Tại các khu cách ly tập trung ở Thừa Thiên - Huế, các cán bộ chiến sĩ quân đội quan tâm, giúp đỡ người đến cách ly như với người ruột thịt. Những câu chuyện về tình quân dân tại đây khiến không ít người chứng kiến xúc động.
Vượt qua nỗi sợ
Vào ngày 20/3, có 11 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh Covid-19 thứ 30 (là nữ du khách người Anh) được rời điểm cách ly Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế để về nhà sau khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày. Chị T.D.Q (trú huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) kể, sau khi biết mình là trường hợp F1 của ca Covid-19 thứ 30, chị rất hoang mang. Khi được đưa đến khu cách ly Trường Quân sự tỉnh, chị nghĩ mọi chuyện sẽ rất tồi tệ với mình.
|
Cán bộ chiến sĩ phục vụ tại nhà bếp khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế và các tình nguyện viên mang cơm cho người cách ly. |
“Nhưng rồi những ngày ở khu cách ly em đã vượt qua nỗi sợ hãi nhờ các cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn đồng cảm, chia sẻ, động viên. Một lần nữa xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những cán bộ chiến sĩ đã tận tình chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ em và mọi người cách ly trong những ngày qua”, chị Q bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị H (xã Lộc Bổn, Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cùng 2 đứa con nhỏ 3 tuổi và 1 tuổi được đưa đến cách ly tại Trường Quân sự tỉnh sau khi trở về từ Lào hôm 19/3. Chị H kể, chồng chị làm nghề sửa chữa ô tô ở Lào nên 3 mẹ con chị cũng qua Lào sinh sống. Vừa rồi chị trở về quê thì cả 3 mẹ con được đưa đi cách ly.
|
Người cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế nhận những suất cơm và thức ăn chất lượng từ bộ đội và cách tình nguyện viên. |
“Mình có 2 con nhỏ nên ban đầu lo sợ khi vào khu cách ly sẽ gặp khó khăn, nhất là chuyện ăn uống của con cái. Không ngờ khi vào đây các cháu ăn cháo, súp hay cơm gì cũng được các chú ấy sẵn sàng phục vụ. Mình cảm động đến rơi nước mắt vì được các cán bộ chiến sĩ quan tâm tận tình”, chị H xúc động.
Bà Nguyễn Thị T (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên -Huế) cũng được đưa vào cách ly tại Trường Quân sự tỉnh từ ngày 19/3 ngay sau khi trở về từ Lào. Bà T bảo, trên đường từ Lào trở về, nghe thông tin là sẽ phải vào khu cách ly tập trung, bà lo sợ vào đó mình sẽ bị kỳ thị. Bà không ngờ khi vừa bước chân đến cổng điểm cách ly bà đã được các cán bộ chiến sĩ hỏi thăm tận tình và giúp đỡ như chính những người thân trong gia đình.
“Tình cảm của các chú bộ đội dành cho những người cách ly khiến tôi và mọi người nhận ra rằng không ở đâu bằng ở Tổ quốc mình”, bà T tâm sự.
Dân ăn ngon là anh em quên hết mệt nhọc
Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện là điểm tập trung số người cách ly nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Hơn 10 ngày nay, binh nhất Sỹ Cửu Minh Công của Đại đội 594 Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh được điều động về Trường Quân sự tỉnh phục vụ các bữa ăn cho người cách ly tại đây. Việc hàng ngày của anh Công là cùng những người phục vụ tại nhà bếp nấu nướng và mang thức ăn đến cho những người bị cách ly.
|
Thượng tá Ngô Nam Cường- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế kiểm tra công tác chuẩn bị bữa ăn cho người cách ly tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh. |
Anh Công kể, từ khi về tăng cường tại khu cách ly, hàng ngày anh phải dậy sớm hơn và công việc cũng nhiều hơn nhưng anh luôn cảm thấy rất vui. “Mỗi món ăn phục vụ cho người bị cách ly anh em nhà bếp đều làm với tất cả tình yêu thương nên luôn bảo đảm ngon, sạch, bổ dưỡng. Thấy từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng được ăn ngon và có sức khỏe tốt là anh em phấn khởi, quên hết mệt nhọc”, anh Công chia sẻ.
Dù nhà ở cách khu cách ly Trương Quân sự chưa đầy 5 km, nhưng đã nhiều tuần qua đại úy Nguyễn Văn Hóa (cán bộ quân y Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên -Huế) không về nhà thăm vợ con để giành thời gian phục vụ người cách ly.
