Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Chư Prông cần đi tắt, đón đầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Prông vào chiều 30-8, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế, đồng thời đề nghị địa phương cần đi tắt, đón đầu trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tập trung xây dựng các cụm công nghiệp để góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế
Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng cho biết: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, điều hành năng động của chính quyền địa phương và nỗ lực khắc phục khó khăn của Nhân dân, kinh tế-xã hội trên địa bàn tiếp tục phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố. Huyện Chư Prông vẫn xác định nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao là "trụ đỡ’’ quan trọng của nền kinh tế. Do đó, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 3-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Tính đến cuối năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt hơn 77.679 tỷ đồng, đạt 101,13% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ (ngành Nông-lâm nghiệp, thủy sản hơn 4.141 tỷ đồng, đạt 101,26% kế hoạch; ngành Công nghiệp-xây dựng trên 1.617 tỷ đồng, đạt 102,2% kế hoạch; ngành Dịch vụ hơn 1.920 tỷ đồng, đạt 100,12%, kế hoạch), thu nhập bình quân đầu người là 45 triệu đồng/năm. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 18,26% (5.707 hộ nghèo, trong đó 4.824 hộ đồng bào dân tộc thiểu số).
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cùng với đó, huyện cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, huyện có 8/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (các xã Bàu Cạn, Ia Phìn, Ia Băng, Ia Drăng, Ia Boòng, Thăng Hưng, Ia Lâu, Ia Tôr); có 10 thôn, làng đạt chuẩn nông mới. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 5-6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 34 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25 làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương, đặc biệt là vùng biên giới, xã khó khăn, huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản. Năm 2022, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản là hơn 84,7 tỷ đồng. Đến ngày 24-8, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện là 75,54 tỷ đồng, đạt 133,49% dự toán tỉnh giao, đạt 112,60% Nghị quyết HĐND huyện.
Đến nay, huyện có 107 dự án triển khai các thủ tục để đầu tư, tổng số vốn hơn 105.667 tỷ đồng; 26 dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 8.748 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng là 632,20 ha (2 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến nông-lâm sản; 17 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 3 dự án thuộc lĩnh vực khoáng sản; 4 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo); có 14 dự án triển khai xây dựng theo tiến độ được phê duyệt tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện có 60 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, gồm 24 Đảng bộ cơ sở, 36 chi bộ cơ sở. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên hiện nay đạt 89% (130/146 đồng chí); tỷ lệ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là 23,3% (34/146 đồng chí). Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 90% trưởng thôn là đảng viên; 60% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Huyện cũng đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển nguồn đảng viên tại chỗ; gắn phát triển Đảng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ đầu năm đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 81 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ huyện lên 4.391 đồng chí.
Tận dụng các tiềm năng, thế mạnh để phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Vũ Đình Hạnh cho biết: Để địa phương phát triển, cần khai thác hết tiềm năng, thế mạnh hiện có. Tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Huyện đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét 8 đề xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 11.000 ha cây cao su bị chết hoặc kém phát triển (thuộc các Công ty TNHH một thành viên Cao su: Chư Păh, Chư Sê, Chư Prông…). Chính vì thế, huyện đề nghị tỉnh kiến nghị với Chính phủ xem xét cho chuyển đổi số diện tích này sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao để thu hút lao động và tận dụng nguồn đất sẵn có.
Bên cạnh đó, tuyến đường từ quốc lộ 14C đi xã Ia Piơr kết nối với huyện Chư Pưh được Sở Giao thông-Vận tải bố trí kế hoạch đầu tư giai đoạn 2025-2030. Hiện nay, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân đi lại hết sức khó khăn. Chủ tịch UBND huyện đề nghị Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành triển khai đầu tư xây dựng sớm hơn. Huyện Chư Prông cũng đề nghị tỉnh quan tâm xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư khai hoang 1.000 ha diện tích đất tại xã Ia Púch, Ia Mơr để phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi trên địa bàn...
