Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 với quan điểm phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để trở thành trung tâm khoa học và công nghệ mạnh, phát triển bền vững; góp phần đẩy mạnh tiềm lực khoa học và công nghệ...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 166/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 với quan điểm phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để trở thành trung tâm khoa học và công nghệ mạnh, phát triển bền vững; góp phần đẩy mạnh tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh của đất nước.

Theo đó, Hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao và đổi mới sáng tạo.

Ảnh nguồn internet

Ảnh nguồn internet

Dẫn đầu khu vực trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, là một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chiến lược đến năm 2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á; một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất đạt trình độ tiên tiến ở châu Á; nâng cao vai trò tư vấn trong công tác quản lý khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh.

Đến năm 2045, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thuộc nhóm hàng đầu trong khu vực, một số lĩnh vực đặc biệt là nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở châu Á và thế giới, phát triển mạnh và hài hòa cả về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quan trọng của cả nước và khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành cơ quan hàng đầu về tư vấn trong hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phát triển các lĩnh vực đột phá

Theo Quyết định trên, định hướng hoạt động khoa học và công nghệ, từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ trong công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa: Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo; công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; điện toán đám mây; điện toán lưới; điện toán biên; Internet vạn vật; công nghệ an ninh mạng thông minh, tự khắc phục và thích ứng; nghiên cứu chế tạo robot tự hành; robot tương tác; phương tiện bay không người lái; nông nghiệp chính xác…

Trong khoa học và công nghệ vũ trụ: Nghiên cứu khoa học vũ trụ và vật lý thiên văn, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và phóng vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ quan sát trái đất; nghiên cứu thiết kế, chế tạo các hệ thống cảm biến quang học và radar đặt trên máy bay và vệ tinh quan sát trái đất…

Công nghệ sinh học: Sử dụng công nghệ xanh trong chọn tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất các giống cây trồng có giá trị thương mại, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với phát triển đô thị; triển khai công nghệ sinh sản động vật, công nghệ thụ tinh ống nghiệm và ứng dụng tế bào gốc…

Cũng theo Chiến lược, các lĩnh vực đột phá như công nghệ vũ trụ; Công nghệ sinh học; Khoa học trái đất và khoa học công nghệ biển; Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ thông tin. Trong 4 lĩnh vực này lựa chọn phát triển khoảng 25 công nghệ mang tính đột phá…

Có thể bạn quan tâm