(GLO)- Chiều 30-3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án hồ chứa nước Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh). Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Chư Pưh.
Dự án hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai làm chủ đầu tư và được khởi công xây dựng ngày 28-8-2019. Dự án có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 160 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga sau khi đầu tư xây dựng có dung tích chứa hơn 10 triệu m3 nước với diện tích mặt nước khoảng 130 ha. Dự án gồm các cụm công trình đầu mối, đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, hệ thống kênh và công trình trên kênh chính, kênh nhánh N1, N2, N4 và các công trình phụ trợ khác.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ phục vụ nước tưới cho 620 ha lúa và 1.000 ha cây công nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt cho 19.000 người dân của huyện Chư Pưh ở thời điểm hiện tại và nâng lên 28.300 người vào năm 2035. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước lớn sẽ tạo điều kiện phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái cũng như cắt giảm một phần lưu lượng đỉnh lũ cho vùng hạ du.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 4 từ phải sang) chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nhằm phát huy hiệu quả công trình hồ chứa nước Plei Thơ Ga. Ảnh: Nguyễn Quang |
Theo kế hoạch, Dự án thực hiện trong 2 năm (2019-2020). Tuy nhiên, trong năm 2020, mưa bão liên tục dẫn đến việc thi công, chặn dòng muộn hơn so với kế hoạch. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Theo ông Nguyễn Năng Dũng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, tính đến nay, khối lượng thi công ước đạt khoảng 95%. Cụ thể, Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính như: đập đất, cống lấy nước; hoàn thành 90% tràn xả lũ; hoàn thành toàn bộ hệ thống kênh mương. Còn các hạng mục như: mái thượng lưu đập, mái hạ lưu đập, đỉnh đập, nhà tháp, nhà quản lý… đang thi công. Theo dự kiến, đến ngày 30-5-2021, Dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Qua kiểm tra thực tế và nghe chủ đầu tư báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của nhà thầu khi đã khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ công trình. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư cần đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành kiểm tra tiến độ Dự án hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga. Ảnh: Nguyễn Quang |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Đây là vùng đất khô cằn và để có được công trình thủy lợi quy mô như thế này không phải dễ. Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả công trình này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tính toán đưa vào kế hoạch đầu tư công nhằm hoàn thiện hệ thống kênh mương trong thời gian tới. Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Chư Pưh cần tính toán xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển sản xuất, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ. Đồng thời, nhanh chóng triển khai trồng lại rừng, cây xanh, cây ăn quả xung quanh khu vực hồ chứa để góp phần phủ xanh, tạo cảnh quan cũng như giữ nước…
Diện tích mặt hồ lớn không những thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản mà còn là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Từ trung tâm huyện vào đây rất gần (chỉ hơn 4 km), đường sá lại rất thuận lợi. Vì vậy, UBND huyện Chư Pưh cần tính toán kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cũng trong chiều 30-3, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra hiệu quả hoạt động công trình thủy lợi Plei Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê). Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, công trình mới chỉ phục vụ tưới cho hơn 100 ha lúa nước, trong khi năng lực tưới theo thiết kế là 500 ha lúa 2 vụ và 100 ha hoa màu.
Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Chư Sê cần tính toán ngay phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để phát huy hiệu quả nguồn nước đang rất dồi dào. Đồng thời, UBND huyện cần đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển các cây trồng phù hợp với địa phương như dưa, đậu đỗ; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
NGUYỄN QUANG