Bộ Y tế lên tiếng về phát ngôn đổi tên Trường đại học Y dược TP.HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Trường đại học Y dược TP.HCM đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM để tránh tụt hậu đã có nhiều dư luận trái chiều về vấn đề này, ngày 17.9, Bộ Y tế đã lên tiếng cho rằng việc đổi tên trường này là cần thiết và phù hợp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Trường đại học Y dược TP.HCM vừa được Bộ trưởng Y tế đề nghị đổi tên thành Đại hoc sức khỏe TP.HCM - Ảnh: PV
Trường đại học Y dược TP.HCM vừa được Bộ trưởng Y tế đề nghị đổi tên thành Đại hoc sức khỏe TP.HCM - Ảnh: PV
Trước đó, chia sẻ tại lễ khai giảng khoa y, Trường đại học Y dược TP.HCM vào chiều 16.9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong số 14 trường đại học trực thuộc bộ này thì Trường đại học Y dược TP.HCM là trường có quy mô lớn nhất, có thể phát triển thành đại học sức khỏe.
Theo bà Tiến, hiện nay Trường đại học Y dược TP.HCM chưa thể là “đại học” vì trường này chỉ có các khoa. Vì thế bà Tiến yêu cầu trường này phải nhanh chóng lập đề án đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM, trong đó có các trường y khoa và các trường khác. Nếu không sớm đổi mới sẽ tụt hậu so với các nước Lào và Campuchia. Ngay sau yêu cầu trên của Bộ trưởng Y tế đã có nhiều dư luận trái chiều về vấn đề này.
Chia sẻ về điều này, TS Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...
Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XII, liên quan đến công tác đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ hai đề án rất quan trọng là Đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn và Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe.
Đối với Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe mà Bộ Y tế đang xây dựng để trình Thủ tướng, ông Lợi cho biết hiện nay, mô hình đại học đã có ở mặt ở Việt Nam là Đại học Quốc gia (Hà Nội, TPHCM), trong đó có các trường đại học thành viên; Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như Đại học Khoa học sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco)...
Cách đây gần 20 năm, Bộ Y tế cũng đã có chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Về bản chất, đây là mô hình đại học, trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường đại học Y, Trường đại học Dược, Trường đại học Điều dưỡng, Trường đại học Y tế công cộng, ...
Ông Lợi cho rằng mô hình đại học sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...
“Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và “thương hiệu” của cơ sở đào tạo. Chúng tôi cũng xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi. Hiện Đại học Y dược TP.HCM hoạt động theo mô hình trường đại học đang làm Đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là Đại học Y dược TP.HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình Đại học khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt”, ông Lợi cho biết.
Bên cạnh đó, ông Lợi cũng cho biết về định hướng thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề và Hội đồng Y khoa quốc gia. Theo đó, chỉ những người chưa có chứng chỉ hành nghề thì phải trải qua kỳ thi này, còn những người đã có chứng chỉ hành nghề trước đây thì không cần phải trải qua kỳ thi này.
Dự kiến việc thi sẽ được áp dụng theo mô hình của các nước tiên tiến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để thuận lợi nhất cho người dự thi, đảm bảo công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của người dự thi.
“Thi quốc gia ở đây nghĩa là kỳ thi được tổ chức ở nhiều địa phương, nhiều thời điểm trong năm, nhưng theo một bộ tiêu chí đánh giá năng lực chung của cả nước do Hội đồng Y khoa Quốc gia xác định, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, ông Lợi lý giải.
Cũng theo ông Lợi, Hội đồng Y khoa Quốc gia là mô hình được rất nhiều nước đã áp dụng. Cơ quan này có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế xác định cơ chế đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực nghề nghiệp để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Hồ Quang (Một Thế Giới)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).