Bộ Tư pháp lên tiếng về đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhằm tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động, Bộ Tư pháp đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Bộ Tư pháp vừa hoàn thành báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trình. Trong đó, cơ quan này đưa ra một số khuyến cáo đối với đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần cũng như giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lưu hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Đối với đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Việc ban hành Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội về sửa Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội trước đây chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các KCN, các doanh nghiệp có thời gian đóng ngắn, có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.

Theo Bộ Tư pháp, việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ BHXH một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động. Từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý...

Về đề xuất giảm thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để nhiều người hưởng lương hưu, Bộ Tư pháp cho rằng giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về các chính sách bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu người lao động nhận được thấp, có thể không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động khi nghỉ hưu và có thể dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu đối với người có lương hưu thấp trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách chỉ mới đưa ra các nhận xét chung chung, chưa phân tích kỹ các tác động chính sách, nhất là tác động về kinh tế - xã hội, chưa làm rõ tỉ lệ lương hưu tương ứng như thế nào với thời gian đã giảm dần (giữ nguyên mức hưởng 45% như hiện hành hay giảm xuống tỉ lệ nào mà vẫn đảm bảo điều kiện sống của người lao động). Do đó, để đảm bảo tính khả thi, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động của chính sách này.

Để tránh tình trạng có người hưởng lương quá thấp nhưng lại có người hưởng lương quá cao như hiện hành, Bộ LĐTBXH đã đề xuất "Sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu theo hướng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được tính theo mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trung bình của tất cả mọi người tham gia bảo hiểm xã hội".

Về vấn đề trên, Bộ Tư pháp cho rằng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu mới này có thể xung đột với nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội là "đóng - hưởng".

Người lao động đang tham gia ở mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trên mức trung bình có thể bị giảm quyền lợi thụ hưởng. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động kỹ về kinh tế - xã hội.

Việc đề xuất giải pháp chính sách mới cần tính đến yếu tố ổn định và có sự kế thừa, tránh gây "sốc" cho người lao động, dẫn đến việc phải xử lý tình huống khi có sự chênh lệch lương hưu của người lao động nghỉ hưu ở các giai đoạn giáp ranh. Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động chính sách chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến mức lương hưu thấp là do người lao động đóng thấp hay do quy định đóng - hưởng bảo hiểm xã hội hiện nay dẫn đến người lao động có mức hưởng bảo hiểm xã hội thấp.

"Trong khi đó, đối với người lao động có mức đóng - hưởng bảo hiểm xã hội cao, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có cơ chế, giải pháp xử lý theo hướng quy định mức tiền lương tháng cao nhất đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở…" - Bộ Tư pháp lưu ý.

https://laodong.vn/xa-hoi/bo-tu-phap-len-tieng-ve-de-xuat-giam-50-muc-huong-neu-rut-bhxh-mot-lan-924935.ldo
 

Theo QUỲNH CHI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.