Cách mạng tổ chức bộ máy: Đặt yêu cầu cao hơn với chất lượng cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã, yêu cầu cấp bách đặt ra là làm sao lựa chọn được những cán bộ thực sự có năng lực và phẩm chất đáp ứng được nhiệm vụ cao hơn trong thời kỳ mới.

Để thực hiện được việc này, theo các chuyên gia, ngoài các tiêu chí, tiêu chuẩn chung, cần xem xét, lựa chọn cán bộ dựa trên phương châm hành động và kết quả thực hiện công việc được giao.

Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, một trong những nội dung quan trọng khác được Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tập trung thảo luận là nhóm vấn đề về tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, trong đó trọng tâm là văn kiện và nhân sự.

Đề cập vấn đề nhân sự, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là vấn đề “then chốt” của “then chốt” để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn của Đại hội XIV. “Yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, đòi hỏi mặt bằng đội ngũ cán bộ cao hơn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Công tác nhân sự phải được chuẩn bị từ sớm và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho đến Đại hội XIV”, Tổng Bí thư nói.

Cán bộ phải dám nghĩ, dám làm

Trao đổi với PV Tiền Phong về những yêu cầu được Tổng Bí thư nêu ra trong công tác cán bộ, ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính mới chỉ là bước đầu, điều quan trọng tiếp theo là lựa chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất để bố trí vào các chức danh lãnh đạo.

Theo ông, khi tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (không tổ chức cấp huyện) và thực hiện sắp xếp giảm số lượng các đơn vị hành chính từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 đơn vị, bên cạnh mở rộng không gian phát triển, cũng kèm theo các khó khăn, vướng mắc có thể nảy sinh.

Do đó, cán bộ được bố trí làm bí thư, chủ tịch cấp tỉnh sau sắp xếp phải là những người có năng lực nổi trội để giải quyết các vướng mắc, đồng thời tận dụng các cơ hội, lợi thế từ không gian mới, nguồn lực mới.

“Khi chưa tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp thì dưới tỉnh còn có cấp huyện. Tỉnh có thể thông qua cấp huyện để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xuống cấp cơ sở, tới người dân.

Tuy nhiên, nếu bỏ cấp huyện thì tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo xuống cấp xã, tới người dân. Do đó, nếu không có năng lực, tầm nhìn và khát vọng phát triển thì rất dễ quan liêu, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ”, ông Trường nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: Nhật Bắc
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: Nhật Bắc

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Trung ương là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, theo ông Trường, nếu cán bộ không có năng lực, không có tầm nhìn, sợ sai, sợ trách nhiệm thì sẽ khó phát huy được tinh thần này.

“Trung ương phân cấp, phân quyền để địa phương quyết, địa phương làm, nhưng nếu lãnh đạo là người sợ sai, sợ trách nhiệm, dễ dẫn đến ngồi yên, thụ động chờ sự chỉ đạo hoặc hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nói.

“Về nhân sự: đây là vấn đề “then chốt” của “then chốt” để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn của Đại hội XIV. Yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, đòi hỏi mặt bằng đội ngũ cán bộ cao hơn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Công tác nhân sự phải được chuẩn bị từ sớm và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho đến Đại hội XIV”.

Trích phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, ngày 10/4

Dẫn thực trạng “có tiền mà không tiêu được” xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công thời gian qua, ông Trường cho rằng, ngoài bất cập về hệ thống pháp luật, còn có sự thiếu quyết liệt, sợ sai, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Cho nên lần này, cùng với cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, theo ông, Đảng cũng nên có một cuộc cách mạng trong đánh giá, bố trí, lựa chọn cán bộ, để chọn được những người thực sự có năng lực, bản lĩnh vào bộ máy. “Đảng và Nhà nước đang đặt ra những yêu cầu phát triển đất nước rất cao trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, nếu không có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có tài, có đức thì thực hiện các mục tiêu trong kỷ nguyên mới sẽ rất khó khăn”, ông Trường nói.

Đánh giá qua kết quả công việc

Vậy làm sao chọn được cán bộ đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của đất nước, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hai tiêu chí quan trọng nhất vẫn là đức và tài. Theo ông, nếu có tài mà không có đức thì rất dễ dẫn đến suy thoái, lợi ích nhóm, tham nhũng.

