Theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-11, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra mặt hàng rượu tại nhà hàng kinh doanh ăn uống khu vực quận Hà Đông, Hà Nội. |
Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.
Muốn sản xuất rượu công nghiệp phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; có dây chuyền máy móc, thiết bị đúng theo quy mô; đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định; có cán bộ có chuyên môn phù hợp với ngành nghề…
Muốn sản xuất rượu thủ công phải là doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập theo quy định pháp luật; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Các hành trái quy định của pháp luật về kinh doanh rượu:
- Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định.
- Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu.
- Cho thuê, mượn giấy phép kinh doanh rượu.
- Trưng bày, mua bán các loại rượu không có tem, nhãn đúng theo quy định của pháp luật; rượu không đảm bảo tiêu chuẩn, không có nguồn gốc rõ rang.
- Bán rượu cho người dưới 18 tuổi; bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet; bán rượu bằng máy bán hàng tự động.
- Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Theo TTXVN