Chạm tay vào ký ức hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có người 48 năm sau ngày đất nước hòa bình mới có dịp về thăm khu căn cứ, có người sau hàng chục năm mới được gặp lại những đồng đội cũ. Chuyến về nguồn vào sáng 27-4 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức vì thế cũng ngập tràn xúc động với những cái nắm tay, những cái ôm thật chặt.

Niềm vui ngày hạnh ngộ

Hoạt động về nguồn được tổ chức nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) với những điểm đến ý nghĩa gồm: Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Bia Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ, Làng kháng chiến Stơr và Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (huyện Kbang), Đền Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn Bộ binh 95 (huyện Mang Yang).

Niềm vui của những người đồng đội cũ trong ngày hạnh ngộ. Ảnh: Lam Nguyên

Niềm vui của những người đồng đội cũ trong ngày hạnh ngộ. Ảnh: Lam Nguyên

Chương trình có sự tham gia của hơn 40 đồng chí nguyên là cán bộ, nhân viên từng công tác tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nghỉ hưu, hiện sinh sống tại TP. Pleiku. Ông Võ Hoàng Bình-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn.

Để về nguồn lần này, những cán bộ tuyên huấn năm xưa phải vượt qua thử thách lớn về tuổi tác; đặc biệt, người lớn tuổi nhất tham gia đoàn là ông Trần Đình Ngẫu (91 tuổi, trú thị xã Ayun Pa). Dù vậy, ai cũng háo hức vượt đoạn đường đi-về khoảng 350 cây số để được chạm tay vào ký ức.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang), nơi các cơ quan đầu não của tỉnh đứng chân từ năm 1955 đến 1975. Công trình được xem là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ cha anh.

Tại đây, tháng 12-1962, trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trên cơ sở sáp nhập Ban Tuyên huấn, Ban Binh vận, Trường Đảng, Trường Bổ túc cán bộ, Đội Văn công và bộ phận in ấn. Vượt bao hiểm nguy, gian khó, lớp lớp cán bộ làm công tác tuyên huấn của Đảng bộ tỉnh đã thực hiện tốt vai trò động viên, khơi dậy sức mạnh to lớn của quân và dân trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất nước nhà.

Cán bộ, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm ở Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Lam Nguyên

Cán bộ, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm ở Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Lam Nguyên

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng làm công tác tuyên huấn tiếp tục xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Với những đóng góp to lớn, ngành Tuyên giáo Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý khác.

Ông Trần Đình Ngẫu (91 tuổi) trò chuyện cùng phóng viên trong chuyến về nguồn. Ảnh: Lam Nguyên

Ông Trần Đình Ngẫu (91 tuổi) trò chuyện cùng phóng viên trong chuyến về nguồn. Ảnh: Lam Nguyên

Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Trần Đình Ngẫu vẫn đủ sức khỏe để dạo quanh và nhìn ngắm các hạng mục trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, từ các lán của Bí thư, Phó Bí thư, cơ yếu, văn phòng đến hầm chữ A, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, nhà tưởng niệm, nhà bia ghi sự kiện…

Người cán bộ tuyên huấn năm xưa bồi hồi kể: Từ chỗ chưa hiểu gì về chủ nghĩa Mác-Lê Nin, không biết gì về Đảng, ông được giác ngộ lý tưởng cách mạng, trở thành người đảng viên rồi được giao phụ trách Trường Đảng. “Hôm nay tôi vô cùng xúc động khi về thăm lại khu căn cứ, nơi tôi từng sống và công tác từ năm 1970 đến 1972. Nơi này đã được phục dựng đúng với vẻ đơn sơ ngày trước mà cũng rất trang nghiêm”-ông nói.

Sáng mãi ký ức tuổi xanh

Trong chuyến trở về ý nghĩa này, những cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy năm xưa ai cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi có dịp hạnh ngộ với hàng chục đồng đội cũ. Bao ký ức cũng ùa về, gợi nhớ những năm tháng gian khổ mà hào hùng.

Ông Biện Ngọc Kinh, năm nay 76 tuổi (trú thị xã An Khê) không nén nổi niềm xúc động khi được gặp lại chị nuôi hay những đồng đội từng chung lưng đấu cật trong những chuyến vận chuyển lương thực từ đồng bằng lên căn cứ bằng xe đạp thồ. Có người cũng sinh sống ngay tại Gia Lai nhưng phải đến hơn 30 năm sau ngày đất nước thống nhất ông mới có dịp tay bắt mặt mừng.

