Cảnh báo ngộ độc do ăn thịt cóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thịt cóc là một trong những loại thực phẩm rất dễ gây ngộ độc và có thể dẫn đến tử vong nếu như không được chế biến đúng cách. Dù đã được khuyến cáo nhiều lần nhưng một số nơi, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng sử dụng thịt cóc. Từ đầu năm đến nay, Gia Lai đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do ăn thịt và trứng cóc.

Nguy kịch, tử vong do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Rơ Mah Tin (SN 1999, ở làng Yit Tú, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) trong tình trạng nguy kịch do ăn thịt cóc. Theo thông tin người nhà bệnh nhân cung cấp, chiều 18-4, anh Tin làm thịt cóc ăn. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ, bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nôn ói nên được người nhà đưa tới Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Bác sĩ Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân Rơ Mah Tin. Ảnh: N.N

Bác sĩ Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân Rơ Mah Tin. Ảnh: N.N

Qua triển khai các biện pháp cấp cứu, bệnh nhân tạm ổn định sức khỏe và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Thạch-Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay: Bệnh viện đã dùng thuốc tăng thải độc ra khỏi cơ thể cho bệnh nhân. Hiện nhịp tim bệnh nhân đã tạm ổn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe do bệnh nhân vẫn còn bị tổn thương thận cấp và rối loạn dẫn truyền.

“Thời gian vừa qua, Khoa đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc do ăn thịt và trứng cóc. Mặc dù ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền nhưng một số người vẫn còn bắt cóc để chế biến thức ăn. Việc chế biến không đúng cách, ăn cả trứng cóc và nội tạng cóc dẫn đến ngộ độc và đã có trường hợp tử vong”-bác sĩ Thạch nói.

Không may mắn như anh Rơ Mah Tin, trước đó, Gia Lai ghi nhận 2 trường hợp tử vong do ăn thịt cóc. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 22-1 tại làng Kret Krot (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) với 4 người ăn, trong đó có 1 người tử vong. Vụ thứ 2 xảy ra vào ngày 7-4 vừa qua tại làng Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) với 3 người ăn, trong đó có 1 người tử vong. Qua xác minh được biết, chiều 6-4, bà Đ.J. (SN 1991) là mẹ đẻ của 3 cháu: Đ.T. (SN 2009), Đ.N. (SN 2017) và N.Đ.T.T. (SN 2021) bắt 1 con cóc về làm thịt và nấu ăn. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, cả 3 cháu nhỏ đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng. Đến khoảng 3 giờ ngày 7-4, các cháu được người nhà đưa lên Trung tâm Y tế huyện Chư Sê để cấp cứu. Trong đó, cháu N.Đ.T.T. được xác định tử vong ngoại viện.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân

Trước thực trạng xảy ra các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn thịt cóc, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân không nên tự ý làm thịt cóc để ăn. Bởi, chính những sơ suất trong quá trình chế biến thịt cóc có thể trả giá rất đắt, nhẹ thì ngộ độc nặng thì có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ (bìa trái) tuyên truyền người dân về phòng ngừa ngộ độc thịt cóc. Ảnh: N.N

Bác sĩ Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ (bìa trái) tuyên truyền người dân về phòng ngừa ngộ độc thịt cóc. Ảnh: N.N

Tại xã Ia Din, sau khi ghi nhận trường hợp cấp cứu do ăn thịt cóc, trứng cóc, cán bộ y tế đã vào cuộc tích cực tuyên truyền người dân không nên ăn thịt cóc. Bà Rơ Mah Dim (làng Yit Rông 2) cho biết: Người dân trong làng vẫn thường bắt cóc làm thịt ăn. Làm thịt cóc và chế biến không đúng cách, không hợp vệ sinh là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc. “Chúng tôi khuyên người dân trong làng không tự ý bắt cóc làm thịt ăn vì rất nguy hiểm. Tuyệt đối không ăn thịt cóc nếu không biết cách chế biến. Tốt hơn hết là không ăn thịt cóc”-bà Dim nói.

Bác sĩ Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ-thông tin: Năm 2013, trên địa bàn huyện xảy ra 1 vụ ngộ độc và tử vong do ăn thịt cóc. Ngay sau đó, Trung tâm đã triển khai tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm khi ăn thịt cóc. Tuy nhiên, do nhận thức của bà con còn hạn chế, nhiều người dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn ăn thịt cóc. “Thịt cóc nếu không chế biến đúng cách có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Vì vậy, người dân không nên ăn thịt cóc. Trường hợp lỡ ăn và bị ngộ độc thì cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, chữa trị kịp thời”-bác sĩ Thương khuyến cáo.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông tại chỗ cảnh báo để người dân không làm, chế biến cóc để làm thức ăn; không nên ăn những thực phẩm tuy đã nấu chín nhưng để lâu ở nhiệt độ thường; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi vừa được nấu chín, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.

Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu ngộ độc thịt cóc cần đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Ảnh: N.N

Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu ngộ độc thịt cóc cần đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Ảnh: N.N

Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) cho biết: Chất độc trong cóc là hợp chất bufotoxin có ở nhựa cóc (tiết ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da) và nội tạng gan, trứng. Trong nhựa cóc và nội tạng gan, trứng chứa lượng độc tố rất cao. Độc tố trong cóc không bị nhiệt phân hủy. Chỉ phần thịt cóc (cơ cóc) không có chất độc.

Theo bà Trang, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả da, gan và trứng cóc; không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố lẫn vào thịt cóc nên khi ăn bị nhiễm độc tố gây ngộ độc. Trung bình 1-2 giờ sau khi ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố, người bị ngộ độc sẽ có triệu chứng buồn nôn, nôn ói, chướng bụng trên và đau bụng, hồi hộp, tim đập nhanh sau đó rối loạn nhịp tim, rung thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt thấp. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị ảo giác, tứ chi tê dại, đổ mồ hôi, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và dẫn đến tử vong nếu không phát hiện cấp cứu kịp thời. Cách xử trí khi phát hiện có dấu hiệu ngộ độc là gây nôn chủ động và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Để phòng ngộ độc thịt cóc thì an toàn nhất là không ăn thịt cóc.

Có thể bạn quan tâm

Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Theo Bộ Y tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.