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà huyện đưa ra, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Việc chuyển đổi diện tích cây cao su chết hoặc không phát triển trên địa bàn huyện, tỉnh đã chỉ đạo Sở báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như Cục Lâm nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Đối với việc khai hoang đồng ruộng, Sở đã làm việc với các cơ quan liên quan, lập dự án, huy đồng nguồn vốn để tiến hành khai hoang đồng ruộng, phục vụ cho việc sản xuất của Nhân dân. “Chư Prông là địa phương có lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi. Với vai trò, chức năng của mình, Sở sẽ tham mưu, đề xuất với tỉnh để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ địa phương phát huy lợi thế"-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải đóng góp ý kiến. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Một trong những vướng mắc mà huyện Chư Prông đang đối mặt đó là việc triển khai các công trình điện gió, liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tình hình khiếu kiện có chiều hướng phức tạp. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho rằng: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 dự án điện gió với tổng công suất 199 MW. Một số hộ dân có đất, tài sản nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió. Qua rà soát các văn bản, chúng tôi nhận thấy chưa có quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi an toàn cột tháp gió. Vì thế, Sở đã kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể về việc này". Cũng theo Giám đốc Sở Công thương, năm 2022, Sở đã hỗ trợ 7 cơ sở của huyện đăng ký sản phẩm để bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 6 cơ sở có sản phẩm được công nhận. Cùng với đó, Sở đã hỗ trợ 400 triệu đồng để triển khai Đề án khuyến công “Hỗ trợ máy móc, thiết bị trong chế biến nông sản”.
Về hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng cho rằng: "Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 tuyến đường liên huyện với tổng chiều dài hơn 156 km, hơn 129 km đường liên xã... Hệ thống giao thông của huyện đã đảm bảo kết nối các tuyến đường 665, 663; tuyến đường liên huyện Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ đang triển khai nối Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh. Đây là lợi thế để kinh tế-xã hội của huyện phát triển". Cũng theo ông Dũng, hiện nay nhu cầu đi ra phía Bắc, miền Trung và miền Nam của người dân trên địa bàn lớn nhưng huyện Chư Prông chưa có bến xe nên các hãng xe chỉ dùng xe trung chuyển, hoặc dùng đón xe không đúng nơi quy định gây mất an toàn giao thông. Chính vì thế, huyện cần nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng bến xe để tận dụng lợi thế phát triển dịch vụ hàng hóa và vận chuyển khác.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền huyện Chư Prông đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, tình trạng rừng bị lấn chiếm; xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu; một số cấp ủy, tổ chức Đảng vẫn còn mất đoàn kết nội bộ, chất lượng, sinh hoạt Đảng ở cơ sở chưa được nâng lên; quan hệ giữa cấp ủy và lãnh đạo cơ quan vẫn chưa tốt. Đó là những hạn chế, tồn tại huyện cần tập trung khắc phục.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chư Prông có nhiều tiềm năng, lợi thế như: diện tích đất rộng, dân số đông; tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản phong phú, văn hóa đa dạng; nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn... Do đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ và mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị: "Huyện cần phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh; xác định tiềm năng lợi thế để xây dựng định hướng trong thời gian tới. Chư Prông cần kêu gọi các dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, phải kiểm soát tốt các dự án; đi tắt, đón đầu trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tập trung xây dựng các cụm công nghiệp. Cùng với đó, huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, lấy mục tiêu nâng cao đời sống người dân làm trọng tâm. Chú ý việc quản lý, bảo vệ rừng; quan tâm đến công tác giáo dục-đào tạo, nâng cao dân trí, đặc biệt là vùng sâu vùng xa; tập trung bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn".
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn cao. Vì vậy, huyện phải lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để giảm nghèo; tập trung nắm địa bàn, bám sát cơ sở để xem xét, giải quyết những kiến nghị của Nhân dân, những phát sinh từ cơ sở. Tập trung xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, đoàn kết nội bộ; chú trọng công tác kết nạp đảng viên và tạo nguồn cán bộ ở cơ sở; thực hiện các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy giao các sở, ngành nghiên cứu các kiến nghị của địa phương, việc nào vượt thẩm quyền thì trình xin ý kiến của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, giải quyết.
VĨNH HOÀNG
 

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...