Ông Biện Ngọc Kinh (trái) bồi hồi trong ngày trở về thăm lại khu căn cứ. Ảnh: Lam Nguyên

Ông Biện Ngọc Kinh (trái) bồi hồi trong ngày trở về thăm lại khu căn cứ. Ảnh: Lam Nguyên

Ngày đó, ông Biện Ngọc Kinh là nhân viên đội chiếu phim của Ban Tuyên huấn. Đội gồm 6 người, đảm trách nhiệm vụ chiếu phim phục vụ các cuộc họp của Tỉnh ủy tại khu căn cứ, chiếu phim cho bộ đội đứng chân trên địa bàn và đồng bào quanh vùng, từ đó góp phần động viên, nêu cao tinh thần tranh đấu.

Đến giờ ông vẫn nhớ như in tên các bộ phim tư liệu, phim điện ảnh đã từng phục vụ như: Anh bộ đội xe tăng, Kim Đồng, Chiến thắng Khe Sanh, Nổi gió… Các ngày lễ, Tết, có khi đội chiếu tới 23-24 giờ mới nghỉ. “Tôi nhớ mãi lần chiếu phim “Anh bộ đội xe tăng”, thấy hình ảnh chiếc xe tăng tràn cả màn hình, bà con dân tộc thiểu số hè nhau la hét, bỏ chạy vì tưởng đó là thật”-ông Kinh bật cười khi kể về một kỷ niệm đáng nhớ.

Ngày đó, chưa có phim ảnh nhiều, máy chiếu cũ hay bị hỏng hóc nên ông thường được phân công đi nhận phim hoặc mang máy đi sửa ở Quân khu 5 (khu vực Quảng Nam). Mỗi lần như vậy, ông mang theo lương thực lội bộ 15 ngày cả đi lẫn về. 1 bộ phim trung bình có 5 hộp, mỗi hộp nặng khoảng 2 kg; có khi ông cõng trên vai đến 40-50 kg phim. “Được cấp phim mới về là mừng lắm, nên dù khó khổ cách mấy tôi cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. May mà dọc đường luôn có các trạm giao liên, được giao liên dẫn đường tận tình”-ông Kinh nhớ lại.

Trong chuyến về nguồn lần này, ngoài những người sinh sống trong tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn mời được một số cựu cán bộ, nhân viên hiện sống rải rác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Bình Định, Kon Tum, Bà Rịa-Vũng Tàu… Tuy sức khỏe không được tốt, chân đau và thường xuyên tê bì nhưng bà Phạm Thị Thiên Thai (trú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vẫn không ngần ngại trở về. Người phụ nữ có cái tên rất đẹp ấy bày tỏ: “Cảm ơn Ban tổ chức đã cho chúng tôi có một chuyến về nguồn ý nghĩa. 48 năm rồi tôi mới về thăm lại khu căn cứ. Thật vinh dự và tự hào. Nhìn lại mọi thứ, nhìn những ngôi lán phục dựng khang trang, cảm xúc trong tôi dâng trào”.

Bà Phạm Thị Thiên Thai (trái) gặp lại đồng đội xưa sau hàng chục năm. Ảnh: Lam Nguyên

Bà Phạm Thị Thiên Thai (trái) gặp lại đồng đội xưa sau hàng chục năm. Ảnh: Lam Nguyên

Tháng 7-1972, ở tuổi 18, từ Bình Định bà Thiên Thai thoát ly lên khu căn cứ và được phân công làm nhiệm vụ xếp chữ trong bộ phận in ấn của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Nhiệm vụ của họ là in truyền đơn, khẩu hiệu, báo chí…

Những gian khó ngày ấy đến giờ vẫn ghi sâu trong ký ức của bà: Rừng thiêng nước độc, ăn uống kham khổ, nhiều lần sốt rét đến lả người, rụng hết tóc. Dù ở tuyến sau, không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng bộ phận này vẫn có những khó khăn đặc thù như: gò lưng viết chữ ngược trên đá thành bản in để in ấn; tiền phương đưa về bao nhiêu tài liệu là phải gấp rút làm đêm làm ngày cho kịp. Ngoài tăng gia sản xuất, họ còn phải xuống đồng bằng mua gạo, muối, lương thực rồi thồ về bằng xe đạp. Bà kể: Mỗi chiếc xe đạp đơn sơ thồ đến 2 tạ gạo. Người trước người sau cùng đẩy xe, có lần đẩy lên không nổi nên cả người và xe bị ngã lăn xuống. “Những kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên được”-bà Thiên Thai trầm tư hồi tưởng.

