Biên cương ngời một sắc xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể nói lịch sử cây cao su Đức Cơ (Gia Lai) bắt đầu từ miền đất Công ty 74 (binh đoàn 15) đứng chân. Một giai đoạn lịch sử lắm khúc quanh thấm máu, mồ hôi và nước mắt để bây giờ mới nên dòng nhựa ấm lành…
Vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm đã nuôi tham vọng đưa cây cao su vào đất này. Cụ Võ Đai- một dân dinh điền “thứ thiệt” đã kể cho tôi nghe những năm tháng hãi hùng của cái gọi là “chính sách dinh điền” ấy… Với mưu đồ “tách cá ra khỏi nước”, sau những đợt “tố Cộng” tàn khốc, Ngô Đình Diệm đã cho gom những gia đình có liên quan đến Cộng sản đưa lên Đức Cơ- bấy giờ được mang cái tên mỹ miều là “quận Lệ Thanh”. Chờ đợi họ là những dãy nhà dài lợp tranh lụp xụp, những dải đất ủi sẵn ngút mắt, đỏ bầm như máu. Rừng thiêng nước độc, sốt rét hoành hành. Những thân hình võ vàng lẩy bẩy trên sạp tre la liệt. Có ngày chết cả vài chục người. Hòm ván làm không kịp phải chẻ nứa đan phên bó lại đem chôn. Đất thiêng không dung tham vọng tội ác. Chính sách dinh điền đã nhanh chóng ra đi với chế độ gia đình trị nhà họ Ngô…
Vườn cao su.
Vườn cao su.
Tháng 3-1975, khi những cánh quân đang thừa thắng xốc tới dinh lũy cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn thì tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) Đoàn Mê Linh được thành lập với nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng. Một tầm nhìn “lãng mạn” cho tiền đồ dải đất phên giậu của Tổ quốc chưa ai hay đã bắt đầu. Song cũng ít ai ngờ phải gần một phần tư thế kỷ sau, tầm nhìn “lãng mạn” ấy mới trở thành hiện thực…
6 lần đổi tên- cũng có nghĩa là ngần ấy lần chuyển giao, thay đổi mô hình. Nhưng dù với mô hình nào thì cán bộ, chiến sĩ Công ty 74 cũng là người lính chân đất, chỉ một niềm với đất. Đất bao mùa trở mình, với họ là bấy nhiêu chặng đường gian khổ… Đại tá Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty bây giờ- ngày ấy cũng là người lính chân đất đích thực- đã kể cho chúng tôi nghe cái thời mà ông vẫn nói vui là “đánh gốc bốc chà”… Sau chặng đường hành quân ròng rã 33 ngày đêm, dẫu là tuổi trẻ đang mang trong mình nhiệt huyết thời đại, vẫn không ai không chùng xuống trước một hiện thực khắc nghiệt: Những vạt rừng đét đóng, xác xơ vì bom đạn; những cơn gió man dại không hồi âm… Mỗi tiểu đội 14 người là một gian nhà tranh vách đất, giường bằng sạp nứa. Ngày hai buổi “đánh gốc bốc chà”, tối về chỉ bát cơm và hai bánh mì luộc.
Nhà chưa kịp ấm hơi người, sốt rét đã trỗi dậy hoành hành. Đáng sợ hơn là hiểm họa mà kẻ thù để lại trong lòng đất. Những dòng máu đã đổ trên triền đất đỏ. Niềm khát khao của tuổi trẻ là cuộc sống tinh thần thì cũng vô cùng thiếu thốn. Một ước muốn nhỏ nhoi là được ra thị xã thăm thú mà cả Trung đoàn không có nổi chiếc xe đạp để đi. Pleiku ngày ấy tẻ nhạt là thế mà có người ao ước suốt 2 năm mới được đến một lần! Tương lai nào cho cuộc sống này? Không ít người đã chẳng cần đến một sự dằn vặt. Câu trả lời đơn giản là chạy trốn khỏi cuộc sống mà họ cho là vô vọng. Ngay tháng đầu tiên đã có người trốn. Có đại đội bỏ ngũ đến một phần ba. Chỉ riêng một xã như Hồng Lạc, 80 người ra đi, trụ lại vỏn vẹn chỉ 6 người. Điều bất ngờ là nam lại bỏ ngũ nhiều hơn nữ…
Nếu chân lý cuộc sống phụ thuộc vào sự cảm nhận nông cạn của một thiểu số người thì Công ty có lẽ đã tan vỡ từ ngày ấy? Nhưng không, cuộc sống bao giờ cũng là niềm tin của số đông. Mang niềm tin làm hành trang từ buổi ra đi, họ vẫn nghe tiếng lặng thầm của đất. Họ tin vào bản lĩnh của chính mình. Và niềm tin của họ đã được đặt cược đúng chỗ. Cuộc sống bắt đầu sáng lên từ những năm 1990…
Nhà máy chế biến mủ cao su. Ảnh: N.T
Nhà máy chế biến mủ cao su. Ảnh: N.T
Nhưng phải khi đứng vào đội ngũ của Binh đoàn 15, lịch sử Công ty mới thật sự lật sang trang mới. Chỉ với khoảng thời gian bằng một nửa chặng đường trước đó, Công ty đã phát triển diện tích cao su lên gần 6.000 ha cùng gần 150 ha cà phê. Từ kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, Công ty đã chuyển sang sản xuất kinh doanh tập trung đa ngành, đầu tư chiều sâu. Với tinh thần năng động, dám nghĩ dám làm, thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo của người lao động, Công ty đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong cơ chế thị trường. Nếu năm 1999 sản lượng mủ khô mới đạt gần 1.700 tấn thì năm 2009 đã vượt lên gần 9.000 tấn- tăng 5,3 lần, cà phê tăng 1,95 lần; lợi nhuận so cùng năm tăng hơn 33 lần, nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 40 lần… Sản xuất kinh doanh phát triển, đời sống của người lao động đã được cải thiện một bước dài. Nếu năm 1999 tiền lương bình quân chỉ mới đạt gần 700.000 đồng/tháng thì năm 2009 đã là 4.500.000 đồng tăng 6,6 lần…
Vẫn nghe tiếng làng Mới của “người Anh hùng chân đất” Rơ Mah Klum từ lâu, giờ tôi mới có dịp đến thăm.