Công việc hàng ngày của đại úy Hóa và các cán bộ quân y khác là túc trực kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, tuyên truyền vận động người dân cách phòng chống dịch bệnh, tập thể dục để tăng cường sức khỏe…
Khi được hỏi ngày nào cũng tiếp xúc gần với nhiều trường hợp cách ly F1 anh có lo sợ lây bệnh không, anh Hóa tâm sự: “Ở khắp nơi trên thế giới, những người làm trong ngành y đang nỗ lực hết mình để cứu chữa bệnh nhân Covid-19 và có rất nhiều người đã hy sinh thầm lặng. Vì vậy, ngay khi có lệnh cấp trên phân công nhiệm vụ đến điểm cách ly, tôi rất vui vì được góp sức phòng chống dịch trên địa bàn. Chúng tôi luôn xem những người đến cách ly như là người thân trong gia đình mình và tận tâm chăm lo sức khỏe cho họ”.
|
Bộ đội mang thức ăn cho người cách ly tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế. |
Tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện có 7 cán bộ quân y và 16 cán bộ chiến sĩ phục vụ nấu ăn cho người đến cách ly. Đại úy quân y Trần Nhất Tâm có 2 người con nhỏ nhưng nhiều ngày qua anh cũng không có thời gian để về thăm vợ con. Khi số lượng người cách ly tập trung được đưa đến Trường Quân sự tỉnh ngày càng tăng cao thì khối lượng công việc của đại úy Tâm và những cán bộ chiến sĩ tại đây tăng gấp lên nhiều lần.
Vậy nhưng, mỗi lần tiếp xúc với công dân, các cán bộ chiến sĩ vẫn luôn ân cần hỏi thăm về gia đình, động viên mọi người cố gắng thực hiện theo quy định vì sức khỏe của bản thân cũng như của cộng đồng.
Biến nhà hoang thành nơi ở ấm áp
Chúng tôi gặp thượng tá Ngô Nam Cường- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên -Huế tại khu vực nhà bếp Trường Quân sự tỉnh khi ông đang kiểm tra công tác chuẩn bị bữa ăn cho người cách ly.
Thượng tá Cường cho biết, đến cuối tháng 3, có 4 khu cách ly tập trung do Bộ CHQS tỉnh phụ trách, gồm Trường Quân sự tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề số 23, Trung đoàn 176 và Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng Công Thương Việt Nam. Số lượng người cách ly tại các khu này trên 1.000 người, phần lớn là người dân Thừa Thiên-Huế trở về từ Lào.
|
Tình nguyện viên cùng bộ đội chuẩn bị bữa ăn cho người cách ly tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế. |
Để phục vụ cơm nước miễn phí cho hơn 1.000 người tại 4 khu cách ly, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế đã điều động hơn 150 cán bộ chiến sĩ của đơn vị lo nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ngoài ra, có hơn 50 cán bộ chiến sĩ quân y túc trực 24/24h để kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho công dân. Chung sức cùng lực lượng quân đội, nhiều giáo viên, học sinh, đoàn viên thanh niên các địa phương đã tình nguyện đến các khu cách ly để giúp đỡ các chiến sĩ quân đội lo cơm nước cho người cách ly.
Thượng tá Cường kể, Quân khu 4 đã giao cho Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị các khu cách ly cho khoảng 8.000-10.000 người. Hiện Bộ CHQS tỉnh đã chuẩn bị được các khu cách ly đảm bảo cho khoảng 5.000 người và đang tích cực triển khai thêm các khu vực khác. Đã có nhiều ngày liền hàng trăm cán bộ chiến sĩ thức trắng đêm để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đón tiếp người đến cách ly.
Như tại khu cách ly Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng Công Thương Việt Nam, 200 cán bộ chiến sĩ phải làm quần quật suốt ngày, tính ra là hơn 1.000 ngày công. Nhờ vậy, từ chỗ là khu nhà bỏ hoang lâu năm, nơi đây sẽ trở thành chỗ ăn ở sạch sẽ cho khoảng 1.500 người cách ly.
Sau khi kiểm tra kỹ khu vực nhà bếp và chỉ đạo các cán bộ chiến phải luôn bảo đảm vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho người cách ly, thượng tá Cường khẳng định với chúng tôi: “Anh em quân đội luôn coi các công dân đến cách ly như người thân yêu ruột thịt của mình và phục vụ chu đáo mọi thứ để bà con an tâm cách ly, bảo đảm sức khỏe. Riêng về ăn uống, luôn bảo đảm bữa ăn của bà con chất lượng hơn cả bữa ăn của cán bộ chiến sĩ”.
Ngày 29/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ đã tặng bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân trong quân đội đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch. Tiếp đó, ngày 30/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế trao bằng khen cho 4 cá nhân gồm trung tá Hoàng Anh Tuấn (Chủ nhiệm hậu cần Bộ CHQS tỉnh), đại úy Nguyễn Trung Giang (Trưởng khoa Y Dược Trường Cao đẳng nghề số 23 Bộ CHQS tỉnh), đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hóa (nhân viên quân y Trường Quân sự Bộ CHQS tỉnh), Thiếu úy Lê Ngọc Hiếu (Trung đội trưởng Trung đội Cối 82, Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 6 Bộ CHQS tỉnh) vì có thành tích xuất sắc trong công tác trong phòng, chống dịch Covid-19. |
Theo An Sơn (Dân Việt)