Chanh dây khẳng định vị thế chủ lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển chanh dây. Những năm qua, chính quyền các địa phương và người trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Hiệu quả kinh tế cao

Nhiều năm gắn bó với cây chanh dây, anh Nguyễn Văn Xuân (thôn 6, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho hay: Trước năm 2020, có thời điểm, giá chanh dây lên tới 30-40 ngàn đồng/kg, nhưng cũng có lúc giảm còn 1-2 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá chanh xô luôn ổn định trên 10 ngàn đồng/kg, chanh loại 1 có giá trên 20 ngàn đồng/kg. Kinh phí đầu tư mỗi héc ta chanh dây khoảng 200-300 triệu đồng bao gồm: tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, thu hoạch. Chanh dây dễ trồng, khoảng 5 tháng là cho thu hoạch, kéo dài 4-5 đợt. “Hiện gia đình tôi có 3 ha chanh dây, năng suất bình quân khoảng 45-50 tấn/ha, được Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) bao tiêu sản phẩm. Với giá bán 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”-anh Xuân vui vẻ nói.  

 Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Đức Thụy
Thu hoạch chanh dây. Ảnh: Đức Thụy


Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông-cho biết: Hiện tại, HTX liên kết với khoảng 300 hộ dân của các xã: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Hòa Phú và thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) và Ia Yok, Ia Bă (huyện Ia Grai) canh tác 320 ha chanh dây. Người dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường (tiền đầu tư được khấu trừ dần khi có sản phẩm). Bình quân mỗi ngày, HTX thu mua 10-20 tấn và nhập trực tiếp cho Công ty TNHH Quicornac. “Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp 12 mã vùng trồng cho 300 ha chanh dây. Nếu không có gì thay đổi, từ nay đến cuối năm, HTX sẽ có mã vùng trồng để chính thức xuất khẩu chanh dây sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Dự kiến năm 2023, HTX sẽ mở rộng diện tích liên kết lên 600-700 ha”-ông Thanh thông tin.

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) liên kết với hơn 100 hộ dân và một số HTX ở các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Chư Prông sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh dây trên diện tích 100 ha. Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX-cho biết: Đầu năm 2019, HTX bắt đầu sản xuất các sản phẩm như: chanh dây quả tươi, nước tinh cốt chanh dây cô đặc, mứt chanh dây sấy dẻo, trà làm từ vỏ chanh dây, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu chanh dây. Đến nay, 6 sản phẩm của HTX đã được công nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh. Một số sản phẩm của HTX đã xuất sang Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm chanh dây tươi loại 1 được xuất sang Pháp và Thụy Sĩ. “Hiện các sản phẩm của HTX không đủ để cung cấp cho thị trường. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết theo chuỗi từ cung ứng giống đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh”-bà Thơm chia sẻ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.439 ha chanh dây (2.268 ha trồng thuần), năng suất bình quân đạt khoảng 36,2 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 150 ngàn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Chư Pưh. Trong đó, 2.472 ha được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 2.495 ha sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.  

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Toàn huyện có hơn 600 ha chanh dây, phần lớn được chuyển đổi từ những diện tích cây trồng kém hiệu quả. Trong quá trình canh tác, người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, huyện định hướng đẩy mạnh đa đang hóa các loại cây trồng, trong đó, cây chanh dây góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Định hướng đến năm 2025, toàn huyện có khoảng 1.000-1.500 ha chanh dây.   

Còn ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thì cho hay: Thời gian qua, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng chanh dây và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để sản xuất chanh dây bền vững, người dân đã liên kết với một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc liên kết cần có sự thống nhất giữa người dân và doanh nghiệp về giá cả cũng như các điều khoản liên quan một cách hợp lý.

Hướng đến sản xuất an toàn, bền vững

Chanh dây được xác định là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xuất khẩu. Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV và Quyết định số 107/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, diện tích chanh dây được quy hoạch đến năm 2025 là khoảng 20 ngàn ha và đến năm 2030 khoảng 25-30 ngàn ha.

 Chế biến chanh dây tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Chế biến chanh dây tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Để có nguồn giống chanh dây phục vụ cho sản xuất, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, thiết lập các vườn ươm được chứng nhận cây đầu dòng. Đến nay, toàn tỉnh có 8 vườn chanh dây được bình tuyển, công nhận cây đầu dòng với 1.195 cây, có khả năng cung cấp khoảng 2,65 triệu cây giống, đảm bảo trồng mới khoảng 4.240-5.300 ha/năm. Trong đó, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh giống chanh dây có vườn cây giống đầu dòng đạt tiêu chuẩn như: Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên sản xuất, cung ứng khoảng 1,2-1,6 triệu cây giống/năm; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai sản xuất, cung ứng khoảng 500 ngàn cây giống/năm; Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp SESAN sản xuất, cung ứng khoảng 150 ngàn cây giống/năm; Công ty TNHH một thành viên Gia Nông Gia Lai sản xuất, cung ứng khoảng 100 ngàn cây giống/năm; Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Gia Lai sản xuất và cung ứng khoảng 300 ngàn cây giống/năm... Nguồn cây giống không chỉ cung cấp đủ cho người dân trên địa bàn tỉnh mà còn cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên và xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 25 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản với tổng công suất khoảng 150-160 ngàn tấn nguyên liệu trái cây/năm. Điển hình như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai có dây chuyền chế biến sâu sản phẩm chanh dây với công suất hơn 20 ngàn tấn/năm; Công ty cổ phần Nafoods Group đang đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm chanh dây tại Gia Lai với công suất khoảng 28 ngàn tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Quicornac đã đưa vào hoạt động nhà máy sơ chế, chế biến rau củ quả công suất 100 ngàn tấn/năm... Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh dây giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu là phát triển vùng nguyên liệu chanh dây ổn định, gắn với tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Ông Đinh Gia Nghĩa-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: Năm 2020, sản phẩm chanh dây Gia Lai là lô hàng đầu tiên của Việt Nam được xuất sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Đến nay, sản phẩm của đơn vị đã có mặt ở trên 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như: Úc, Mỹ, Nhật Bản, Israel, EU, Nam Phi. Chanh dây hiện vẫn được xem là sản phẩm chủ lực của Công ty với mức sản xuất bình quân khoảng 300 tấn nguyên liệu/ngày.   

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Hiện nay, chanh dây là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha, giá khoảng 13 ngàn đồng/kg thì doanh thu đạt 500 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng chanh dây có thể lãi 300 triệu đồng/ha. “Thời gian đến, việc sản xuất chanh dây cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, phấn đấu có khoảng 80-90% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và phát triển sản phẩm OCOP để đáp ứng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu “Chanh dây Gia Lai”-ông Có thông tin thêm.

 

 LÊ NAM

 

 

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.