Chiến lược chọn nhân sự nội các 'có một không hai' của ông Donald Trump

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cho đến nay, tất cả người được lựa chọn cho chính quyền Mỹ sắp tới đều có một điểm chung: Có quan hệ mật thiết với Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Từ Chánh văn phòng Nhà Trắng đến lãnh đạo các bộ, ông Donald Trump ưu ái những gương mặt quen thuộc trong các buổi vận động tranh cử, những vị khách thường xuyên lui tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hay những người bảo vệ ông trước truyền thông.

Reuters nhận định động thái này là một sự tương phản rõ rệt so với lần đầu tiên ông Trump bước chân vào Nhà Trắng. Khi đó, ông chọn những người mình chưa từng làm việc cùng và sự tin tưởng gần như không có. Sau cùng, ông Trump vỡ mộng với một số người và thay tới 4 chánh văn phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Lần này, ông Trump quyết tâm tránh những sai lầm tương tự. Tổng thống đắc cử đã có 4 năm kinh nghiệm và hiểu rõ hơn ông cần gì. Ông ghi nhận những đồng minh trung thành nhất bằng cách đưa họ vào bộ máy chính quyền sắp tới.

Ông nhanh chóng chỉ định bà Susie Wiles, người đồng quản lý chiến dịch tranh cử, làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Ông chọn ông Tom Homan, điều hành Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, làm "ông trùm biên giới" phụ trách trục xuất hàng loạt người di cư bất hợp pháp. Ông đề cử ông John Ratcliffe, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia, trở thành người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).

Rút kinh nghiệm từ 8 năm trước, lần này ông Donald Trump đề cử những cá nhân thân cận vào nội các. Ảnh: Bloomberg
Rút kinh nghiệm từ 8 năm trước, lần này ông Donald Trump đề cử những cá nhân thân cận vào nội các. Ảnh: Bloomberg

"Theo nhiều cách, Tổng thống Trump đã điều hành "một trường đại học 4 năm" trong nhiệm kỳ đầu tiên, cho phép ông "đào tạo" rất nhiều người hiện ủng hộ chương trình nghị sự của mình" - ông Matt Mowers, chiến lược gia Đảng Cộng hòa, ví von.

Không chỉ là những người quyết liệt vận động suốt chiến dịch, ông Trump còn lưu ý tới những cá nhân không phản đối các kế hoạch vị tổng thống đắc cử đưa ra trong nhiệm kỳ 2.

Ví dụ, ông công bố Thượng nghị sĩ Marco Rubio - một đối thủ cũ có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại và các vấn đề tình báo - cho vị trí ngoại trưởng. Ông Rubio đã xoay chuyển một số lập trường trong vài năm qua để đồng nhất với quan điểm của ông Trump.

Song một số người hầu như chưa có chuyên môn liên quan tới vị trí sắp đảm nhiệm, trong khi số ít khác có thể phải đối mặt với quá trình phê chuẩn không dễ dàng từ Thượng viện, ngay cả khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong cơ quan này.

Ông Trump chọn ông Pete Hegseth, MC Fox News, giám sát Lầu Năm Góc. Ông đề cử ông Matt Gaetz, một hạ nghị sĩ bảo thủ lâu năm chưa từng thực thi pháp luật làm Bộ trưởng Tư pháp. Ông giao nhiệm vụ cho tỉ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy, hai người chưa từng làm việc trong chính phủ, tinh giản "bộ máy quan liêu liên bang".

Thông báo về ông Hegseth và Gaetz khiến một số quan chức và chuyên gia hoài nghi xen lẫn ngạc nhiên.

Ngoài ra, ông Trump cũng tiết lộ bà Tulsi Gabbard, cựu Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ chưa trải nghiệm trực tiếp công tác tình báo, sẽ đảm nhiệm chức Giám đốc Tình báo Quốc gia.

Bà Gabbard tạo dựng được chỗ đứng trên Fox News và các kênh truyền thông bảo thủ, và có khả năng sẽ bảo vệ ông Trump trên sóng truyền hình trong vai trò mới.

Việc bổ nhiệm nhân sự đã cho thấy phong cách quyết liệt của ông Trump, đồng thời nhằm chứng tỏ cho công chúng thấy ông đang thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử.

“Những người ông ấy lựa cho các vị trí quan trọng nhất đều là những cá nhân đã xây dựng hình ảnh trước truyền thông. Song cũng sẽ có nghi ngờ về khả năng quản lý các cơ quan lớn và năng lực chuyên môn cần thiết của họ” - David Lewis, giáo sư tại Đại học Vanderbilt, chia sẻ.

Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận hiện tại hiệu quả hơn so với 8 năm trước, khi ông Trump sa thải người đứng đầu nhóm chuyển giao, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, vì bất đồng về nhân sự.

"Có vẻ quá trình lần này có hệ thống và trật tự hơn nhiều, không rơi vào hỗn loạn vì người đứng đầu nhóm chuyển giao rời đi” - bà Kathryn Dunn Tenpas, chuyên gia về nhân sự của tổng thống tại Viện Brookings đánh giá.

Theo Phương Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trên sóng truyền hình ngày 7-12. Ảnh: REUTERS

Đề xuất dự luật điều tra đặc biệt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol

(GLO)- Ngày 10-12, trong một cuộc họp kín của các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền, ông Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho biết sẽ thúc đẩy dự luật riêng kêu gọi một cuộc điều tra đặc biệt đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên quan đến vụ thiết quân luật.