Chủ động phòng-chống sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa mưa là thời điểm muỗi sinh sôi và truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH). Ngành Y tế Gia Lai đang tích cực vào cuộc phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương và huy động người dân triển khai các biện pháp phòng ngừa, không để dịch bệnh lây lan.


Tăng cường biện pháp phòng ngừa

Bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 164 ca mắc SXH, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2020. Số ca mắc tập trung tại các huyện: Krông Pa, Phú Thiện, TP. Pleiku và thị xã Ayun Pa. Dịch bệnh xảy ra tại 47 xã, phường, thị trấn của 15/17 huyện, thị xã, thành phố.

Nhân viên y tế phường Phù Đổng (TP. Pleiku) phát tờ rơi tuyên truyền phòng-chống sốt xuất huyết đến người dân. . Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế phường Phù Đổng (TP. Pleiku) phát tờ rơi tuyên truyền phòng-chống sốt xuất huyết đến người dân. Ảnh: Như Nguyện

Mặc dù số ca mắc SXH giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng-chống dịch bệnh. Gia Lai hiện đã bước vào mùa mưa, diễn biến thời tiết mưa nắng đan xen, cùng với tập quán tích trữ nước sinh hoạt của người dân, việc vệ sinh môi trường, thu gom vật dụng phế thải chứa nước không được chú ý là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi làm bùng phát dịch bệnh SXH. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, làm ăn của người dân giữa các vùng, miền làm phát tán nguồn lây bệnh, khiến tình hình dịch diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. “Đây là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây chết người. Vì vậy, các ngành, địa phương và người dân cần chủ động phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng-chống SXH”-bác sĩ Hồ Ngọc Gia nhấn mạnh.

Số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay giảm một phần là do ngành Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là chủ động giám sát chỉ số mật độ muỗi để khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao và triển khai các biện pháp xử lý triệt để. Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đôn đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tích cực xử lý các ổ dịch SXH, không để bệnh bùng phát, lây lan rộng. Đồng thời, các bệnh viện tăng cường giám sát nên sớm phát hiện ca bệnh và xử lý kịp thời. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát bệnh nhân tại địa bàn quản lý của đơn vị mình, trong đó, chú ý các ổ dịch SXH cũ để nhận định những vùng có nguy cơ mắc và chủ động phòng-chống.

Không chủ quan với bệnh SXH

Bác sĩ Trần Bá Thanh-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Yang-thông tin: Từ đầu năm đến nay, huyện ghi nhận 10 ca mắc SXH. Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sẵn sàng dập dịch. Bên cạnh đó, đơn vị chủ động kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân.

Trung tâm Y tế huyện Mang Yang chủ động trong thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Như Nguyện
Trung tâm Y tế huyện Mang Yang chủ động trong thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Như Nguyện

Từ đầu năm đến nay, huyện Krông Pa ghi nhận 35 ca mắc SXH, đứng đầu toàn tỉnh. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho hay: Trung tâm Y tế huyện thường xuyên triển khai giám sát dịch tễ ca bệnh SXH, di biến động của người dân, đối tượng dễ mắc bệnh để kịp thời xử lý ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thu dung, điều trị bệnh nhân SXH cũng như vật tư, hóa chất phòng-chống dịch. Cán bộ Trung tâm liên tục điều tra chỉ số mật độ muỗi đánh giá khu vực nguy cơ để khoanh vùng xử lý và định kỳ xuống các tổ dân phố tuyên truyền, huy động người dân vệ sinh môi trường. “Hiện nay, ý thức của người dân trong phòng-chống dịch bệnh SXH đã được nâng cao. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự chung tay của cộng đồng phòng-chống SXH”-bác sĩ Bửu nói.

Trao đổi về nhiệm vụ trong thời gian tới, bác sĩ Hồ Ngọc Gia cho hay: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ưu tiên kiện toàn nhóm chuyên viên SXH tỉnh, nhóm chuyên trách kiêm nhiệm tuyến huyện và cán bộ chuyên trách của trạm y tế thực hiện công tác phòng-chống SXH tại cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở vào công tác phòng-chống; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào chiến dịch diệt lăng quăng. Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát dịch tễ, véc tơ, huyết thanh, vi rút tại các bệnh viện, những vùng có ổ dịch cũ và những vùng có nguy cơ xảy ra dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế, cộng tác viên và người dân về phát hiện ổ dịch, xử lý ổ lăng quăng tại nơi công cộng và hộ gia đình cũng như làm tốt công tác xã hội hóa phòng-chống SXH.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm