(GLO)- Từ đầu tháng 10 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng cao, nhất là tại các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Đức Cơ.
Gia tăng số ca mắc
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến ngày 18-10, toàn tỉnh ghi nhận 682 ca mắc SXH. Riêng từ đầu tháng 10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 150 ca mắc (chiếm hơn 21% tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay). Bệnh SXH xảy ra tại 78 xã, phường, thị trấn của 16 huyện, thị xã, thành phố. Địa phương ghi nhận nhiều ca mắc SXH nhất tỉnh là huyện Chư Prông với trên 150 ca, tiếp theo là các huyện Mang Yang (trên 120 ca), Đức Cơ (gần 100 ca).
Tại huyện Chư Prông, dịch bệnh xảy ra ở 32 thôn, làng, tổ dân phố của 16 xã, thị trấn. Ông Lê Văn Trì-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Trung tâm đã triển khai xử lý các ổ dịch, tăng cường các hoạt động phòng-chống, nhất là vận động người dân tổ chức vệ sinh môi trường. Dịch bệnh diễn biến phức tạp do thời tiết mưa nắng đan xen, cùng với tập quán tích trữ nước của người dân là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển. “Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ gia đình đã tự giác thu dọn vật dụng phế thải chứa nước như: lốp xe, xô chậu, chai lọ… Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh”-ông Trì cho hay.
Nhân viên y tế phường Phù Đổng (TP. Pleiku) tuyên truyền người dân phòng-chống SXH. Ảnh: Như Ý |
Huyện Mang Yang có hơn 120 ca mắc SXH. Ông Trần Bá Thanh-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Năm nay, số ca mắc SXH tại địa phương gia tăng so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 86 ca). Đã có 7/12 xã, thị trấn ghi nhận ca mắc SXH với hơn 43 ổ dịch, trong đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại thị trấn Kon Dơng. “Thời tiết thay đổi, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi trưởng thành phát triển và gây bệnh. Công tác phát động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy chưa đạt hiệu quả, tình hình SXH trên địa bàn huyện còn nhiều nguy cơ, nhất là trong các tháng cuối năm”- ông Thanh nói.
Chung tay phòng-chống SXH
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông nhận định: Theo dự báo, tình hình dịch bệnh SXH trong thời gian tới chưa hết phức tạp. Vì vậy, huyện huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng chung tay tham gia các hoạt động phòng-chống dịch SXH. Ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các ca bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng-chống theo quy định; tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh vệ sinh môi trường; tham mưu và báo cáo kịp thời cho các cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, tại TP. Pleiku, nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống SXH hiệu quả với sự cộng đồng trách nhiệm của người dân nên chỉ ghi nhận 56 ca. Ông Nguyễn Giang Nam-Phó Chủ tịch UBND phường Phù Đổng-thông tin: Từ đầu năm đến nay, phường chỉ ghi nhận 3 ca mắc SXH. Bên cạnh phòng-chống dịch Covid-19, công tác phòng ngừa các dịch bệnh khác cũng được địa phương chú trọng triển khai. “Chúng tôi tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, mắc màn khi ngủ... Khi phát hiện có ca mắc SXH thì lập tức báo chính quyền địa phương để triển khai xử lý triệt để ổ dịch”-ông Nam nói.
Gia Lai bước vào cuối mùa mưa, thời tiết mưa nắng đan xen, ao tù, nước đọng không kịp xử lý sẽ tạo thuận lợi cho muỗi sinh trưởng nên bệnh SXH có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các địa phương khẩn trương xử lý triệt để các ổ dịch và chủ động triển khai biện pháp phòng-chống theo quy định, không chủ quan, lơ là, không để dịch chồng dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân”.
NHƯ Ý