Ca cao: Niềm hy vọng mới của nông dân Pờ Tó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được trồng tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) từ năm 2021, 18 ha ca cao đang sinh trưởng, phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch và có đầu ra ổn định.

Sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tiềm năng phát triển

Giữa cái nắng tháng 4, chúng tôi ghé thăm mô hình trồng cây ca cao tại thôn 4, xã Pờ Tó. Vùng đất khô cằn sỏi đá trước đây chỉ trồng mía, mì nay được thay thế bằng vườn ca cao lúc lỉu quả. Đây là mô hình do Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (tỉnh Đồng Nai) triển khai từ giữa năm 2021 trên diện tích 18 ha.

Sau 3 năm triển khai, mô hình cho thấy kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Cây ca cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Pờ Tó nên sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: V.C

Cây ca cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Pờ Tó nên sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: V.C

Theo ông Võ Văn Quý-Quản lý khu vực Gia Lai của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, ca cao là loại cây ưa bóng râm, rễ cây yếu không thích hợp với vùng gió mạnh. Vì vậy, cùng với việc xuống giống cây ca cao, đơn vị tiến hành trồng xen chuối để chắn gió. Việc xen canh này không chỉ giúp lấy ngắn nuôi dài, tăng hiệu quả sử dụng đất mà còn điều hòa khí hậu, giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm để cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Quý thông tin: “Qua theo dõi, đánh giá, cây ca cao khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Pờ Tó. Cây phát triển nhanh, tỷ lệ đậu quả cao. Mỗi cây cho thu hoạch khoảng 20-30 kg quả tươi/năm. Với giá thu mua 6.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta ca cao cho lợi nhuận khoảng 80-100 triệu đồng/năm. Sau 5 năm, cây ca cao sẽ cho sản lượng ổn định”.

Từ hiệu quả mang lại, năm 2023, Công ty mở rộng diện tích tại xã Pờ Tó lên 40 ha, hợp đồng 15 lao động tại địa phương phụ trách dọn cỏ, bón phân, chăm sóc, thu hoạch với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Là người chăm sóc vườn ca cao ngay từ những ngày đầu xuống giống, ông Trương Hoàng Vinh chia sẻ: “Cây ca cao không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, chỉ cần chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt, tránh ngập úng vào mùa mưa là được. Loại cây này cũng ít sâu bệnh, chủ yếu là bọ xít và rệp sáp nên có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học diệt trừ.

Nếu cung cấp đủ nước tưới, cây ra quả quanh năm. Mỗi lứa hoa cách nhau khoảng 25 ngày, thời gian từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch quả là 4,5 tháng. Sau khi thu hoạch, quả được sơ chế, phơi khô trước khi vận chuyển về nhà máy chế biến tại Đồng Nai”.

Ông Đặng Tường Khanh-Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức-cho biết: Gia Lai có lợi thế về nguồn đất đai rộng lớn, có điều kiện cơ giới hóa. Chỉ cần trồng xen với cây có tán để khắc phục tình trạng gió nhiều và đảm bảo nước tưới thì cây ca cao sẽ cho năng suất cao.

Công ty đang phối hợp với chính quyền huyện Ia Pa xây dựng chuỗi liên kết với người dân địa phương. Nếu người dân có nhu cầu, Công ty cam kết hỗ trợ một phần giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cam kết không dưới 5.000 đồng/kg. Công ty đang thu mua với giá 6.500 đồng/kg theo giá thị trường.

Công ty cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai vườn ươm cây giống và điểm thu mua ca cao tại xã Pờ Tó, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu bền vững tại địa phương.

Liên kết bền vững

Tuy lần đầu tiên được trồng tại Pờ Tó nhưng cây ca cao đã mang lại kết quả khả quan. Việc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân với giá không dưới 5.000 đồng/kg đã giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Thái-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho hay: Chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động những hộ dân có đủ điều kiện triển khai nhân rộng mô hình, đặc biệt là hộ trồng cây ăn quả. Năm 2023, xã có 2 hộ đăng ký tham gia mô hình với diện tích trên 3 ha.

Vì ca cao là cây công nghiệp lâu năm, ưa bóng râm nên việc triển khai xen canh trong vườn cây ăn quả giúp người dân vừa duy trì được nguồn thu trước mắt, vừa tăng hiệu quả sử dụng đất trong tương lai.

Sau 3 năm, mô hình ca cao tại xã Pờ Tó bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi

Sau 3 năm, mô hình ca cao tại xã Pờ Tó bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi

Sau khi tham quan mô hình trồng ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, anh Bùi Đức Trung (thôn 4, xã Pờ Tó) quyết định xuống giống 1.200 cây ca cao xen canh trong 1,5 ha xoài. “Khi triển khai xen canh cây ca cao, tôi được Công ty hỗ trợ 370 cây giống và hướng dẫn kỹ thuật. Tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây phát triển. Sau gần 1 năm xuống giống, cây ca cao sinh trưởng tốt, mang lại nhiều hy vọng cho gia đình”-anh Trung phấn khởi nói.

Những năm gần đây, huyện Ia Pa tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, từng bước xây dựng ngành nông nghiệp xanh, phát triển theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tổ chức nhiều hội nghị mời gọi các doanh nghiệp đến địa bàn khảo sát, đầu tư liên kết với người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mô hình trồng ca cao do Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức triển khai tại xã Pờ Tó đã mang đến nhiều kỳ vọng cho người dân.

Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Trên cơ sở hiệu quả bước đầu, huyện tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức triển khai dự án liên kết trồng ca cao sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự án sẽ triển khai trên diện tích 26 ha với 39 hộ dân tham gia; tổng nguồn vốn 6 tỷ đồng. Đây là hướng đi mới, vừa mở ra cơ hội chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi.

Có thể bạn quan tâm

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Người trồng cà phê như được tặng quà Giáng sinh khi ngay trong phiên giao dịch đêm 24.12, giá cà phê đồng loạt tăng trên cả 2 sàn London và New York, kéo thị trường nội địa tăng theo. Tuy nhiên hiện nay, giá cà phê arabica đang nới rộng khoảng cách với robusta, vì sao?

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.