Thực tiễn, từ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nhiều cán bộ tuy có năng lực nhưng lại không vượt qua được những cám dỗ vật chất dẫn đến bị doanh nghiệp mua chuộc bởi “tiền bạc”.

“Nhiều địa phương thời gian qua kinh tế phát triển rất tốt, tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát phát hiện ra lãnh đạo tỉnh có tham ô, tham nhũng, có những người nhận tiền của doanh nghiệp đến hàng triệu USD”, ông Túc cho hay.

Tuy nhiên, theo ông, nếu cán bộ có đức mà không có tài thì không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới, nhất là trong bối cảnh tổ chức bộ máy theo hướng: bộ đa ngành, đa ngành, đa lĩnh vực; rồi sắp xếp cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã.

“Lãnh đạo một tỉnh có diện tích nhỏ, nhiều tiềm năng mà không làm cho kinh tế địa phương phát triển, tới đây, khi được sắp xếp với địa phương khác, hình thành ra quy mô đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn hơn thì sẽ ra sao? Lãnh đạo tỉnh, thành mà cứ vo tròn, giữ mình an toàn, không chịu đổi mới, đột phá, sáng tạo dám nghĩ, dám làm thì làm sao tận dụng được các cơ hội, lợi thế từ việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Cho nên đức và tài vẫn là hai là yếu tố gốc quan trọng nhất để đánh giá, xem xét lựa chọn cán bộ”, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.

Ông Túc cho rằng, khi đánh giá lựa chọn cán bộ, phải nhìn ở nhiều góc độ và “đừng thấy đỏ tưởng là chín”.

“Đánh giá cái tài của cán bộ là phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tổ chức chính quyền gần dân mà cán bộ chỉ ngồi phòng lạnh, đưa ra chỉ đạo thiếu thực tiễn thì làm sao đáp ứng được yêu cầu của người dân”, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Trường cho rằng, ngoài các tiêu chuẩn, tiêu chí chung, trong bối cảnh hiện nay, nên đánh giá, lựa chọn cán bộ dựa trên phương châm hành động và kết quả thực hiện công việc được giao.

“Đánh giá, lựa chọn cán bộ là phải thông qua kết quả thực hiện công việc được giao. Làm lãnh đạo, nếu làm cho kinh tế địa phương phát triển, được nhân dân tín nhiệm thì chắc chắn người đó có năng lực và đạo đức.

Ngược lại, lãnh đạo để kinh tế địa phương trì trệ, không kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân thì không thể nói là giỏi được”, ông Trường nói.

Ngoài ra, theo ông Trường, cán bộ khi xem xét, cân nhắc vào các vị trí cao hơn cần phải có chương trình hành động trình với cấp có thẩm quyền để xem xét đánh giá. Sau này, khi được giao nhiệm vụ, căn cứ vào chương trình hành động đó, cấp có thẩm quyền có thể đánh giá cán bộ một cách thực chất, hiệu quả giữa việc “hứa” và “làm”.

Đặc biệt, cả ông Túc và ông Trường đều lưu ý, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, cần phải “phòng, chống” hiệu quả tư tưởng cục bộ địa phương trong bố trí lựa chọn cán bộ.

Theo VĂN KIÊN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Thực hiện tốt nhiệm vụ theo tổ chức bộ máy mới

Thực hiện tốt nhiệm vụ theo tổ chức bộ máy mới

(GLO)- Lời Tòa soạn: Sau hợp nhất, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Gia Lai đã ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh tặng quà

Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết tỉnh Attapeu

(GLO)- Chiều 8-4, đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Gia Lai do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết lãnh đạo và Nhân dân các dân tộc tỉnh Attapeu (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) nhân dịp Tết cổ truyền Bun Pi May.

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Quân đội Hoàng gia Campuchia

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Quân đội Hoàng gia Campuchia

(GLO)- Chiều 8-4, Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đến thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Quân khu IV (Quân đội Hoàng gia Campuchia) tại TP. Siem Reap nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.