(GLO)- Sáng 1-8, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức hội nghị sơ kết kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu gỗ trên địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Phước và triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên ở địa bàn Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Lê Chiêm-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đề nghị các tỉnh cùng với lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm cần phát huy hết trách nhiệm trong việc đấu tranh chống buôn lậu gỗ và bảo vệ rừng…
Gỗ lậu trên biên giới bị lực lượng Biên phòng bắt giữ. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Diễn biến phức tạp
Theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh-Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong năm 2015 và đầu năm 2016, tình hình khai thác, cất giấu, buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới diễn biến phức tạp tại địa bàn biên giới các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và Bình Phước, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực biên giới và làm thất thu thuế Nhà nước. Để khai thác, buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới, các đối tượng thường móc nối với đối tượng ở ngoại biên, tập kết gỗ gần biên giới với số lượng lớn rồi lợi dụng điều kiện tự nhiên về địa hình, thời tiết và sự sơ hở của lực lượng chức năng để chuyển gỗ về Việt Nam. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng lợi dụng việc được phép kinh doanh, nhập khẩu và được phép tận thu gỗ… đã hợp thức hồ sơ, quay vòng hóa đơn để vận chuyện gỗ về Việt Nam. Nhiều đối tượng còn lợi dụng xe chở khách và xe hàng qua lại Lào rồi gia cố, chế tạo ngăn thùng xe để bí mật cất giấu gỗ quý…
Tại Campuchia, lợi dụng các dự án chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã khai thác, tập kết lượng gỗ lớn trên tuyến biên giới huyện Tè Veng và Đun Mia (Ratanakiri), sau đó tìm mọi cách đưa vào Việt Nam… Các hoạt động trên đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu gỗ của lực lượng chức năng trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, thời gian qua, trên địa bàn vẫn còn tình trạng người dân khu vực biên giới và công nhân các công ty cao su cất giấu, vận chuyển gỗ trái phép ở mức độ nhỏ lẻ. Đồng thời, công tác nắm tình hình ngoại biên của các lực lượng chức năng chưa kịp thời dẫn đến chậm phát hiện các điểm tập kết gỗ gần khu vực biên giới Lào-Việt Nam thuộc huyện Đak Glei với khối lượng 1.200 m3 gỗ.
Riêng địa bàn Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cho rằng, công tác đấu tranh chống buôn lậu gỗ trên biên giới còn nhiều khó khăn do đời sống của nhân dân khu vực biên giới còn bấp bênh. Bên cạnh đó, phương tiện truy đuổi cũng như công cụ hỗ trợ để trấn áp đối tượng vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ...
Trung tướng Lê Chiêm đánh giá: Tình trạng khai thác gỗ trái phép thời gian qua gây tác hại rất lớn về kinh tế-xã hội và vô cùng nguy hiểm đối với môi trường quân sự ở địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. |
Tăng cường chống buôn lậu gỗ và bảo vệ rừng
Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã xây dựng và chỉ đạo triển khai quyết liệt Kế hoạch 963/KH-BTL, ngày 4-4-2016, về đấu tranh chống buôn lậu gỗ tại một số địa bàn trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên và Bình Phước. Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã độc lập, chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 112 vụ/98 đối tượng, tạm giữ trên 2.123 m3 gỗ các loại (tăng 97,2% so với khi chưa thực hiện kế hoạch) và nhiều phương tiện các loại, trị giá tang vật khoảng 18,2 tỷ đồng (trong đó, Bộ đội Biên phòng chủ trì bắt giữ 70 vụ/84 đối tượng và phối hợp bắt giữ 42 vụ/14 đối tượng). Đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 54 vụ/51 đối tượng (16 vụ vô chủ), phạt tiền trên 151 triệu đồng, số tiền bán tang vật khoảng 950 triệu đồng; bàn giao cơ quan chức năng xử lý 48 vụ/29 đối tượng và đang điều tra xác minh 7 vụ/23 đối tượng.
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hoạt động khai thác, buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ trên địa bàn biên giới sẽ còn diễn biến phức tạp vì nhu cầu, thị hiếu dùng gỗ tự nhiên của người dân tăng cao và hoạt động này vẫn đem lại lợi nhuận cao. Hơn nữa, gỗ còn tồn ứ, tập kết với số lượng lớn ở ngoại biên đối diện và không loại trừ một lượng lớn có thể còn cất giấu trong rừng… Do đó, thời gian tới, lực lượng chức năng ở các địa phương cần tiếp tục triển khai các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu gỗ, trong đó, tập trung vào địa bàn trọng điểm, những địa bàn mà việc vận chuyển gỗ ít bị ảnh hưởng trong mùa mưa; rà soát địa bàn, phát hiện những điểm khai thác, cất giấu gỗ…
Về nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm thẳng thắn đề nghị: “Lãnh đạo các địa phương cần ngồi lại kiểm điểm xem việc thực hiện các quy chế phối hợp thời gian qua như thế nào? Chúng ta có lực lượng hùng mạnh như thế mà tại sao gỗ vẫn cứ mất, biên giới cứ tuồn gỗ về? Công tác kiểm điểm phải thực hiện nghiêm túc, nếu cá nhân nào có dấu hiệu sai phạm phải xử lý và nếu cán bộ không đảm đương được nhiệm vụ của mình phải thay…”. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh: UBND các tỉnh và lực lượng Biên phòng cần chủ động triển khai nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị giao ban về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên. Đồng thời, lãnh đạo các tỉnh cùng với lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm cần kiểm tra lại diện tích rừng trên khu vực biên giới; phát huy hết trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống buôn lậu gỗ và bảo vệ rừng…
Anh Huy