Song cũng bởi thế nên niềm thôi thúc trở về ngày một lớn, để được sống lại với bao kỷ niệm đẹp đẽ của một thời không tiếc tuổi xuân cho độc lập dân tộc. Bà Thiên Thai trải lòng: “Chuyến về nguồn hôm nay khiến tôi thấy vui và mãn nguyện lắm. Tôi thấy mình như được trẻ ra vài tuổi. Nếu lần sau có những hoạt động như thế này, tôi nhất định sẽ tham gia”.

Có thể bạn quan tâm

TP Pleiku: Quán ăn bán xuyên Tết, đón lộc buôn bán may mắn đầu năm

TP Pleiku: Quán ăn bán xuyên Tết, đón lộc buôn bán may mắn đầu năm

(GLO)- Thay vì chọn nghỉ ngơi dịp Tết, nhiều quán ăn tại TP Pleiku đã mở cửa phục vụ xuyên Tết vừa để đáp ứng nhu cầu ăn ngon ngày Tết kết hợp trải nghiệm ẩm thực đa dạng vùng miền của khách hàng, vừa tranh thủ đón lộc buôn bán may mắn ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới Ất Tỵ 2025.

Buôn làng “thay da đổi thịt”

Buôn làng “thay da đổi thịt”

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã phân công 20 sở, ban, ngành tiến hành kết nghĩa với 17 thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Sự gắn kết, hỗ trợ chí nghĩa, chí tình của các đơn vị đã giúp buôn làng "thay da đổi thịt" từng ngày.

Mưu sinh ngày cuối năm

Mưu sinh ngày cuối năm

(GLO)- Chiều cuối năm, khi hầu hết mọi người quây quần bên gia đình chuẩn bị đón thời khắc Giao thừa thì vẫn còn nhiều người đang miệt mài mưu sinh để nhặt nhạnh thêm thu nhập lo Tết cho gia đình.

Sẻ chia với bệnh nhân nghèo dịp Tết

Sẻ chia với bệnh nhân nghèo dịp Tết

(GLO)- Vì bệnh tật nên nhiều người phải nằm điều trị tại các bệnh viện ở tỉnh Gia Lai trong dịp Tết. Thấu hiểu và sẻ chia với bệnh nhân, nhiều nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà đã làm ấm lòng bệnh nhân những ngày Tết đến, Xuân về.

Ngôi nhà chung của những người đam mê bonsai

Ngôi nhà chung của những người đam mê bonsai

(GLO)- Vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Bonsai cây cảnh nghệ thuật Gia Lai được thành lập theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7-11-2024 của UBND tỉnh. Đây được xem là “ngôi nhà chung” của những người đam mê loại hình nghệ thuật bonsai.

Công an xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) ra quân trấn áp tội phạm dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: T.D

Đảm bảo an ninh trật tự từ cơ sở

(GLO)- Với phương châm đảm bảo an ninh trật tự từ cơ sở, các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở tại Gia Lai đã cùng lực lượng Công an triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Gia Lai tặng 39.161 suất quà Tết trị giá 15,3 tỷ đồng cho người nghèo

Gia Lai tặng 39.161 suất quà Tết trị giá 15,3 tỷ đồng cho người nghèo

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các đơn vị liên quan huy động, tiếp nhận, phân bổ và trao tặng 39.161 suất quà Tết với tổng trị giá trên 15,3 tỷ đồng cho người nghèo, công nhân lao động, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhiều cơ hội việc làm dịp Tết

Nhiều cơ hội việc làm dịp Tết

(GLO)- Những ngày này, nhiều cơ sở kinh doanh tăng cường tìm kiếm lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng tăng mạnh trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Đây cũng là cơ hội để người lao động kiếm thêm thu nhập.

Ngày hội Xuân đoàn kết-Tết sum vầy ở làng Tung Breng

Ngày hội Xuân đoàn kết-Tết sum vầy ở làng Tung Breng

(GLO)- Chiều 21-1, tại làng Tung Breng (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Công ty 715 (Binh đoàn 15) tổ chức Ngày hội “Xuân đoàn kết-Tết sum vầy”, “Gian hàng 0 đồng” phục vụ người lao động, bà con nhân dân vùng biên giới dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Kbang quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Kbang quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, huyện Kbang  (tỉnh Gia Lai) tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.