Con đường cấp phối kẻ một vệt thẳng băng dưới tán rừng cao su sau mùa thay lá. Từ xa đã thấy hồ chứa nước của làng lóng lánh ánh mắt xanh dưới cái nắng thảm vàng như pha mật. Làng Mới hiện ra trước mắt tôi với dáng dấp hiện đại của một không gian sống. Nhà nào cũng dịu mát dưới những tầng cây. Phải đáo xe mấy vòng tôi mới gặp được Rơ Mah Klum để nghe ông kể chuyện làng…
Hơn hai chục năm về trước, sau gần ba chục năm đánh giặc, Rơ Mah Klum trở về làng. Ông không ngờ đôi mắt đã ráo hoảnh vì chiến tranh ác liệt của mình lại phải rơi những giọt nước mắt giữa đời thường… Dường như chẳng có gì thay đổi từ cái ngày ông từ giã làng ra đi…
Rơ Mah Klum dẫn 12 hộ thanh niên cùng 4 hộ cựu chiến binh theo ông lập làng mới. Công ty đã giúp tháo gỡ bom mìn, đắp hồ chứa nước cùng tất cả những gì có thể. Chỉ một thời gian, cái đói đã lùi bước… Tuy nhiên bằng con mắt nhạy cảm của người lính một đời trận mạc, Rơ Mah Klum hiểu rằng nếu chỉ làm cây lúa thì chỉ hết đói chứ khó thoát được nghèo. Ông đứng ra xin Công ty cho làng ông được làm công nhân…
Nhờ sự giúp đỡ của Công ty, ông đứng ra trồng 7 ha cao su. Sức thuyết phục của cái mới đã được Klum đặt cược đúng chỗ. Làng Mới trở thành làng đầu tiên làm cao su. Bây giờ hơn 50 hộ công nhân đã có đời sống khá nhất xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ). Mỗi tháng người làng Mới làm ra một số tiền tương đương trước đây làm rẫy cả năm. Một cuộc sống chưa có ngay cả trong mơ của những ngày cơ cực…
Làng Mới chỉ là một trong 28 làng đã thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu cố hữu như có phép nhiệm màu như thế… Không kể trên 1.400 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã trở thành công nhân-trong đó hơn 80% đã có đời sống khá, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đứng chân hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đã được Công ty giúp đỡ. Những năm qua, hàng chục tỷ đồng đã được Công ty đầu tư để xây dựng đường liên thôn, xã; hồ đập, cầu cống, trường học, bệnh xá, khu vui chơi cho thanh-thiếu niên… Gần đây, với sự sáng tạo mô hình “gắn kết hộ”, Công ty đã “vi mô” thêm chủ trương “Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”. 685 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã kết nghĩa với 685 hộ công nhân người Kinh. Từng chi tiết nhỏ trong quản trị gia đình đến việc lớn xã hội đều được sẻ chia, giúp đỡ bằng tình thân ruột thịt. Tế bào gia đình gắn kết- trái tim cùng nhịp đập, một dải biên cương thêm vững chắc một tiền đồn. Ngọn gió “đen” của các thế lực phản động đã không còn chỗ len chân…
Trên đường về trụ sở Công ty, tôi không theo con đường cấp phối cũ mà rẽ ngang vào một lô cao su. Nhìn những thân cây trải đều tăm tắp, tôi biết nó được trồng vào thời kỹ thuật đã bài bản, tài chính đã dồi dào. Từng chùm lá non trong nắng quái rực lên một cái màu thật “Lêvitan”. Tôi lẩn thẩn cào móng tay vào vết cạo, những dòng nhựa li ti lập tức ứa ra…
Cây đang lắng tiếng gọi mùa hay tiếng trở mùa từ đất? Với tôi, có lẽ cây đang lắng tiếng trở mùa. “Mỗi giọt nhựa có được hôm nay phải đổi bằng nước mắt và máu của bao thế hệ”. Lời của Giám đốc Trần Quang Hùng văng vẳng bên tai. Ở đâu trên cao nguyên đã có một mảnh đất thiêng hơn mảnh đất này? Đất thiêng-tất chỉ dung nạp những ý tưởng chân chính, vị nhân sinh. Lịch sử mới hơn nửa thế kỷ đã chứng minh quá đủ cái triết lý nhuốm màu tâm linh ấy…
Tôi cầm chiếc lá vàng rực bất chợt sa vào tay mình, lòng bâng khuâng tưởng như đang cầm trên tay tiếng vọng của đất qua màu sương khói tháng năm…
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.