Cuộc họp của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì |
Sau khi Báo SGGP cùng một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng thịt gia cầm và các sản phẩm thịt ngoại, nội tạng động vật được cho phép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam (cùng với đó là gia cầm lậu thải loại - gà sống từ Thái Lan vào miền Nam và miền Trung nước ta), dẫn đến giá heo, gà trong nước rớt mạnh, nông dân có nguy cơ phá sản, ngày 21-5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng và báo chí để làm rõ các vấn đề liên quan.
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thu Thủy, báo cáo, từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng 4.000 tấn chân gà và hơn 400 tấn gà, vịt giống được nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo công văn gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) lại cho rằng, thời gian qua, có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng, vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam, làm thực phẩm cho người.
Nông dân, chủ trại gia cầm liên tục khó khăn vì giá rẻ, nguồn thịt ngoại ồ ạt vào nội địa |
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng, giá heo, gà rẻ là do sản xuất không gắn kết thị trường |
Công văn của VIPA cũng khẳng định, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà đẻ thải loại (gà sống) được nhập lậu qua biên giới vào nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam tăng liên tục, theo ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.
VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine để bảo vệ sức khỏe người dân.
Liên quan đến tình trạng để gà loại thải, không đảm bảo chất lượng tuồn vào Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy khẳng định, một sản phẩm thịt hoặc phụ phẩm nhập khẩu có mặt trên thị trường Việt Nam phải tuân thủ quy trình 5 bước và phải trải qua quá trình đàm phán tối thiểu từ 4 đến 5 năm.
Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại cuộc họp |
Theo đại diện Cục Thú y, do Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên việc đàm phán phải theo nguyên tắc không phân biệt đối xử bất cứ một sản phẩm nào khi được nhập khẩu vào Việt Nam.
“Cục Thú y thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh cũng như cả quá trình giám sát an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, nói là sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp”- đại diện Cục Thú y (cơ quan cấp phép nhập khẩu) lên tiếng.
Mặc dù vậy, đại diện Cục Thú y cũng khẳng định, sắp tới sẽ rà soát lại các tiêu chuẩn cũng như sản phẩm của các nước mà hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều.
Sau khi nhận được công văn của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp ký Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18-5, yêu cầu các bộ liên quan ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thị trường và giá cả luôn bất ổn, phải quen dần với những điều này, bởi theo cơ chế thị trường thì không bao giờ ổn định.