Các nhà khoa học Anh đã thành công trong việc chỉnh sửa gien của những con muỗi gây bệnh sốt rét trong phòng thí nghiệm để không cho chúng sinh sản, nhằm loại trừ căn bệnh này.
Ảnh: ShutterStock |
Công trình nghiên cứu này của Đại học Hoàng gia London (Anh) đã được trích đăng trên Fox News ngày 26/9.
Bằng phương pháp này, các nhà khoa học đã ngăn chặn được sự sinh sôi của muỗi Anopheles gambiae lây truyền bệnh sốt rét ở vùng Châu phi hạ Sahara.
“Đột phá này cho thấy công nghệ chỉnh sửa gien trên đã phát huy hiệu quả, mang hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh sốt rét - một gánh nặng y tế của thế giới trong nhiều thế kỷ qua. Cách thức trên sẽ loại bỏ được sốt rét vào một ngày nào đó. Chúng tôi đang đi đúng hướng”, giáo sư Andrea Crisanti, người đứng đầu nghiên cứu, nói trên tạp chí Nature Biotechnology.
Giáo sư Crisanti đánh giá có thể sẽ mất ít nhất 5-10 năm nữa những con muỗi biến đổi gien này mới được thử nghiệm thả ra rộng rãi trong cộng đồng.
Đầu năm nay, các nhà khoa học của Đại học Johns Hopkins (Anh) cũng đã thực hiện một nghiên cứu sử dụng công nghệ gien để phát triển những con muỗi kháng lại bệnh sốt rét, theo Fox News.
Theo thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2016, đã có 216 triệu người mắc sốt rét trên thế giới. Trong đó, 445.000 người đã tử vong, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Đỗ Nhi (thanhnien)