Chư Sê: 4 cán bộ hầu tòa vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 10-7, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử sơ thẩm 4 bị cáo gồm: Trần Văn Lam (SN 1967, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Chư Sê), Trần Xuân Cảnh (SN 1975, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Ko, huyện Chư Sê), Huỳnh Thị Phượng (SN 1980, nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Chư Sê), Lê Văn Toan (SN 1969, công chức Địa chính xã Ia Glai) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 
Gây thiệt hại hơn 174 triệu đồng của dân
Đây là các cán bộ có liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của đối tượng Hà Thị Toan (SN 1980, trú tại tổ 10, thị trấn Chư Sê). Kết quả điều tra xác định, cuối năm 2014, ông Rah Lan Hreo (SN 1961, trú tại làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) nhờ Hà Thị Toan làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho anh Siu Boong (con trai ông Hreo) đối với thửa đất có diện tích 12.443 m2 tại làng Vel, xã Ia Ko. Tuy nhiên, Toan đã không làm các thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ cho anh Siu Boong như đã nhận lời với ông Hreo mà lừa ông này ký khống tên vào một tờ giấy trắng. Sau đó, Toan tự viết giấy sang nhượng đất rẫy vào ngày 2-5-2007 với nội dung “Ông Rah Lan Hreo bán một mảnh đất có diện tích 14.000 m2 đất cho Hà Thị Toan với giá 100 triệu đồng”. Tuy nhiên, tờ giấy này lại không thể hiện địa chỉ thửa đất ở đâu. 
Qua điều tra, ông Hreo khai rằng, do thời điểm đó, Hà Thị Toan có cho ông Hreo mượn 20 triệu đồng. Vì vậy, khi Toan đưa cho ông 1 tờ giấy trắng nói mượn tiền thì phải ký, ghi rõ họ tên ở cuối trang, ông đã tin tưởng ký vào tờ giấy trắng này mà không hề biết rằng sau đó, đối tượng đã điền nội dung sang nhượng đất rẫy vào. 
Các bị cáo Phượng, Lam, Cảnh, Toan (từ trái qua) tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Các bị cáo: Phượng, Lam, Cảnh, Toan (từ trái qua) tại phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Sau đó, Toan đã làm thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ lần đầu với thửa đất cho bản thân và anh Lê Văn Chương (chồng cũ của Toan) đứng tên chủ sử dụng đất. Do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xác minh, thẩm định hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ của Hà Thị Toan nên Lê Văn Toan (thời điểm này là công chức Địa chính xã Ia Ko), Trần Xuân Cảnh (Chủ tịch UBND xã), Huỳnh Thị Phượng (cán bộ thẩm định Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Chư Sê) và Trần Văn Lam (thời điểm này là Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Chư Sê) đã xác nhận hồ sơ của đối tượng Toan và anh Chương đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ.
Sai phạm bắt nguồn từ việc Lê Văn Toan không phát hiện trong giấy sang nhượng đất viết tay không thể hiện thửa đất. Lê Văn Toan cũng không xác minh nguồn gốc, hiện trạng đất mà đã làm danh sách niêm yết công khai tại UBND xã Ia Ko trong thời gian 15 ngày nhưng không niêm yết ở khu dân cư nơi có đất. Sau đó, Lê Văn Toan không ghi 7 nội dung xác nhận của đơn cấp giấy CNQSDĐ mà ký xác nhận với tư cách là công chức Địa chính rồi chuyển cho Cảnh ký. Cảnh cũng không kiểm tra mà ký tên, đóng dấu xác nhận.
Đối với Phượng, khi kiểm tra hồ sơ, thấy giấy sang nhượng đất rẫy có đầy đủ chữ ký của người mua và người bán nhưng do không đọc kỹ nên không phát hiện giấy này không thể hiện địa chỉ thửa đất. Trong hồ sơ cũng không có các tài liệu thể hiện việc xác minh nguồn gốc hiện trạng, công khai hồ sơ của UBND xã Ia Ko nên đã lập phiếu chuyển thông tin địa chính cho Lam. Lam cũng không kiểm tra kỹ hồ sơ, không phát hiện các sai phạm trên nên đã ký tên, đóng dấu xác nhận. 
