Ca ghép thận lợn cho người đầu tiên trên thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một người đàn ông ở Massachusetts, Mỹ vừa trở thành người đầu tiên được ghép thận của lợn đã được chỉnh sửa gien để tương thích với thận của con người.
Chuyên gia điều dưỡng lấy quả thận lợn ra khỏi hộp để chuẩn bị cho việc cấy ghép cho con người. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Massachusetts)

Chuyên gia điều dưỡng lấy quả thận lợn ra khỏi hộp để chuẩn bị cho việc cấy ghép cho con người. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Massachusetts)

Các nhà khoa học đã và đang phát triển lợn biến đổi gien để giải quyết tình trạng thiếu nội tạng nghiêm trọng của con người cho việc phẫu thuật cấy ghép. Một số thí nghiệm cấy ghép nội tạng lợn đã được thực hiện trong những năm gần đây như ca cấy ghép quả thận của lợn vào cơ thể của một người hiến tạng chết não và một ca ghép hai quả thận cho một bệnh nhân chết não. Ngoài ra, vào năm 2022, một người đàn ông đã trải qua ca ghép tim lợn đầu tiên nhưng đã chết ngay sau đó.

Trong cột mốc y học mới nhất này, các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ đã lần đầu tiên ghép một quả thận lợn vào một bệnh nhân còn sống. Theo một tuyên bố từ bệnh viện, bệnh nhân 62 tuổi, Richard Slayman, đang hồi phục tốt sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ vào ngày 16/3 vừa qua và dự kiến ông sẽ sớm được xuất viện.

Người được ghép thận Slayman cho biết: “Tôi coi ca cấy ghép này không chỉ giúp tôi mà còn là cách mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần cấy ghép để sống sót”.

Slayman, đến từ Weymouth, Massachusetts, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường loại 2 và huyết áp cao và đã chạy thận nhân tạo trong 7 năm trước khi tiến hành ca ghép thận của người vào năm 2018. Tuy nhiên, 5 năm sau, cơ quan được cấy ghép có dấu hiệu thất bại. Ông bắt đầu lại quá trình chạy thận vào năm 2023, điều này đã gây ra những biến chứng nghiêm trọng cần phải đến bệnh viện thường xuyên để xử lý.

Tiến sĩ Winfred Williams, phó trưởng khoa thận tại Mass General và bác sĩ thận chính của bệnh nhân này, cho biết: "Ông ấy sẽ phải đợi từ 5 đến 6 năm để có được một quả thận của con người. Ông ấy sẽ không thể sống sót nếu chờ đợi quá lâu".

Slayman có cơ hội nhận được một quả thận lợn và sau khi thảo luận về những rủi ro tiềm ẩn của thủ thuật với các bác sĩ, ông đã đồng ý phẫu thuật. Bản thân quả thận này đến từ eGenesis, một công ty công nghệ sinh học đang phát triển các cơ quan được thiết kế tương thích với con người. Công ty sử dụng hệ thống chỉnh sửa gen nổi tiếng CRISPR để điều chỉnh gien của lợn cho phù hợp với thận của người.

Để tạo ra các cơ quan phù hợp với con người, các nhà khoa học đã cắt bỏ ba gien liên quan đến việc tạo ra carbohydrate hoặc đường được tìm thấy ở lợn mà hệ miễn dịch của con người tấn công. Ngoài ra, họ còn bổ sung thêm 7 gien của con người giúp ngăn ngừa các hiệu ứng domino liên quan đến miễn dịch có thể dẫn đến đào thải bộ phận cấy ghép. Và cuối cùng, họ vô hiệu hóa các đoạn ADN của virus - được gọi là retrovirus nội sinh - trong bộ gien của lợn có thể làm tổn thương con người. Tổng cộng, các nhà khoa học đã thực hiện 69 chỉnh sửa trên ADN của lợn để tương thích với thận của con người.

Là một phần của quy trình cấy ghép, Slayman nhận được hai phương pháp điều trị dựa trên kháng thể để giúp ngăn ngừa đào thải nội tạng cũng như dùng thuốc ức chế miễn dịch. Sự thành công rõ ràng của phương pháp này làm tăng hy vọng rằng, một ngày nào đó việc cấy ghép như thế này có thể trở nên phổ biến.

Tiến sĩ Leonardo Riella, giám đốc y tế về ghép thận tại Mass General, nói: “Hy vọng của chúng tôi là phương pháp lọc máu sẽ trở nên lỗi thời”.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng đề xuất 3 định hướng đột phá để ASEAN trở thành hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu

Thủ tướng đề xuất 3 định hướng đột phá để ASEAN trở thành hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu

(GLO)- Tại Tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN-nơi có thể có hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 lĩnh vực ưu tiên và đề xuất 3 định hướng đột phá để ASEAN trở thành hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.