Bỏ trần "cứng" đối với chỉ tiêu trả nợ nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo cáo về tình hình nợ công vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội cho biết, một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới cũng như các cơ quan nghiên cứu trong nước được tham vấn đều khuyến nghị Việt Nam xem xét, điều chỉnh chính sách và công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với đặc điểm rủi ro của mỗi cấu phần nợ.

Theo báo cáo, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, vay và trả nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công. Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2016-2019, góp phần làm tăng dư địa chính sách tài khóa.

Trong số 6 chỉ tiêu về nợ công, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Trong khi giới hạn cho phép là dưới 25% thì giai đoạn 2016-2020, con số này đều ở mức xấp xỉ và trên 30% (năm 2020 ước khoảng 34,6%), chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hàng năm tăng mạnh. Đáng lưu ý, qua nghiên cứu thông lệ quốc tế đối với các quốc gia có thu nhập trung bình, Chính phủ nhận định, việc quản lý, giám sát chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia như Việt Nam hiện nay còn khó khăn, bất cập cả về công cụ cũng như phương thức quản lý. Theo kinh nghiệm quốc tế, không có nước nào áp dụng hạn mức trần chung cho chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia (của khu vực công lẫn khu vực tư), cũng như không quốc gia nào đề ra mức trần chung đối với các khoản vay nước ngoài của khu vực tư nhân. Thay vào đó, các nước thường áp dụng công cụ quản lý đối với từng loại doanh nghiệp, tổ chức cụ thể.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, phê duyệt định hướng chính sách chung theo hướng tách bạch quản lý nợ nước ngoài khu vực công và khu vực tư nhân. Theo đó, chỉ đề ra mức trần nợ công nước ngoài trên tổng dư nợ công; thiết lập chỉ tiêu cảnh báo (thay vì mức trần cứng) đối với chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của khu vực công và của khu vực tư nhân để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời. Về các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả: Cân nhắc bỏ hạn mức trần đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; nghiên cứu, đề xuất áp dụng bộ công cụ chính sách an toàn vĩ mô và kiểm soát luân chuyển vốn phù hợp với rủi ro của từng đối tượng vay để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Về thống kê, phân loại nợ nước ngoài: Nghiên cứu và xem xét điều chỉnh phương pháp thống kê nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân theo nguyên tắc nơi cư trú của chủ nợ để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế; đồng thời theo dõi chỉ tiêu nợ nước ngoài theo tiêu chí ngoại tệ để quản lý rủi ro tỷ giá.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.