Chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với phụ nữ, ung thư cổ tử cung là nỗi ám ảnh thường trực. Đây cũng chính là căn bệnh nguy hiểm mà nhiều phụ nữ đã mắc phải và tử vong. Ngoài các biện pháp khác thì chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng tiêm phòng vắc xin HPV là một trong những biện pháp thiết thực, hiệu quả.

Hết sức đau buồn vì con gái vừa qua đời do bệnh ung thư cổ tử cung cách đây hơn 1 tháng, bà N.K.T. (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: “Cháu vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người. Năm ngoái, khi thấy những dấu hiệu bất thường, gia đình lập tức cho cháu đi TP. Hồ Chí Minh khám bệnh. Khi bác sĩ cho biết cháu bị ung thư cổ tử cung, cả nhà tôi không tin đó là sự thật. Cháu còn trẻ, chưa lập gia đình, vậy mà…”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân-Trưởng khoa Kiểm soát Dịch bệnh (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh), cho biết: Với sự tiến bộ của y học hiện đại, việc xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự hiện diện của 14 chủng HPV nguy cơ cao, trong đó 2 chủng HPV 16 và 18 gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Theo nghiên cứu, 99,7% người mắc ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của vi rút HPV. Chính vì vậy, tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung đối với phụ nữ giai đoạn từ 9 đến 26 tuổi, bất luận có quan hệ tình dục hay không, là việc nên làm. Tuy nhiên, việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, chưa quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao. Những phụ nữ dưới 40 tuổi và đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc xin HPV nhưng lúc này tác dụng phòng bệnh của thuốc bị giảm đáng kể.

Theo bác sĩ Xuân, không phải ai cũng hiểu biết cặn kẽ về tiêm vắc xin ngừa nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung. Hiện có 2 loại vắc xin gồm Cervarix-vắc xin nhị giá ngừa nhiễm HPV tuýp 16 và 18; tiêm 3 mũi đủ bảo vệ, lịch tiêm là 0, 1, 6 tháng. Loại vắc xin thứ hai là Gardasil-vắc xin tứ giá có khả năng phòng ngừa vi rút HPV tuýp 16, 18 và HPV tuýp 6, 11 (gây bệnh sùi mào gà); tiêm 3 mũi đủ bảo vệ, lịch tiêm là 0, 2, 6 tháng. Kết quả phòng ngừa sẽ kéo dài sau khi tiêm 3 mũi vắc xin kể trên. Hiện chưa có khuyến cáo phải tiêm nhắc lại sau khi đã hoàn thành đủ 3 mũi. Không tiêm ngừa vắc xin cho phụ nữ trong thời gian mang thai.

Bác sĩ Xuân cho biết: Việc tiêm phòng vắc xin không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. HPV có khoảng 120 tuýp khác nhau, trong đó có 30-40 tuýp HPV liên quan đến tổn thương đường sinh dục. Tuy nhiên, nhiễm HPV tuýp 16, 18 là những nguyên nhân thường gặp gây ung thư và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo; HPV tuýp 6, 11 dễ gây mụn cóc sinh dục… Chính vì vậy, sau khi tiêm ngừa vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung. Để tiêm phòng vắc xin, người dân có thể liên hệ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh (địa chỉ 98 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku).

Cũng như các loại ung thư khác, việc phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu sẽ giúp cho việc điều trị dễ dàng và có kết quả tốt nhất. Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Khi gặp những biểu hiện như chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng xương chậu, dịch âm đạo bất thường, mệt mỏi, thay đổi thói quen đi tiểu… cần nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.