳng định thời điểm ông rời Pleiku đến Kon Tum phải là ngày 31-1-1946 và rời Kon Tum là ngày 1-2-1946. Bởi theo sách “Lịch Việt Nam 1901-2010” (Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 1992) thì năm ấy ngày 30 Tết (Ất Dậu qua Bính Tuất) rơi vào ngày 1-2. Với đoạn đường từ Kon Tum đến đèo Hải Vân theo đường vòng quốc lộ 14-quốc lộ 19-quốc lộ 1A dài chừng trên 450 cây số thì chắc chắn là đi trọn một ngày sang đêm.
Như vậy, vì chỉ là “đoán định” nên phải nói kiểu nước đôi “hoặc ngày…”. Nhưng đến đây có thể nói, lần đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với Gia Lai là vào chiều tối 30-1-1946 và rời Gia Lai vào trưa 31-1, tức là vào những ngày cuối cùng của năm Ất Dậu.
TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.