Theo đó, ngày 12-02-2015, UBND huyện Chư Sê đã cấp giấy CNQSDĐ số BX 418530 cho Hà Thị Toan và Lê Văn Chương trên thửa đất số 10, 11 thuộc tờ bản đồ số 66, diện tích 12.443 m2 của anh Siu Boong. Sau khi được cấp giấy tờ, Hà Thị Toan đã làm thủ tục thế chấp giấy CNQSDĐ này để vay 500 triệu đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình-Chi nhánh Chư Sê. Khi Toan không có khả năng trả nợ, đại diện Ngân hàng đã liên hệ ông Hreo thì ông này mới tá hỏa biết mình bị lừa nên trình báo cơ quan Công an. Hội đồng định giá tài sản sau đó đã kết luận thửa đất trên có giá là 174,202 triệu đồng. Do đó, các bị cáo Lê Văn Toan, Cảnh, Phượng và Lam đã thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả anh Siu Boong mất quyền sử dụng đất có trị giá như trên. 
Phải nhìn nhận trách nhiệm
Tại phiên tòa, ở phần xét hỏi, các bị cáo Toan, Cảnh, Lam đều cho rằng mình đã làm hết chức trách, nhiệm vụ, không tư lợi cá nhân. Các bị cáo thừa nhận đã có thiếu sót nhưng đó là lỗi khách quan, người khác làm ở vị trí đó cũng sẽ mắc phải nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
“Thời điểm đó, tôi đã kiểm tra hồ sơ và thấy đủ các loại giấy tờ nên ký xác nhận. Hồ sơ nào tôi cũng đều kiểm tra và làm như vậy hết, chỉ có hồ sơ này do dính dáng đến vụ lừa đảo nên chúng tôi mới bị cho là thiếu trách nhiệm”-bị cáo Lam trình bày.
Còn bị cáo Cảnh cho hay: “Thực sự tôi tin tưởng vào cán bộ địa chính, chứ tôi cũng không rõ sai ở đâu, tôi vừa làm vừa phải học”. Trong khi đó bị cáo Toan giải thích rằng mình mới luân chuyển đến nhận nhiệm vụ nên không nắm rõ thực địa, không cố ý mà chỉ là nguyên nhân khách quan. 
Đối tượng Hà Thị Toan được triệu tập đến phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Đối tượng Hà Thị Toan được triệu tập đến phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Hồng nhấn mạnh: “Bị cáo Cảnh là Chủ tịch UBND xã mà lại nói rằng vừa làm vừa học, lại không biết mình sai ở đâu thì có xứng đáng làm Chủ tịch UBND xã hay không”.
Kiểm sát viên Doãn Thị Chúc-đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện quyền công tố tại phiên tòa cũng khẳng định: “Các bị cáo phải nhìn nhận vấn đề chứ không được loanh quanh, nhận thức mơ hồ như vậy. Đó đều là các công việc mà các bị cáo phải làm nhưng đã không làm, chữ ký của các bị cáo đã tiếp tay cho Hà Thị Toan lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân. Bị cáo Lê Văn Toan phải chịu trách nhiệm nặng nhất vì đã nhận nhiệm vụ nhưng không quản lý thực địa trong địa bàn của mình, đó là nhiệm vụ chính, quan trọng nhất của cán bộ địa chính. Các bị cáo khác cũng không kiểm tra kỹ hồ sơ, không phát hiện sai phạm thì đó là chủ quan chứ không phải khách quan nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Nếu các bị cáo cố ý thì đã bị truy tố tội danh khác chứ không phải thế này”. 
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Toan 30 tháng cải tạo không giam giữ; Cảnh 24 tháng cải tạo không giam giữ; các bị cáo Phượng và Lam bị áp dụng hình phạt tiền với mức 30 triệu đồng/bị cáo. Riêng Toan và Cảnh bị khấu trừ 5% lương trong khoảng thời gian chấp hành án… Đối với Hà Thị Toan, Tòa án nhân dân tỉnh sẽ đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong thời gian tới. 
LÊ VĂN NGỌC 

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.