Chư Sê phát huy vai trò tổ tự quản bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng các tổ tự quản bảo vệ môi trường (BVMT) tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã góp phần nâng cao ý thức của người dân, lan tỏa phong trào gìn giữ môi trường xanh-sạch-đẹp.
Đến thăm làng Le Ngol (xã Ia Tiêm), chúng tôi khá ấn tượng với những tuyến đường rực rỡ sắc hoa, sân vườn, nhà cửa của người dân ngăn nắp, sạch sẽ.
Anh Rah Lan Mur-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng Le Ngol-cho biết: Để có sự thay đổi này, trước đó, tổ đã tổ chức nhiều buổi họp dân, tuyên truyền về ý nghĩa của việc trồng hoa, vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Hiện nay, người dân đều tích cực hưởng ứng, tham gia dọn vệ sinh các tuyến đường và các khu vực công cộng vào ngày 15 hàng tháng. Ngoài ra, người dân cũng rất có ý thức giữ gìn vệ sinh sân vườn, nhà cửa và tưới nước cho con đường hoa. Nhờ đó, đường làng sạch sẽ hơn, hoa phát triển tốt.
“Theo tôi, để các hoạt động này tiếp tục được duy trì thường xuyên và hiệu quả thì cần hỗ trợ kinh phí để trồng hoa và tổng dọn vệ sinh hàng tháng”-anh Mur đề xuất.
Thùng chứa rác thải nguy hại ở làng Le Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: Nhật Hào
Thùng chứa rác thải nguy hại ở làng Le Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: Nhật Hào
Tương tự, nhờ tích cực tuyên truyền, Tổ tự quản BVMT làng Thoong Nha (xã Bờ Ngoong) cũng từng bước nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường cho người dân trên địa bàn. Bà Đinh H’Rơih chia sẻ: “Các hoạt động do Tổ tự quản triển khai góp phần tạo ra môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia”.
Ông Lê Quang Chức-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ tự quản BVMT làng Thoong Nha-cho hay: Tổ đã huy động người dân trồng được gần 3 km con đường hoa, hơn 700 m hàng rào xanh và tổ chức được nhiều buổi dọn dẹp vệ sinh đường làng, khu vực công cộng vào ngày 15 hàng tháng.
“Trước đây, dân trong làng chưa có ý thức trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường. Vì thế, tổ đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nên đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động. Cụ thể, thành viên là cán bộ Hội Phụ nữ sẽ phụ trách vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt phong trào “5 không 3 sạch”, trồng và chăm sóc con đường hoa, hàng rào xanh; cán bộ Hội Nông dân vận động bà con bỏ rác thải nguy hại vào thùng rác được UBND huyện cấp, đào hố xử lý rác thải sinh hoạt; cán bộ Đoàn vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm”-ông Chức chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Kpă Dó còn trồng hoa trong sân nhà để tạo sự tươi mới
Người dân chăm sóc hoa trồng trong sân nhà. Ảnh: Nhật Hào
Nói về hiệu quả của Tổ tự quản BVMT làng Thoong Nha, ông Lê Duy Khương-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong-cho biết: Vào các buổi giao ban hàng tháng, UBND xã đôn đốc, hướng dẫn các thành viên cách thức tuyên truyền, vận động; đồng thời, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá kết quả để có hướng dẫn phù hợp. Đến nay, tổ đã vận động được người dân tham gia tổng vệ sinh, trồng con đường hoa, hàng rào xanh, góp phần gìn giữ môi trường ngày càng sạch đẹp hơn.
Trao đổi với P.V, bà Phùng Thị Hà-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê-thông tin: Việc thành lập các tổ tự quản BVMT nhằm góp phần thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 11 tổ tự quản BVMT tại các thôn, làng (mỗi tổ 5-7 thành viên). Các tổ có nhiệm vụ huy động người dân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; trồng cây xanh; con đường hoa, thu gom và xử lý rác thải; kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện hương ước hoặc bản cam kết BVMT và thực hiện pháp luật về BVMT.
Nhằm giúp các tổ hoạt động hiệu quả, Phòng đã đề xuất UBND huyện trang bị cho mỗi tổ 3 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 1 bể đựng rác thải sinh hoạt và được hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình “Con đường hoa”, “Hàng rào xanh”. Phòng cũng hướng dẫn các tổ chọn các thành viên là hạt nhân uy tín nhằm tạo thuận lợi trong tuyên truyền, vận động; thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ thực hiện nhiệm vụ, nhất là hỗ trợ nội dung tuyên truyền về BVMT.
“Các tổ đi vào hoạt động đã góp phần làm cho khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số xanh-sạch-đẹp hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá kết quả mô hình để có hướng nhân rộng nhằm lan tỏa phong trào tự quản BVMT ở cơ sở”-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẳng định.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.