Hôm rồi, một người bạn gửi cho tôi đôi câu thơ mộc mạc, chân tình, viết về cây duối: “Cây duối là cây duối ơi/Đất lành cây duối sống đời chân quê/Bão bùng, mưa nắng chẳng hề/Dẻo dai, xanh thắm một bề kiên trung/Xa quê nỗi nhớ mịt mùng/Trong mơ bóng duối trùng trùng lối đi”. Đọc thơ bạn, bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi.
Hiện nay, nhiều người dân ở Quảng Nam trồng cây duối ngay cạnh cổng nhà. Ảnh: B.Q.V |
Nhớ lần vãng cảnh chùa Ông Núi ở Bình Định, tôi bị thu hút bởi hàng duối cổ thụ phía dưới chân núi-nơi có con đường bộ dẫn lên chùa. Hiện nay, con đường này ít khách đi lại vì người ta đã mở một con đường khác để thuận tiện cho xe cộ đi lên chùa. Nhìn hàng duối có thân to cả một người ôm không hết, u nần, vỏ cây xù xì, tôi đoán chừng tuổi thọ của chúng phải lên tới hàng trăm năm. Để giữ gìn hàng cây, Ban Quản lý chùa Ông Núi đã cho xây các bệ chắn gốc giúp các “cụ” duối này được bảo vệ cẩn thận và tươi xanh quanh năm.
Không chỉ xuất hiện ở khu vực chùa Ông Núi mà tại các vùng quê của Bình Định, người dân cũng thường trồng cây duối ngay lối cổng vào. Họ cắt tỉa tán duối lâu năm như chiếc lọng che trên đầu hay như cái dù hoặc hình nấm rất đẹp mắt.
Tại triển lãm sinh vật cảnh miền Trung-Tây Nguyên diễn ra ở TP. Quy Nhơn vừa qua, du khách có dịp được chiêm ngưỡng nhiều cây duối cảnh có giá trị đến hàng tỷ đồng. Trong đó phải kể đến “cụ” duối của nhà vườn Nguyễn Toàn ở Bình Định. Nó được xếp vào hàng cây cảnh độc lạ nhất Việt Nam. Đã có người trả giá cây duối ấy lên đến 15 tỷ đồng nhưng chủ vườn không bán.
Ngày xưa, ở xứ Quảng quê tôi, cây duối thường mọc hoang nơi gò đồi. Trên cánh đồng Nam Mú do nội tôi khai mở, thỉnh thoảng thấy có vài ba cây duối sum suê còn chừa lại trên các bờ ruộng. Nội bảo: “Để lại vài cây duối làm bóng mát cho người đi làm đồng tránh mưa, tránh nắng”.
Vào mùa đồng áng, tôi thường thấy bà con ngồi quây quần ăn uống, chuyện trò giải lao dưới những gốc cây ấy. Khi vỡ mảnh ruộng trước nhà, ba tôi cũng để lại một hàng duối lâu năm trên bờ. Ba tôi giải thích rằng, cây duối có bộ rễ cọc sâu bền, thân gỗ xoắn dẻo dai sẽ trụ được với những cơn gió mạnh, ít khi bị ngã đổ vì thiên tai.
Năm nào cũng vậy, khi vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu là lúc những cây duối trên đồng cũng trĩu quả chín vàng, rất hấp dẫn. Quả duối thường chín rộ trong vài hôm, nếu không hái ăn kịp thì một phần lũ chim “chén”, còn lại cũng rụng hết. Vậy nên, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau hái quả. Cây duối rất khó trèo, vì cành lá rậm rạp, đan xéo nhau thành tán rộng. Chúng tôi thường bắc thang để trèo thẳng lên ngọn cây ngồi hóng gió rồi hái trái duối ngọt thanh nhâm nhi cho đến khi no bụng và còn hái đầy túi đem về cho các em. Đến mùa, không phải cây duối nào cũng ra hoa kết trái.
Theo lời của người già trong xóm thì loài duối cũng có cây đực, cây cái nhưng rất khó phân biệt. Chỉ đợi đến khi cây nào trưởng thành mà đơm hoa kết trái thì mới biết đó là cây cái. Còn đám cây đực thì cứ phát triển tồng ngồng, cành lá sum suê, xanh ngát nhưng quanh năm suốt tháng chẳng thấy cho đời nụ hoa, trái ngọt nào cả! Lý giải như vậy nghe cũng có lý. Nhưng thực tế thì theo các nhà thực vật học, cây duối nào cũng ra hoa. Nhưng chỉ có loại hoa cái (mọc đơn lẻ, màu xanh lục) mới kết trái.
Cây duối đã trở thành một phần ký ức đối với tôi và lũ bạn cùng xóm. Vậy nên, khi đọc được những câu thơ mà bạn vừa gửi đến, lòng tôi không khỏi bồi hồi, xao xuyến: “Cây duối là cây duối ơi”.