Bộ Tư pháp hoàn thành 63/94 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 19-7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2022.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 94 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 63 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 31 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận, trả lời 304 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành địa phương, trong đó có 131 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc thẩm quyền.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã thẩm định 8 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo. Các Sở Tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 2.218 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các phòng Tư pháp thẩm định 1.432 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp cũng đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.368 văn bản (gồm 142 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.226 văn bản của địa phương). Bên cạnh đó, Bộ đã thẩm định 13 điều ước quốc tế (giảm 2 văn bản so với cùng kỳ năm 2021); góp ý 52 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (giảm 56 văn bản so với cùng kỳ năm 2021); đã tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 3.178 yêu cầu ủy thác tư pháp; cấp 4 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 tại điểm cầu. Ảnh: R'Ô HOK
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R'Ô HOK
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 274.268 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người; tổ chức 2.996 cuộc thi cho 2,5 triệu lượt người dự thi; phát miễn phí hơn 25 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021). Toàn ngành đã tiếp nhận, thực hiện 29.084 vụ việc trợ giúp pháp lý, tăng 3.368 vụ việc (tăng 13,10% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong đó, số vụ việc tham gia tố tụng tiếp nhận, thực hiện là 25.213 vụ việc, tăng 2.376 vụ việc (tăng 10,40% so với cùng kỳ năm 2021), chiếm 86,70% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý. Ngành Tư pháp cũng đã thực hiện đăng ký khai sinh hơn 26,7 triệu trường hợp, 3,9 triệu trường hợp khai tử, hơn 113.000 trường hợp nhận cha, mẹ con; hơn 14.000 trường hợp đăng ký giám hộ; hơn 12.000 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; hơn 28.000 trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; thực hiện chứng thực hơn 50 triệu bản sao (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021); hơn 3,46 triệu việc chứng thực chữ ký (tăng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm 2021) và hơn 987.000 việc chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-6-2022), các cơ quan Thi hành án dân sự cũng đã thi hành xong 384.490 việc, đạt tỉ lệ 64,35% (tăng 0,42% so với cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã thực hiện cấp 28.259 phiếu lý lịch tư pháp; các Sở Tư pháp đã cấp 424.528 phiếu lý lịch tư pháp (tăng hơn 23,4% so với cùng kỳ năm 2021)...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, ngành Tư pháp cần tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Kịp thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, triển khai thực hiện các kế hoạch công tác điều hành. Tăng cường công tác tự kiểm tra gắn với việc động viên, khích lệ kịp thời các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
R’Ô HOK
 

Có thể bạn quan tâm