Chàng trai ở Hà Nam chết não hiến toàn bộ nội tạng cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một quả tim, lá gan, hai quả thận của Phạm Công Tuấn Anh, 26 tuổi, được ghép cho 4 người.

 

 Vài giờ trước ca mổ lấy tạng của Tuấn Anh ngày18/5, ông Phạm Văn Thụ được các bác sĩ mời vào phòng nhìn mặt con trai lần cuối. Trong căn phòng tĩnh mịch, chỉ có tiếng bíp bíp phát ra từ máy theo dõi nhịp tim, con trai ông nằm đó, trái tim vẫn đập theo máy, bàn tay còn ấm áp, đôi mắt nhắm nghiền không chịu mở.

Ông Thụ nhấc tay con trai lên rồi siết chặt, mắt đỏ. Trong phòng có 5 người nhà và một số y bác sĩ, ai cũng cúi đầu. 15 phút sau, ông Thụ biết khi mình bước ra khỏi cánh cửa phòng bệnh, trên màn hình chiếc máy theo dõi nhịp tim ấy xuất hiện một đường thẳng nằm ngang và những con số 0 màu đỏ nhấp nháy. Khi bác sĩ rút ống thở, ông và cậu con trai 26 tuổi sẽ ở hai thế giới khác nhau.

Hơn 2 tuần trôi qua kể từ hôm hiến tạng, khoảnh khắc nắm tay con lần cuối vẫn luôn trong tâm trí người cha. Hàng xóm đến giờ vẫn bàn tán rằng gia đình ông đã "bán tạng con nhận hơn một tỷ đồng" hay "con chết bố nổi tiếng".

"Tôi đau lòng lắm, nhưng những lời bàn tán đó chẳng quan trọng nữa bởi mong muốn duy nhất của tôi bây giờ là sớm được gặp lại con trai qua những người khác đã ghép tạng của cháu", người cha chia sẻ.

Tuấn Anh được chẩn đoán bị dị dạng mạch não bẩm sinh sau một trận đau đầu, buồn nôn. Bác sĩ nói bệnh này có người sống chung thân, có người phát sớm, như Tuấn Anh 26 tuổi mới phát bệnh. Sau một tháng điều trị, Tuấn Anh được chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, ngày 12/5.

10 giờ sau phẫu thuật, bác sĩ thông báo với gia đình là không thể cứu được bộ não của Tuấn Anh. Ông Thụ gục ngã, gặp bác sĩ xin cho Tuấn Anh về nhà, tính lo hậu sự. Xe cấp cứu chở Tuấn Anh cùng bình thở oxy và vợ chồng ông Thụ về quê.

Về đến nhà, người quen làm ở Bệnh viện Việt Đức khuyên gia đình cho Tuấn Anh lên viện điều trị tiếp. Còn nước còn tát, hôm sau vợ chồng ông Thụ lại thuê xe cấp cứu đưa con lên Bệnh viện Việt Đức.

Ba ngày sau, bác sĩ thông báo không thể hồi phục được não của Tuấn Anh vì đã chết não. Mọi hy vọng đã tắt, ông Thụ lại tính đưa con về nhà. Lúc này, các bác sĩ đã gặp vợ chồng ông nói chuyện về hiến tạng. Sau vài phút suy nghĩ, ông Thụ quyết định hiến tạng con trai để cứu những bệnh nhân khác. Quyết định này của ông ban đầu bị vợ và một vài người trong gia đình phản đối. Song, khi nghe ông nói "muốn thằng con trai của Tuấn Anh sau này lớn lên còn thấy phảng phất bố nó còn sống", ai cũng xuôi lòng.


 

Phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: K.O
Phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: K.O



Sáng 18/5, Tuấn Anh được đưa vào phòng mổ lấy tạng. Cùng lúc, 5 bàn mổ được tiến hành, khoảng 130 cán bộ y tế tham gia ca lấy và ghép tạng cho 4 người. Phó giáo sư Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết 4 bệnh nhân này nếu không có tạng ghép thì thời gian sống chỉ tính theo tháng. Tất cả các mổ kết thúc cùng ngày, thành công.

"Hai bệnh nhân nhận thận ngày 4/6 có thể ra viện, trong đó có một người 61 tuổi và một người mới ngoài 30 tuổi. Bệnh nhân nhận gan cũng có thể về nhà vào cuối tuần, còn bệnh nhân nhận tim cũng ổn định", bác sĩ Nghĩa nói.

Ngoài tiến hành ghép đa tạng cho người nhận, các bác sĩ còn lấy hai giác mạc chuyển sang Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương để ghép cho bệnh nhân và lấy 8 gân lưu trữ trong Ngân hàng mô, Bệnh viện Việt Đức.

Ông Thụ cho biết, sau ca mổ lấy tạng, các bác sĩ ngỏ lời tổ chức tang lễ cho Tuấn Anh tại bệnh viện, song gia đình chỉ xin các bác sĩ một bộ quần áo mới cho con mặc. Chiếc xe chở thi thể Tuấn Anh về quê nhà cùng buổi chiều hôm ấy.

Tuấn Anh ra đi nhưng đã cứu sống 4 người. Những ngày cuối đời cũng như nghĩa cử cao đẹp của anh, người vợ vẫn không hề biết đến. Chị bị trầm cảm sau sinh, đến giờ bệnh tình càng nặng. "Gần đây con bé phải uống nhiều thuốc. Nó mơ màng suốt ngày, không cảm nhận được chồng sống hay đã chết", ông Thụ nghẹn ngào nói.

Ông Thụ chỉ mong con dâu ông sớm khỏi bệnh, khi đó sẽ hiểu cho quyết định của ông. Con trai của Tuấn Anh 2 tuổi đang được ông bà chăm sóc. "Mong muốn lớn nhất là tôi sớm được gặp lại con trai, cháu nội được gặp bố, qua những người được ghép tạng của Tuấn Anh", ông Thụ nói.

Theo bác sĩ Nghĩa, 10 năm qua, có 50 trường hợp chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Trong mỗi trường hợp, các bác sĩ đều cố gắng tối đa sử dụng nguồn tạng hiến để ghép cho những người bệnh đang chờ. "Có trường hợp chúng tôi chia gan ra để ghép cho hai bệnh nhân", bác sĩ Nghĩa nói.

Số người đăng ký tình nguyện hiến tạng đang tăng lên. Năm 2013, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ghi nhận có 5 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. Đến nay, đã có hơn 23.000 người đăng ký hiến tạng.

Theo VNE

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.