Chuyển hướng kiểm tra đánh giá theo định dạng đề thi Tốt nghiệp THPT mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để giúp học sinh làm quen với cấu trúc của đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, một số địa phương đã ra đề kiểm tra, tổ chức thi khảo sát theo định dạng câu hỏi mới.
Từ năm 2025, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ có sự điều chỉnh về nội dung và định dạng đề thi. (Ảnh: TTXVN)

Từ năm 2025, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ có sự điều chỉnh về nội dung và định dạng đề thi. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa và cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, một số địa phương đã có sự điều chỉnh trong dạy và học cũng như kiểm tra đánh giá phù hợp với yêu cầu mới.

Hôm nay, 12/3, Hà Nội đã lần đầu tiên tổ chức kỳ thi khảo sát cho khoảng 100.000 học sinh lớp 11 nhằm giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025. Trước đó, kỳ thi khảo sát chỉ được Hà Nội thực hiện với học sinh lớp 12.

Trước đó, tỉnh Nam Định cũng đã xây dựng đề thi theo định dạng đề thi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thử nghiệm trên 1.000 học sinh lớp 10 và 11.

Không chỉ riêng Hà Nội, Nam Định, việc nghiên cứu và thử nghiệm ra đề thi theo định dạng đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 đã được nhiều địa phương triển khai khi đây là năm đầu tiên học sinh sẽ dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông theo định dạng đề thi mới, với nội dung mới – chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có sự thay đổi trong cấu trúc đề với việc xuất hiện thêm hai dạng câu hỏi trắc nghiệm mới là trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn thay vì chỉ có duy nhất một hình thức câu hỏi trắc nghiệm chọn một trong 4 đáp án như trước đây. Mức điểm cho các câu trả lời cũng có sự khác nhau tùy theo độ khó, dễ thay vì chia đều cùng một mức điểm. Nội dung câu hỏi theo đúng định hướng của chương trình giáo dục phổ thông là kiểm tra đánh giá năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào giải bài toán thực tiễn của học sinh.

Các địa phương nỗ lực để giúp học sinh làm quen với định dạng đề thi mới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Các địa phương nỗ lực để giúp học sinh làm quen với định dạng đề thi mới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết từ cuối năm 2023, Ninh Bình đã tổ chức hội nghị giáo viên cốt cán các bộ môn để nghiên cứu để minh họa, lấy ý kiến các thầy cô giáo về các nội dung liên quan đến từng môn.

Các ý kiến giáo viên đều nhận định các câu hỏi trong đề thi kiểm tra toàn diện kiến thức, học sinh không thể học tủ mà phải học rộng, học đủ mới trả lời được các câu hỏi. Câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn đủ sâu để đánh giá được khả năng tư duy, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Việc phân bổ điểm ở các câu hỏi với các mức điểm khác nhau là hợp lý.

Theo ông Khâm, đề minh họa và cấu trúc định dạng đề thi có tác động rất mạnh đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Giáo viên phải dạy kỹ, dạy đủ, giúp học sinh vững vàng kiến thức, tư duy mạch lạc mới có thể làm tốt bài thi.

Từ những nghiên cứu này, Ninh Bình đã triển khai việc dạy học, kiểm tra đánh giá theo dạng đề mới. “Hiện nay các trường Trung học phổ thông ở Ninh Bình cơ bản đã triển khai kiểm tra đánh giá theo định dạng câu hỏi thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo,” ông Khâm nói.

Là một tỉnh miền núi với nhiều khó khăn thách thức hơn, bà Hà Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho hay đầu năm nay, tỉnh đã tổ chức hội thảo với tất cả các trường Trung học phổ thông về những vấn đề khó trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chương trình mới để nắm bắt thực tiễn từ cơ sở.

Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn cũng đã có văn bản yêu cầu các trường nghiên cứu kỹ, phân tích ma trận đề thi minh họa của Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để làm cơ sở xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đề thi cho kỳ kiểm tra đánh giá của lớp 10. Trên cơ sở kết quả phân tích, nghiên cứu đề minh họa, Lạng Sơn có định hướng sơ bộ để hướng dẫn giáo viên trong kỹ năng xây dựng ngân hàng đề thi, đặc biệt là các dạng thức câu hỏi ngắn.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, sự chủ động chuyển hướng trong kiểm tra, đánh giá thích ứng với định dạng đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông mới của các địa phương là điều cần nhân rộng. Việc áp dụng các dạng thức câu hỏi mới trong các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ ngay trong các nhà trường giúp học sinh làm quen và tạo bước đệm cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông theo chương trình mới từ năm 2025.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà trường trong hoạt động này, Thứ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Thường xuyên sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành hướng dẫn các sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phổ thông về nội dung kiểm tra, đánh giá theo định dạng cấu trúc đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, tổ chức kiểm tra thực tế và định hướng chuyên môn cho các cơ sở giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.