Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác của người dân, bọn tội phạm đã sử dụng mạng xã hội để giăng bẫy hòng chiếm đoạt số tiền lớn. Thủ đoạn này không mới nhưng gây ra hệ lụy phức tạp cho xã hội.
Muôn kiểu “bẫy lừa”
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) đã tiếp nhận 5 tin báo về hành vi sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Con số này của cùng kỳ năm 2019 là 3 tin báo với hơn 1 tỷ đồng. Đa phần đối tượng nhắm vào tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân để đưa ra các thủ đoạn lừa đảo như: gửi tin nhắn trúng thưởng, nhận quà hoặc bán hàng online giá rẻ, thậm chí giả mạo bị can trong một vụ án…  
Đơn cử, đối tượng Mai Thế Dũng (SN 1987, trú tại phường Thống Nhất, TP. Kon Tum) biết anh N.C.T. (trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có người thân là bị can trong một vụ án giết người đang bị tạm giam. Theo đó, Dũng giả danh là bị can gọi điện cho anh T. nói rằng được cán bộ điều tra cho gọi điện thoại về nhà lo tiền chạy án. Tin lời của Dũng, anh T. đã chuyển cho đối tượng 95 triệu đồng. Nhận tiền xong, Dũng hủy sim điện thoại đã liên lạc với anh T. rồi bỏ trốn tại tỉnh Phú Yên. Sau đó, Dũng đã bị Công an bắt giữ.
Cá biệt hơn, ông T.V.D. (trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) nhận được cuộc gọi từ một người xưng là cán bộ của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hà Nội đang điều tra về một đường dây rửa tiền. Người này “tiết lộ” là “có bằng chứng” ông D. liên quan đến đường dây này. Đối tượng đã làm giả quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông D. sau đó gửi qua mạng xã hội Zalo cho ông này xem. Khi nhìn thấy các giấy tờ này, ông D. lo sợ nên đã chuyển cho đối tượng 3,45 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, đối tượng cắt liên lạc hoàn toàn với ông D. 
Đối tượng Đinh Văn Thái. Ảnh: Văn Ngọc
Đối tượng Đinh Văn Thái. Ảnh: Văn Ngọc
Cũng với thủ đoạn tương tự, bọn tội phạm đã lừa của bà H. (trú tại phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) hơn 600 triệu đồng và bà N. (trú tại phường Chi Lăng) hơn 500 triệu đồng. Các vụ việc hiện đang được cơ quan Công an điều tra.
Khó khăn trong điều tra, truy bắt
Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) cho hay: Khi giăng “bẫy lừa”, các đối tượng đã chuẩn bị kỹ càng để đối phó, trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng. Gần đây nhất, đơn vị đã mất gần 1 năm để lần ra dấu vết của Đinh Văn Thái (SN 1992, trú tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Thái là đối tượng đã có 2 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ tháng 5-2019 đến tháng 7-2019, Thái truy cập vào website của các trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Khánh Hòa, Sơn La... để thu thập thông tin, số điện thoại của giáo viên. Sau đó, Thái sử dụng nhiều sim điện thoại rác để gọi điện tự xưng là Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đang thanh tra về quá trình tuyển dụng, thu nhập của giáo viên. Thái yêu cầu các giáo viên cung cấp thông tin ngân hàng gồm: số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Sau khi có được các thông tin trên, đối tượng đăng nhập và thực hiện việc chuyển tiền sang các tài khoản khác để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Xác định đây là loại tội phạm hoạt động với mức độ nguy hiểm, phức tạp, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Quá trình xác minh gặp nhiều khó khăn bởi với mỗi nạn nhân, đối tượng lại sử dụng một sim điện thoại được thuê lại của các dịch vụ cho thuê sim qua mạng. Tiền từ các tài khoản của nạn nhân được Thái chuyển vào các tài khoản ngân hàng sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả để mở, sau đó nạp vào các tài khoản đánh bạc trên mạng.
Phải dùng đến các biện pháp nghiệp vụ công nghệ cao, Công an tỉnh mới xác định đối tượng gây án là Đinh Văn Thái. Đến ngày 11-6-2020, Phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt được đối tượng đang lẩn trốn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Hiện nhiều ngân hàng quản lý lỏng lẻo việc mở tài khoản cũng là một điểm để các đối tượng xấu lợi dụng. Một số đối tượng cài đặt sẵn ứng dụng tự động chuyển tiền khi chỉ cần trong tài khoản có tiền lập tức được chuyển đến nhiều tài khoản nhỏ khác. Việc phối hợp giữa các ngân hàng và cơ quan Công an cũng chưa kịp thời và chặt chẽ, đặc biệt là trong khâu phong tỏa tài khoản. Đồng thời, chúng liên kết với các nhóm đối tượng ở nước ngoài gây khó khăn cho việc truy bắt”-Thượng tá Sơn cho biết.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.